24/11/2024

Chờ đợi những đổi mới trong Giáo triều Roma

Chờ đợi những đổi mới trong Giáo triều Roma

ĐTC Phanxicô trong buổi gặp Giáo triều Roma cuối năm 2018 (Vatican Media)

Theo một nguồn tin, ĐTC Phanxicô đã ký Tông hiến mới về Giáo triều Roma, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc cải tổ các cơ quan trung ương Toà Thánh, được ĐTC Phanxicô khởi sự cách đây 7 năm.

Tháng 7 và tháng 8 thường là thời kỳ “im lìm” nhất ở Vatican và trong thời kỳ đại dịch hiện nay, sự thinh lặng dường như càng lớn hơn. Thực vậy,đây là kỳ nghỉ hè, các hoạt động của ĐTC và các cơ quan trung ương Toà Thánh giảm bớt tối đa. Thêm vào đó,  nước Ý chỉ mới mở cửa cho các nước thuộc Liên hiệp Âu châu, nên những người đến từ đại lục khác, và cả một số nước Âu châu, bị liệt vào “sổ đen”; như vài nước vùng Balcan, khi đến Ý, phải cách ly tại gia 14 ngày. Ngoài ra, vì các chuyến bay liên lục địa chưa được mở lại, nên sự hiện diện của các du khách ở khu vực Vatican nói riêng và ở Roma nói chung vẫn còn rất thưa thớt.

Dự thảo chung kết Tông hiến mới về Giáo triều

Trong bối cảnh trên đây, người ta đặc biệt chú ý đến một bài của ký giả Robert Mickens, người Mỹ, đăng trên báo “La Croix quốc tế” số ra ngày 10/07/2020. Ông trích thuật “một nguồn tin từ Vatican” cho biết ĐTC đã ký Tông hiến mới về Giáo triều Roma với tựa đề được nói đến cho đến nay là “Praedicate Evangelium” (Các con hãy loan báo Tin Mừng), và đang được dịch ra các sinh ngữ chính. Một vị lãnh đạo khác trong giáo triều cho biết khoảng hôm 25/06/2020 đã nhận được dự thảo chung kết của Tông hiến này.

Dự án to lớn

Điều chắc chắn là cho đến lúc này, người ta chưa biết khi nào Tông hiến mới sẽ được công bố. Ký giả Mickens nhận xét rằng “Đây có lẽ là dự án lớn nhất của ĐTC Phanxicô, nhắm cải tổ não trạng và các cơ cấu của trung ương Giáo Hội Công Giáo.” Thực vậy, 1 tháng sau khi được bầu làm Giáo hoàng, hồi tháng 3 năm 2013, ĐTC Phanxicô đã thiết lập Hội đồng Hồng y Cố vấn, gồm 9 vị, để giúp ngài cải tổ giáo triều Roma và đề ra những thay đổi khác trong Giáo Hội hoàn vũ.

Trong hơn 7 năm qua, Hội đồng Hồng y Cố vấn của ĐTC (với thời gian, còn lại 6 vị), đã nhóm 32 khoá họp để giúp ngài trong công trình cải tổ, và đã đi đến dự thảo Tông hiến mới. Mấy lần Hội đồng Hồng y Cố vấn đã tiên báo Tông hiến này có thể được công bố, lần đầu tiên vào năm 2018, rồi sau đó, dự kiến vào tháng 6 năm ngoái, 2019, nhưng rồi, con đường có nhiều chướng ngại cần vượt qua. Có thêm nhiều ý kiến quan trọng được đóng góp. Và nhiều người đã dự đoán Văn kiện quan trọng này sẽ được công bố vào dịp lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô, ngày 29/06 vừa qua. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi chương trình.

Tông hiến mới, sau khi được công bố, sẽ thay thế Tông hiến “Pastor Bonus” (Mục tử Nhân lành), được công bố hồi cuối tháng 06/1988 và đã chi phối hoạt động của Giáo triều trong 32 năm qua.

Sẽ có nhiều thay đổi nhân sự

Bài của ký giả Robert Mickens không cung cấp chi tiết nào đáng kể về nội dung của Tông hiến mới, nhưng phần lớn bài báo nói về những thay đổi mà Văn kiện này có thể đưa tới, ngay trong giai đoạn đầu, cụ thể là hàng chục hồng y và GM thuộc hàng ngũ lãnh đạo các cơ quan trung ương Toà Thánh hiện nay sẽ về hưu. Hầu hết là những vị đã trên 75 tuổi, là tuổi về hưu theo Tông hiến “Mục tử Nhân lành” nhưng ĐTC Phanxicô còn lưu các vị lại, có lẽ để chờ áp dụng Tông hiến mới.

Nhiều vị sẽ về hưu

Ký giả Mickens, thuộc khuynh hướng cấp tiến, đặc biệt nhắc đến ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, người Guinea Equatoriale, Phi châu. Tuy đặt ĐHY ở vị trí này, và mới đây đã tiếp tục lưu giữ ĐHY ở chức vụ Tổng trưởng cho đến khi có lệnh mới, nhưng ĐTC Phanxicô đã nhiều lần sửa sai ĐHY vì những tuyên bố về phụng vụ.

Rất có thể ĐHY Sarah sẽ về hưu sau khi Tông hiến mới ra đời. Cũng vậy, ĐHY Tổng trưởng Bộ GM Marc Ouellet, 76 tuổi, thuộc Tu đoàn Xuân Bích, người Canada, ĐHY Leoardo Sandri, 76 tuổi, người Argentina, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, ĐHY Giuseppe Versaldi người Ý, 77 tuổi, Tổng trưởng Bộ Giáo dục Công Giáo, ĐHY Beniamino Stella, người Ý, 79 tuổi, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, và vị tổng thư ký của Bộ này là Đức TGM Joel Mercier, 75 tuổi người Pháp. Cũng vậy, Đức TGM Marcello Bartolucci người Ý, 76 tuổi, Tổng Thư ký Bộ Phong Thánh; ĐHY Giuseppe Bertello, 78 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Quốc gia thành Vatican và vị Tổng thư ký Phủ Thống đốc Vatican là Đức Cha Fernando Vérgez Alzaga, người Tây Ban nha, 75 tuổi, thuộc Dòng Đạo binh Chúa Kitô.

Cả ĐHY Mauro Piacenza, Chánh tòa Ân giải tối cao, người Ý, 76 tuổi, cũng sẽ nhường chỗ cho người khác. Một số vị HY và GM trên 75 tuổi trong giáo triều cũng có thể không được lưu nhiệm sau khi có Tông Hiến mới, trong đó có ĐHY Luis Ladaria, 76 tuổi, dòng Tên, người Tây Ban Nha, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, hoặc ĐHY Angelo Comastri, 77 tuổi ,Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô. Mới đây ĐTC đã cử Đức TGM Mario Giordana, 78 tuổi, cựu Sứ Thần Tòa Thánh, làm đặc ủy để điều chỉnh lại qui chế của cơ quan đặc trách bảo trì và quản lý Đền thờ Thánh Phêrô vì có những ”không ổn” về tài chánh và quản trị của cơ quan này. Tuy nhiên việc thay thế các chức sắc vẫn tùy thuộc quyết định chung kết của ĐTC và tùy xem ngài có tìm được người vừa ý để bổ nhiệm hay không.

Thay đổi danh xưng và vai trò của một số Bộ

Ngoài việc thay đổi nhân sự có thể có, người ta cũng chờ đợi để biết chính xác nội dung của Tông hiến mới về một số tiết lộ đã được phổ biến trong thời quan qua. Ví dụ:

Bộ Truyền giáo sẽ giữ vai trò quan trọng nhất và phân làm 2 phân bộ: một lo về các vấn đề cơ bản liên quan đến việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, và phân bộ thứ hai có nhiệm vụ cống hiến sự đồng hành và nâng đỡ các Giáo phận không thuộc thẩm quyền của Bộ các Giáo hội Đông phương.

Bộ Giáo lý Đức tin không còn tầm quan trọng như trước kia được gọi là bộ tối cao. Nay Bộ sẽ nới rộng hoạt động, không phải chỉ kiểm soát đạo lý nhưng còn khuyến khích những nghiên cứu thần học.

Có thể một bộ mới được thành lập là bộ bác ái: cho đến nay đây chỉ là văn phòng từ thiện của ĐTC, cấp các bằng phép lành Toà Thánh, để lấy ngân khoản giúp đỡ người nghèo nhân danh ĐTC, nay có thể sẽ trở thành một bộ với một vị Bộ trưởng.

ĐTC nhấn mạnh nguyên tắc chủ yếu này trong việc cải tổ, đó là “cải tổ Giáo triều không phải chỉ là thay đổi nhân sự – chắc chắn là điều này đang và được tiến hành – nhưng nhất là cải tổ bằng sự hoán cải nơi nhân sự”. Trong thực tế, ĐTC nói, không phải chỉ thực hiện việc thường huấn, nhưng nhất là phải có sự hoán cải và thanh tẩy liên tục. Nếu không có sự thay đổi não trạng, thì những cố gắng về phương diện chức năng sẽ vô ích.

G. Trần Đức Anh OP