Toà Thánh lặp lại lời ĐTC kêu gọi xoá nợ cho các nước đang phát triển
Ngày 02/07/2020, trong Phiên họp thứ 67 của Hội đồng Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, đã lặp lại lời Đức Thánh Cha kêu gọi xoá nợ cho các nước đang phát triển.
Đức Tổng Giám mục Jurkovic lưu ý rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện tại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến cuộc sống và sinh kế của những người ở các nước đang phát triển. “Một thách thức trước mắt là đảm bảo rằng các nhà hoạch định chính sách có cơ hội và nguồn lực để đối phó với cú sốc y tế và giảm thiểu thiệt hại kinh tế đi kèm. Việc này có xảy ra hay không và xảy ra thế nào sẽ có hậu quả trực tiếp trong việc tạo ra sự phục hồi công bằng hơn, toàn diện hơn và kiên cường hơn.”
Đại diện của Toà Thánh lưu ý rằng một con đường có thể làm giảm bớt tác động tàn phá, đó là “khắc phục gánh nặng nợ nước ngoài, ở cả cấp độ công lẫn tư của các nước đang phát triển trong những năm gần đây”.
Các nước nghèo nợ các tổ chức tài chính quốc tế và các quốc gia giàu có hàng tỷ đô la. Vào tháng 4, các nước G-20 đã đồng ý đình chỉ việc thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới cho đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không nằm trong đề nghị này.
Hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã công bố dữ liệu về thống kê nợ của 72 quốc gia có thu nhập thấp. Dữ liệu này tiết lộ rằng Trung Quốc đã vượt qua Ngân hàng Thế giới với tư cách là chủ nợ lớn nhất đối với các nước thu nhập thấp ở vùng hạ Sahara Châu Phi. Phân tích của ‘Sáng kiến nghiên cứu Châu Phi’ của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã cho vay 64 tỷ đô la ở Châu Phi vào năm 2018.
Đức Tổng Giám mục Jurkovic đã trích dẫn Thông điệp Urbi et Orbi, trong đó Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả quốc gia “đáp ứng nhu cầu lớn nhất của thời điểm này thông qua việc giảm bớt, nếu không phải là tha bỏ, khoản nợ đang đè nặng lên bảng cân đối của các quốc gia nghèo nhất”. (CSR_5022_2020)