Có bao nhiêu chủng virus SARS-CoV-2 đang lây lan?
Có bao nhiêu chủng virus SARS-CoV-2 đang lây lan?
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 biến đổi liên tục trong quá trình lây nhiễm ở người. Các nhà khoa học không loại trừ khả năng một biến thể trong tương lai có độc tính mạnh hơn các chủng hiện tại.
Theo Viện Nghiên cứu và đổi mới Vương quốc Anh (UKRI), các nhà khoa học phân loại chủng virus dựa trên một hoặc nhiều đột biến gen.
Các chủng virus có thể giống hoặc khác nhau về mặt sinh học (chức năng), một số nhà virus học chỉ phân biệt chúng trong trường hợp sau do đột biến xảy ra khá thường xuyên.
Hai chủng virus được gọi là khác nhau về mặt sinh học nếu chúng kích thích phản ứng miễn dịch khác nhau trong cơ thể người, hoặc chúng mang đặc tính riêng trong cách thức lây truyền.
Khi một con virus xâm nhập tế bào, nó bắt đầu nhân bản bằng cách sao chép thông tin di truyền – trường hợp virus SARS-CoV-2 là một phân tử RNA. Cơ chế sao chép của virus RNA không chính xác bằng các sinh vật sống cao cấp, do đó đột biến thường xảy ra trong quá trình đó.
Trước khi xuất hiện ở người, các nhà khoa học cho biết 2 đột biến quan trọng đã trang bị cho virus SARS-CoV-2 khả năng nhảy từ loài này sang loài khác, dễ lây lan hơn hai loại virus cùng họ corona xuất hiện trước đó là SARS-CoV-1 và MERS-CoV.
Bác sĩ Denis Bauer, thuộc tổ chức nghiên cứu CSIRO của Úc, giải thích thêm: một trong hai đột biến – vốn cho phép SARS-CoV-2 gắn kết các tế bào lại với nhau, tạo ra một con đường di chuyển nhanh xuyên cơ thể người – chỉ gồm 3 ký tự thay đổi trong mã RNA của nó.
Giáo sư Francois Balloux, thuộc Đại học College London, ước tính virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng có biến chủng với tốc độ ổn định khoảng 20 chủng mỗi năm, nhanh hơn ông mong đợi dù không đến mức như các loại virus cúm vốn đòi hỏi vắcxin phải cập nhật thường xuyên.
Thời gian qua, các ổ dịch COVID-19 nguy hiểm ở châu Âu và Mỹ làm dấy lên giả thiết rằng chủng SARS-CoV-2 độc và dễ lây hơn đã lan truyền trong dân số. Một số nghiên cứu hồi đầu dịch ước tính có khoảng 30 chủng SARS-CoV-2.
Trong một khảo sát gần đây trên gần 30.000 người ở Brazil, các nhà khoa học phát hiện hơn 100 biến thể SARS-CoV-2 khác nhau, nhưng nghiên cứu sâu thì 75% số đó thuộc về 3 chủng chính có nguồn gốc từ châu Âu.
Các chuyến bay đường dài là con đường giúp chúng phát tán.
Hiện tại, các đột biến của virus SARS-CoV-2 đang được giới khoa học theo dõi sát bằng cách giải mã bộ gen virus phân lập từ bệnh nhân trên khắp thế giới. Thông tin này sẽ giúp họ phát hiện những biến thể quan trọng, nhanh chóng xác định virus có trở nên nguy hiểm hơn hay không.