24/11/2024

Một bước mới trong cải tổ tài chính tại Vatican

Một bước mới trong cải tổ tài chính tại Vatican

Ngân hàng Vatican (© Vatican Media)

ĐTC Phanxicô đã đưa ra một quyết định mới: thanh lọc và chấn chỉnh Cơ quan Bảo trì và Quản trị Đền thờ Thánh Phêrô sau những trình báo về điều “không ổn” về tài chính và quản trị tại tổ chức này.

Trong những ngày qua, dư luận đặc biệt chú ý đến tin: ngày 29-6-2020 ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Mario Giordana, 78 tuổi, cựu Sứ thần Toà Thánh tại Haiti và Slovak, làm Đặc uỷ của ngài tại Cơ quan Bảo trì và Quản trị Đền thờ Thánh Phêrô và giao cho Đức TGM nhiệm vụ cập nhật Quy chế của cơ quan này, làm sáng tỏ về việc quản trị và tổ chức lại các ban quản trị và kỹ thuật của cơ quan bảo trì. Trong nhiệm vụ khó khăn này, Đức TGM Đặc uỷ sẽ được một uỷ ban trợ giúp.

Nguyên do quyết định

“Sở dĩ có quyết định trên đây của ĐTC là vì có một trình báo đến từ Văn Phòng của vị Tổng Kiểm toán. Sáng ngày 30-6-2020, nhân viên Văn phòng này đã đến tịch thu các tài liệu, các máy vi tính tại các ban kỹ thuật và quản trị của Cơ quan Bảo trì và Quản trị Đền thờ Thánh Phêrô. Việc tịch thu đã được phép, qua sắc lệnh của Ông Gian Piero Milano, Chưởng tín, tương đương với kiểm sát trưởng, và vị phụ tá là ông Alessandro Diddi, sau khi thông báo trước cho Phủ Quốc vụ khanh.”

– Cơ quan Bảo trì và Quản trị Đền thờ Thánh Phêrô từ 15 năm nay do ĐHY Angelo Comastri 77 tuổi điều khiển với sự cộng tác của Đức cha Vittorio Lanzani, 69 tuổi, hai vị đều là người Ý. ĐHY cũng là giám quản Đền thờ Thánh Phêrô. Quyết định trên đây của ĐTC có nghĩa là có những vấn đề “không minh bạch” tại cơ quan này, trái với tinh thần Tông thư Tự sắc của ĐTC công bố ngày 1-6-2020 về “sự minh bạch, kiểm soát và thi đấu thầu trong các thủ tục ký hợp đồng đấu thầu tại Toà Thánh và Quốc gia Thành Vatican”. Vì thế, ĐTC muốn làm sáng tỏ vấn đề và điều chỉnh lại quy chế của cơ quan này.

Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô

– Cơ quan Bảo trì và Quản trị Đền thờ Thánh Phêrô, trong tiếng Ý là “Fabbrica di San Pietro”, nghĩa đen là “Công xưởng Thánh Phêrô”, được ĐGH Clemente VII thành lập năm 1523, ban đầu như một ban gồm 60 chuyên gia có nhiệm vụ kiến thiết và quan trị Thánh Đường lớn nhất này của Giáo hội Công giáo, với bao nhiêu công trình cần thực hiện. Và sau khi việc kiến thiết hoàn tất, cơ quan vẫn tiếp tục hoạt động qua việc bảo trì, tu bổ, với sự cộng tác của hàng trăm nhân viên thuộc các ban ngành khác nhau của thánh đường này, kể cả những việc thông thường như xếp dọn các ghế, canh giữ đền thờ khi có du khách hoặc tín hữu thăm viếng; bình thường khoảng 20.000 người mỗi ngày. Niên giám hiện hành của Toà Thánh liệt kê 11 ban ngành khác nhau của “Fabbrica di San Pietro”.

Đức TGM đặc uỷ

– Đức TGM Mario Giordana cũng đã từng được ĐTC ủy nhiệm thi hành các cộng tác điều tra và chấn chỉnh tương tự: ví dụ cách đây 2 năm, ngài đã điều tra và làm sáng tỏ việc quản trị tài chính “lem nhem” trong Ca đoàn Sistina của Toà Thánh do Đức ông Massimo Palombella SDB làm ca trưởng và ông Michalangelo Nardella làm giám đốc hành chính và nghệ thuật. Kết quả là Đức ông ca trưởng và ông giám đốc Nardella đã bị thay thế và ca đoàn Sistana được đặt dưới quyền điều khiển của Ban Nghi lễ Phụng vụ của ĐTC do Đức ông Guido Marina làm trưởng ban.

Hoặc trước đó khi còn làm Sứ thần Toà Thánh tại Cộng hoà Slovak, Đức TGM Sứ thần Mario Giordana đã được uỷ nhiệm điều tra về những lời cáo buộc Đức cha Róbert Bezak, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, TGM Giáo phận Trnava về việc quản trị kém, gây thiệt hại lớn về tài chính cho giáo phận. Cuộc điều tra đã đưa tới sự bãi chức của Đức cha Bezák hồi tháng 7-2012 và ngài lui về một nhà của dòng ở Ý.

Trong những ngày qua, một số báo chí cho rằng có sự quản trị không minh bạch việc cho công ty đấu thầu việc tu bổ mái vòm Đền thờ Thánh Phêrô, việc tu bổ này đã vượt quá 4 triệu euro được phép và có những lỗ hổng trong kết toán chi thu.

Một chuỗi các biện pháp do ĐTC đề ra

Biện pháp ĐTC Phanxicô đề ra hôm 29-6-2020 là một bước mới trong một loạt các quyết định ngài đề ra để cải tổ Giáo triều Roma, đặc biệt về mặt tài chánh và quản trị.

Chẳng hạn ngày 14-5-2020, ngài bổ nhiệm Ông Giuseppe Schlitzer người Ý làm tân Giám đốc Cơ quan Giám sát Tài chính của Vatican (AIF), thay thế một chuyên gia người Thuỵ Sĩ. Ngày 1-5 sau đó, ĐTC sa thải 5 viên chức Vatican có dính dáng đến vụ mua căn hộ sang trọng ở Luân Đôn, khiến Toà Thánh bị thiệt hại hàng trăm triệu euro.

Họp hội đồng liên bộ của Vatican

Tiếp đến, ĐTC triệu tập một cuộc họp các thủ lãnh các cơ quan trung ương Toà Thánh hồi đầu tháng 5 để cùng với Cha Antonio Gerrero Alves, Dòng Tên, cứu xét các biện pháp về tình hình tài chính khó khăn của Toà Thánh..

Ban hành hai luật mới

Đặc biệt ngày 1-6-2020, ĐTC ban hành 2 luật mới cho Toà Thánh và Quốc gia Thành Vatican về sự minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh trong các thủ tục cấp hợp đồng đấu thầu tại Toà Thánh và Quốc gia Thành Vatican. Luật nhắm đạt tới một sự quản trị hữu hiệu hơn các tài nguyên của Toà Thánh và tránh sự phí phạm cũng như tránh nạn tham ô. Luật thứ nhất gồm 86 điều khoản về “sự minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh liên quan đến các hợp đồng công của Toà Thánh và Quốc gia Thành Vatican”, làm sao để những tác nhân kinh tế, các hãng, công ty hay những tác nhân khác muốn đấu thầu được đối xử đồng đều, tránh sự cạnh tranh bất hợp pháp và nạn tham nhũng, hối lộ, hoặc thiên vị.

Luật thứ 2 có 12 điều khoản về việc bảo vệ quyền tài phán của Toà Thánh trong những trường hợp tranh chấp, kiện tụng.

Phục hồi thanh danh tài chánh của Vatican

Các biện pháp gần đây nhắm phục hồi thanh danh của Toà Thánh bị thương tổn vì những vụ xì căng đan tài chính như vụ mua căn hộ ở Luân Đôn. Tiếp đến là cần phải khẩn trương đối phó với hiểm hoạ Toà Thánh sẽ thiếu hụt tài chính trầm trọng. Cha Guerrero, Bộ trưởng Kinh tế Báo động, rằng năm 2020 này mức thiếu hụt có thể tăng 175% và lên tới 160 triệu Mỹ kim vì lợi tức do đầu tư bị suy sụp, vì mức thu nhập giảm sút trầm trọng, như trường hợp Viện Bảo tàng Vatican bị đóng cửa hoặc bị hạn chế vì đại dịch Covid-19, thiếu du khách. Tình trạng thiếu hụt này cũng đe doạ vấn đề trả lương hưu cho các nhân viên. Nói khác đi, các biện pháp thanh lọc, ngăn chặn thất thu, phí phạm, không phải là một ước muốn luân lý hoặc một biện pháp đánh bóng trước dư luận, nhưng là một vấn đề sinh tử.

Quyết tâm đẩy mạnh cải tổ

Vấn đề là phải đợi xem các biện pháp cải tổ và thanh lộc ấy có hiệu năng đến mức độ nào. Ký giả John Allen Jr. của báo trực tuyến Crux Now (1/7/2020) ở Mỹ đưa ra nhận xét: “Cách đây 6 tháng, người ta bị cám dỗ mà nghĩ rằng ĐGH Phanxicô đã từ bỏ chương trình cải tổ tài chính. Nhưng hôm nay, trước sự gia tăng gấp đôi những vụ bê bối và nợ nần, ngài dường như quyết liệt dấn thân trên con đường cải tổ.”

G. Trần Đức Anh OP