24/11/2024

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất gia nhập đường đua đến sao Hoả

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất gia nhập đường đua đến sao Hoả

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất hôm 20.7 đã phóng sứ mệnh thám hiểm sao Hoả đầu tiên của nước này, trong nỗ lực phát triển năng lực khoa học và công nghệ cũng như giảm sự phụ thuộc kinh tế vào dầu mỏ.

 

 

 

Hình ảnh chụp màn hình vụ phóng tàu thăm dò của UAE /// AFP
Hình ảnh chụp màn hình vụ phóng tàu thăm dò của UAE  AFP
Tàu thăm dò mang tên Hy vọng (tiếng Ả Rập là Al-Amal) đã rời bệ phóng ở Trung tâm không gian Tanegashima của Nhật Bản vào 6 giờ 58 sáng 20.7 (giờ Tokyo), bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 7 tháng đến sao Hỏa.
Khi đến nơi, con tàu sẽ vào quỹ đạo hành tinh đỏ và gửi về Trái đất dữ liệu liên quan đến khí quyển hành tinh, theo Reuters.
Sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của UAE lẽ ra được triển khai vào ngày 14.7, nhưng bị buộc phải hoãn đến 2 lần vì thời tiết xấu.
Chỉ hơn 1 giờ kể từ khi tên lửa rời bệ phóng, tàu thăm dò đã kích hoạt các bảng điện mặt trời để cung cấp năng lượng cho hệ thống và thiết lập kết nối vô tuyến với trạm mặt đất.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất gia nhập đường đua đến sao Hỏa - ảnh 1

UAE theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc không gian  AFP

 

Hiện có 8 sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa đang được triển khai; một số đang trên quỹ đạo hành tinh và số còn lại đã đáp lên sao Hỏa. Trung Quốc và Mỹ đều lên kế hoạch gửi tàu vũ trụ đến hành tinh đỏ trong năm nay.
Sứ mệnh sao Hỏa của UAE ngốn chi phí khoảng 200 triệu USD, theo Bộ trưởng Khoa học Hiện đại Sarah Amiri. Thông qua tàu Hy Vọng, UAE đặt tham vọng thu thập toàn cảnh về tình trạng và hoạt động của khí quyển sao Hỏa, nghiên cứu các thay đổi diễn ra thường ngày và theo mùa.
UAE lần đầu tiên công bố kế hoạch sao Hỏa vào năm 2014 và triển khai Chương trình Không gian Quốc gia vào năm 2017 để phát triển chuyên môn trong nước. Dân số của UAE vào khoảng 9,4 triệu người, đa số là lao động nước ngoài, thiếu nền tảng khoa học và công nghiệp của các cường quốc thám hiểm không gian trên thế giới.
Chính phủ UAE đặt mục tiêu mở khu định cư trên sao Hỏa vào năm 2117. Trước đó, vào tháng 9.2019, nhà du hành vũ trụ Hazza al-Mansouri trở thành người UAE đầu tiên lên Trạm Không gian Quốc tế.
Để phát triển và chế tạo tàu thăm dò Hy vọng, các chuyên gia UAE và đồng nghiệp tại Trung tâm không gian Mohammed Bin Rashid ở Dubai (MBRSC) đã hợp tác với các viện giáo dục Mỹ.
Trung tâm MBRSC sẽ theo dõi con tàu trong cuộc hành trình dài 494 triệu km đến sao Hỏa, với tốc độ trung bình 121.000 km/giờ.
PHI YẾN
TNO