Thời gian ông chăm con nuôi nhiều hơn con đẻ của mình.
Những cái tên đặc biệt
|
|
Vợ trung tá Phạm Thái Hòa cũng đồng cảm với ý nguyện của chồng nên không phàn nàn gì việc ông “chia sẻ” tình cảm với những đứa con nuôi; đồng thời, còn cùng gánh vác “sự nghiệp nuôi con nuôi” của chồng. Khi các con nuôi của trung tá Hoà lên TP.Sơn La học tập, vợ ông đã dẫn đi chơi và mua sắm, chăm lo cho chúng như những đứa con đẻ của mình.
|
|
|
Các con nuôi của ông Hòa (3 trai, 2 gái) có những cái tên thật đặc biệt, vì ông và đồng đội nhận nuôi vào những ngày lịch sử. Giàng Đồng Tủa (17 tuổi) là đứa con trai đầu tiên được nhận về nuôi ngày 3.3.2016, ngày truyền thống lực lượng Bộ đội biên phòng, nên ông đặt tên con là Biên Cương. Con nuôi thứ 2 là Giàng Bả Hợ (15 tuổi), nhận nuôi ngày 2.9, nên mang tên Quốc Khánh. Đứa con trai thứ 3 là Thào Cha Pó (14 tuổi), được nhận nuôi ngày 1.6 và có tên Thành Nhi. Hai cô con gái ông mới nhận nuôi là Thào Thị Dâu (13 tuổi) và Sồng Thị Dở (8 tuổi) thì chưa biết đặt tên gì vì ông muốn cho các con có những cái tên ý nghĩa.
Cả 5 đứa con trung tá Hòa nhận nuôi đều có những hoàn cảnh mà ông gọi là “không thể éo le hơn”. Giàng Đồng Tủa ở gia đình có tới 8 anh em, Tủa là con trai cả phải tự lao động kiếm sống và nuôi em, nên nghỉ học giữa chừng. Ông Hoà nhận Tủa về nuôi tại đồn biên phòng (ĐBP) và chăm lo ăn học đến nay đã là học sinh trường THPT nội trú của tỉnh. Giàng Bả Hợ thì mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi chưa được 1 tuổi. “Bố cháu bị rắn độc cắn chết. Sau đó 1 tháng, mẹ cháu tự tử khi buộc phải lấy em chồng, bỏ lại cháu sống với bà nội già yếu hơn 80 tuổi. Hai bà cháu kiếm được cái gì ăn cái đó, bữa no, bữa đói. Cái ăn, cái mặc không đủ, nhiều lần cháu định bỏ học ở nhà phụ bà kiếm sống”, ông Hoà kể về hoàn cảnh của đứa con nuôi thứ hai.
Trung tá Phạm Thái Hòa ẢNH: LÒ THOẠI
|
Còn Thào Cha Pó là con của một tội phạm ma túy, được trung tá Hòa nhận nuôi, đặt tên Thành Nhi với mong muốn cháu trưởng thành nên người. Ông tâm sự: “Tôi nhận nuôi cháu cũng là muốn thực hiện ý nghĩa nhân văn, không để các cháu tự ti hay mặc cảm về hoàn cảnh gia đình mình, vươn lên hoà nhập với cộng đồng…”. Sau đó, ông lại nhận nuôi tiếp em của Pó là Thào Thị Dâu. “Mẹ cháu có 4 đứa con, lại đảm nhiệm chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản nên rất bận rộn. Nếu phải chăm lo cho 3 đứa con trong hoàn cảnh chồng tù tội, thì mẹ các cháu không có thời gian, nên tôi nhận nuôi thêm Dâu để giúp mẹ cháu làm công tác xã hội…”, ông Hòa nói.
Sồng Thị Dở thì ông nhận nuôi với tâm nguyện “đào tạo cán bộ nguồn cho địa phương” vì Dở có tố chất thông minh nhưng bố mất sớm, gia đình khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học. “Các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới phần lớn chỉ học đến nửa chừng là gia đình bắt nghỉ học phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy hoặc lấy chồng sớm. Vì thế, tôi muốn nhận nuôi vài cháu nữ để sau này các cháu được học hành và có thể được đi làm cán bộ để giúp đỡ bà con”, trung tá Hòa chia sẻ.
“Gà trống nuôi con”
Để nuôi được 5 người con, trung tá Hòa cùng đồng đội đã trải qua không ít gian nan vì khi nhận các em về nuôi đều từ những hoàn cảnh đáng thương, nên thể lực các em rất hạn chế, có em còi xương, suy dinh dưỡng… Ông cùng đồng đội phải dạy các em từ vệ sinh cá nhân, đến rèn luyện thể lực, kỹ năng sống rồi dạy các em biết tăng gia sản xuất ngoài giờ học…
Ông Hoà chia sẻ, việc nhận nuôi các cháu nữ ở ĐBP khó khăn gấp nhiều lần nuôi các cháu nam vì đồn chỉ có các bố, chứ không có mẹ. “Cháu Dở mới học lớp 3 nên còn bé quá. Khi mới về đồn, cháu khóc suốt ngày, không chịu ăn uống và cứ đòi về. Tôi cùng đồng đội đã chăm sóc, dỗ dành… nên dần dần cháu cũng thích nghi”, ông bố tâm sự cảnh “gà trống nuôi con”.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất với ông vẫn là kinh tế. “Thấy các cháu đáng thương, tôi muốn nhận nuôi nhiều nhưng điều kiện kinh tế không đảm bảo. Hiện mỗi đồng đội ở ĐBP đều đóng góp mỗi người một chút để nuôi và dạy bảo các cháu…”
Điều đáng nói là từ những tình thương yêu của người lính, các con nuôi của ông đều từng bước trưởng thành. “Từ 5 đứa trẻ với hoàn cảnh khác nhau, giờ chúng sống trong một mái nhà như anh em ruột. Sáng dậy tự vệ sinh cá nhân, tập thể dục và gấp chăn màn nhanh, đẹp như các chú bộ đội, tự tin trong giao tiếp và học tập…”, ông Hòa khoe.
Những đứa con nuôi rạng rỡ trong trang phục mới được vợ ông Phạm Thái Hoà dẫn đi chơi và mua sắm ở TP.Sơn La tháng 7.2018 ẢNH: LÒ THOẠI
|
Đặc biệt, các con ông đều học hành tiến bộ, 2 em lớn đều được học ở trường dân tộc nội trú của tỉnh và huyện. Giàng Bả Hợ, đứa trẻ mồ côi, giờ đã trưởng thành và là học sinh lớp 11 trường dân tộc nội trú của huyện. Tâm sự về bố nuôi của mình, Hợ xúc động nói: “Từ khi được về ở cùng các chú, cháu được sống trong tình yêu thương của cả ĐBP. Mặc dù cháu thiếu thốn tình cảm của cả cha và mẹ, nhưng sự đùm bọc của các chú, đặc biệt là bố Phạm Thái Hòa, cháu cảm thấy như được có thêm nhiều người anh, nhiều người chú và cả những người cha, người mẹ”.
Hợ cũng chia sẻ: “Bố Hoà và các chú cho cháu ở, nuôi cháu ăn, dạy cháu học; chỉ bảo cho cháu trong sinh hoạt, học tập và rèn luyện. Chăm lo cho cháu nhiều như con đẻ của mình. Sau mỗi ngày học trên lớp, cháu lại được trở về ngôi nhà thứ hai của mình là ĐBP Mường Lạn. Tối đến, cháu được bố và các chú trong đồn kèm cặp, học bài. Bố Hòa và các chú đã kiên trì, miệt mài chỉ cho cháu từng phép toán, từng câu văn để cháu có thể học tập tốt hơn. Kết quả học tập của cháu từ học lực trung bình đã tiến bộ thành học sinh tiên tiến”.
Nói về việc nhận nuôi con nuôi, trung tá Hoà cho hay đó là “nhiệm vụ” của người lính nơi biên cương Tổ quốc. Hơn nữa, nó xuất phát từ tâm nguyện của ông từ nhỏ. “Bố tôi quê gốc ở Thái Bình nhưng ông lên miền núi tham gia chiến đấu giải phóng Điện Biên Phủ rồi gắn cuộc đời mình với miền quê Tây Bắc. Mẹ tôi làm cán bộ của trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Ngày nhỏ, tôi thường theo mẹ đến trường và chứng kiến những cảnh khó khăn của các bạn. Vì vậy, sau này, khi tham gia quân ngũ, tôi đã vận động anh em xây dựng một mái ấm tình thương để nuôi dưỡng các con có hoàn cảnh khó khăn, giúp các con trưởng thành, đặc biệt là con em dân tộc thiểu số”, trung tá Hoà tâm sự.
Ông Hòa cũng cho biết ông về làm Đồn trưởng ĐBP Mường Lạn năm 2015. Năm 2016, ông cho cải tạo một ngôi nhà cũ của đồn thành một mái nhà ấm áp với tên gọi “Mái ấm nâng bước em tới trường” và bắt đầu nhận các cháu có hoàn cảnh khó khăn về nuôi. Vợ và 2 con đẻ của ông ở TP.Sơn La, cách ĐBP Mường Lạn khoảng hơn 160 km, nên không mấy khi ông được về nhà chăm lo cho con cái. “Vợ tôi làm giáo viên nên cũng thuận lợi cho việc chăm sóc các cháu. Còn tôi ở ĐBP chỉ chăm sóc con nuôi, vì “con biên giới” cũng như con ở nhà”, trung tá Hoà chia sẻ.
VŨ THƠ