‘Hành tinh thứ 9’ hay hố đen nguyên thuỷ?
‘Hành tinh thứ 9’ hay hố đen nguyên thuỷ?
Các chuyên gia Mỹ vừa nghĩ ra biện pháp truy lùng tông tích của các hố đen nằm ngoài Dải Ngân hà, và theo thời gian có thể tìm ra câu trả lời về sự tồn tại của cái gọi là “hành tinh thứ 9”.
Đội ngũ khoa học gia của Đại học Harvard (Mỹ) cho hay sẽ tận dụng sứ mệnh Khảo sát Di sản Không gian và Thời gian (LSST), dự kiến khởi động từ giữa năm sau và kéo dài suốt 1 thập niên.
Nhờ vào camera 3.200 megapixel và lăng kính có kích thước cỡ sân tennis, các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm dấu vết của những vết lóa bồi tụ, phóng thích từ các sao chổi hoặc tiểu hành tinh đang bị hố đen xé nát.
“Vì bản chất của các hố đen, con người chỉ có thể dựa vào những bức xạ phát ra từ vật chất đang bị cuốn vào hố đen để xác định được vị trí của “những con quái vật háu ăn” này”, trang Phys.org hôm 10.7 dẫn lời tiến sĩ Avi Loeb của Đại học Harvard.
Và cũng nhờ vào phương pháp mới, tiến sĩ Loeb cho rằng chúng ta cuối cùng cũng sẽ xác định được cái gì đang tồn tại ở rìa Mây tinh vân Oort (chỉ đám mây bụi khí, sao chổi và vẫn thạch khổng lồ), cũng đại diện cho ranh giới cuối cùng của hệ mặt trời.
Có một thứ gì đó đang ở rìa mặt trời, mà theo một số giả thuyết cho rằng đây là “hành tinh thứ 9” hoặc một hố đen nguyên thủy hình thành ngay sau sự kiện Big Bang.
“Nếu có thể xác nhận sự tồn tại của hành tinh thứ 9, đây sẽ là lần đầu tiên nhân loại phát hiện một hành tinh mới của hệ mặt trời trong vòng 2 thế kỷ”, theo sinh viên ngành vật lý thiên thể Amir Siraj của Đại học Harvard, một thành viên của tổ nghiên cứu.
Sứ mệnh LSST sẽ mang theo các thiết bị và công cụ đủ nhạy để bắt được tín hiệu của bức xạ nằm ngoài phạm vi Mây tinh vân Oort, gấp 100.000 khoảng cách từ Trái đất-mặt trời.
HẠO NHIÊN
TNO