19/11/2024

Các lãnh đạo tôn giáo lên án ‘cuộc diệt chủng tiềm tàng’ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc

Các lãnh đạo tôn giáo lên án ‘cuộc diệt chủng tiềm tàng’ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc

Việc chính phủ Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là “một trong những thảm kịch nhân loại nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm hoạ phòng hơi ngạt (Holocaust)”, đây là phát biểu của 2 hồng y Châu Á và 74 nhà lãnh đạo tôn giáo khác viết trong một tuyên bố hôm 8/8.

ĐHY Charles Bo, TGM Yangon và Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Á, và Hồng y Ignatius Suharyo, TGM Jakarta, Indonesia, trong số 76 người ký tên kêu gọi “cầu nguyện, liên đới và hành động để chấm dứt những hành động tàn bạo hàng loạt này” chống lại người Thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc.

Tuyên bố viết: “Sau Holocaust, thế giới đã nói ‘không bao giờ lặp lại’. Hôm nay, chúng tôi lặp lại những từ ‘không bao giờ nữa’, không lần nào nữa. Chúng tôi sát cánh với người Duy Ngô Nhĩ. Chúng tôi bên cạnh các Phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công và các Kitô hữu trên khắp Trung Quốc, những người đang đối mặt với cuộc đàn áp tồi tệ nhất đối với tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng kể từ Cách mạng Văn hoá.”

Tuyên bố cũng yêu cầu công lý, “điều tra những tội ác này và buộc những người có trách nhiệm phải giải trình, đồng thời thiết lập một con đường hướng tới việc khôi phục phẩm giá con người”.

Những người ký trong thư – bao gồm cựu Tổng Giám mục Canterbury Rowan Williams và các nhà lãnh đạo Hồi giáo, Do Thái, Phật giáo và Kitô giáo – đã trích dẫn việc Trung Quốc bắt giữ một triệu người Hồi giáo và chiến dịch cưỡng bức triệt sản trong số “nhiều cuộc đàn áp và hàng loạt hành động tàn bạo”.

Theo nhiều báo cáo, từ 900.000 đến 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đã bị bỏ tù ở Tân Cương, một tỉnh phía tây bắc của Trung Quốc. Chính phủ đã thiết lập hơn 1.300 trại tạm giam, nơi những người sống sót báo cáo là đã bị nhồi nhét về chính trị và chống tôn giáo, bị tra tấn, đánh đập và cưỡng bức lao động.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tôn giáo khẳng định rằng chiến dịch cưỡng bức triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong độ tuổi sinh đẻ tại bốn huyện có người Duy Ngô Nhĩ có thể nâng hành động này lên mức diệt chủng theo Công ước Diệt chủng năm 1948.

Tuyên bố viết: “Mục đích rõ ràng của các nhà chức trách Trung Quốc là xóa bỏ danh tính người Duy Ngô Nhĩ. Truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã tuyên bố rằng mục tiêu là ‘phá vỡ dòng dõi của họ, phá vỡ nguồn cội của họ, phá vỡ các mối quan hệ của họ và phá vỡ nguồn gốc của họ’.”

Các nhà lãnh đạo tôn giáo nói: “Là những nhà lãnh đạo đức tin, chúng tôi không phải là nhà hoạt động hay nhà hoạch định chính sách. Nhưng chúng tôi có nhiệm vụ kêu gọi cộng đồng của chúng tôi có trách nhiệm chăm sóc đồng loại và hành động khi họ gặp nguy hiểm.” (CNA 10/8/2020)

Văn Yên, SJ