19/11/2024

Thế giới trên bờ vực thảm hoạ lương thực tồi tệ nhất 50 năm

Thế giới đang ở bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây – Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố trong cuộc họp Chính sách về Tác động của dịch COVID-19 đối với An ninh và Dinh dưỡng thực phẩm thế giới được tổ chức hôm 10/6.

Thế giới trên bờ vực thảm hoạ lương thực tồi tệ nhất 50 năm

Thế giới đang ở bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây – Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố trong cuộc họp Chính sách về Tác động của dịch COVID-19 đối với An ninh và Dinh dưỡng thực phẩm thế giới được tổ chức hôm 10/6.

Thực phẩm hư hỏng, hàng triệu người nghèo đói cùng cực

Tổng Thư ký Guterres cho hay trước khi dịch COVID-19 xảy ra, đã có hơn 820 triệu người trên thế giới rơi vào tình trạng mất an toàn thực phẩm, trong đó có 135 triệu người ở tình trạng khủng hoảng hoặc tệ hơn. Giờ đây, con số này có thể tăng gấp đôi vào cuối năm nay, do tác động của dịch COVID-19. Sẽ có khoảng thêm 49 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực, kèm theo đó là dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng trong năm nay, trong khi mỗi % giảm GDP toàn cầu có nghĩa là có thêm 700 nghìn trẻ em bị thấp còi.

Theo người đứng đầu LHQ, các hạn chế và đóng cửa biên giới của nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 đã làm chậm việc thu hoạch ở một số nơi trên thế giới, khiến hàng triệu lao động thời vụ không có kế sinh nhai, đồng thời xảy ra hiện tượng hạn chế các nguồn vận chuyển thực phẩm tới các khu chợ. Nhiều nhà máy chế biến thịt và thị trường thực phẩm ở nhiều nơi ngừng hoạt động hoặc đóng cửa trong thời gian dài.

Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Jonglei, Nam Sudan.
Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Jonglei, Nam Sudan.

Bà Agnes Kalibata – Đặc phái viên của LHQ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Các hệ thống thực phẩm dự kiến được tổ chức vào năm 2021, cho biết rằng từ Mỹ đến Ấn Độ, lương thực thực phẩm đang bị thối rữa trên các cánh đồng bởi các biện pháp phong toả xã hội, khi những người nông dân không thể ra đồng để thu hoạch và trồng trọt. “Thực trạng đó đồng nghĩa với việc thu nhập ít hơn cho những người nghèo đói, trong khi họ càng khó để mua được thực phẩm bởi thực phẩm giờ đây trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Và điều đó đã xảy ra trên toàn thế giới “ – bà Kalibata nhấn mạnh.

Bà Kalibata lấy ví dụ về việc hàng triệu lít sữa đang phải để hỏng ở Anh vì quá ít người mua, trong khi ở Colombia, các gia đình treo cờ đỏ bên ngoài cửa sổ để kêu cứu việc họ đang bị chết đói. Tỷ lệ thất nghiệp cao, mất thu nhập và chi phí thực phẩm tăng cao cũng khiến việc tiếp cận với thực phẩm trở nên khó khăn.

Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), trước đó dự báo rằng chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Việc hạn chế hoạt động sản xuất và sự đình trệ của nhiều ngành công nghiệp đang gây ảnh hưởng đến tình hình canh tác và cung cấp thực phẩm trên toàn cầu.

Thực hiện ngay những biện pháp khẩn cấp

Tổng Thư ký Guterres kêu gọi chính phủ của các quốc gia trên thế giới phải sớm thực hiện nhiều biện pháp cấp bách để ngăn chặn thảm hoạ lương thực. “Nếu không thực hiện các biện pháp khẩn cấp, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, gây ảnh hưởng lâu dài tới hàng trăm triệu trẻ em và người trưởng thành” – ông Guterres cho biết.

Để cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, Tổng Thư ký LHQ đưa ra một bản kế hoạch với 3 trọng tâm chính: Viện trợ các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề; đảm bảo an ninh lương thực cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai và cho con bú; đầu tư vào tương lai bằng cách khôi phục, xây dựng thêm nhiều hệ thống thực phẩm lành mạnh về bền vững.

Cụ thể, các dịch vụ thực phẩm và dinh dưỡng phải được chỉ định là thiết yếu và nhân viên thực phẩm phải được bảo vệ. Các quốc gia phải đảm bảo những đối tượng người dân dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận được với các loại thực phẩm an toàn, bổ dưỡng, trong đó đặc biệt lưu ý tới trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và cho con bú, người già và các nhóm có nguy cơ khác.

Bà Kalibata nhận định: “Các quốc gia sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi đau đớn giữa dập tan dịch bệnh để cứu người hay duy trì nguồn lương thực thực phẩm, trong viễn cảnh tồi tệ nhất, là cứu con người khỏi dịch bệnh COVID-19 xong lại để họ chết vì đói”.

Hà Anh

(Theo AP)

Suckhoedoisong