19/11/2024

Cảnh báo tro xỉ điện than chứa phóng xạ thuỷ ngân

Cảnh báo tro xỉ điện than chứa phóng xạ thuỷ ngân

Một cuộc tranh cãi “nảy lửa” đã xảy ra giữa giới chuyên môn xung quanh chủ đề “Tro xỉ nhiệt điện – vật liệu an toàn hay chất thải nguy hại”.
Hiện các nhà máy điện than đang hoạt động thải ra khoảng 16 - 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm /// Ảnh: Quế Hà
Hiện các nhà máy điện than đang hoạt động thải ra khoảng 16 – 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm ẢNH: QUẾ HÀ
Gần đây, trên một số kênh truyền thông có dẫn thông tin nhiệt điện Mông Dương ở Quảng Ninh bị nghi ngờ là thủ phạm gây bụi mịn dày đặc ở Tiên Yên.
Ngày 25.4, người dân tại xã Kỳ Nam, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã “bao vây” công trình sân vận động của xã này phản đối việc sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện để san lấp sân vận động.
Tuy nhiên, ngày 1.6, phát ngôn của đại diện Trung tâm tư vấn nhiệt điện và điện hạt nhân thuộc Viện Năng lượng cho rằng “tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay không nên coi là chất thải (độc hại) mà nên coi là nguyên liệu đầu vào đáng quý, cung cấp chủ yếu cho ngành vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp, dân sinh khác” đã lập tức châm ngòi cho cuộc chiến khoa học “nảy lửa” giữa các nhà chuyên môn.
Ngay lập tức, nhóm hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe (JEH) cùng Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) đã tổ chức tọa đàm khoa học khẳng định quan điểm phản biện “Tro xỉ than luôn luôn là một chất thải nguy hại và không dễ dàng sử dụng cho xây dựng, công nghiệp”.
Tại tọa đàm, ông Đặng Đình Bách, chuyên gia pháp lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD), nhấn mạnh có rất nhiều bằng chứng khoa học trong nước cũng như quốc tế khẳng định các thành phần của tro xỉ rất nguy hại với sức khỏe con người và môi trường. Đặc biệt, vị này cảnh báo trong tro xỉ có chứa thủy ngân và các chất độc hại khác. Cũng vì lý do này, tại Thông tư 36/2015, Bộ TN-MT đã đưa tro xỉ của nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại.
TS Nguyễn Văn Liêm, nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí tượng nông nghiệp, cho hay: Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than cần được quản lý vì nhiều thành phần hóa học. Đặc biệt, tro xỉ ở những vùng như Nông Sơn, Quảng Nam hay than Quảng Ninh có chứa chất phóng xạ và chất thủy ngân. Vì vậy, để quản lý được tro xỉ của nhiệt điện than một cách bền vững thì cần có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đầu vào từng loại sản phẩm.
Chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính thông tin: Hiện nay với 18.000 MW của các nhà máy điện than đang hoạt động thải ra khoảng 16 – 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm. Theo đánh giá của Bộ TN-MT, nếu không có biện pháp xử lý thì đến năm 2030, VN sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và mỗi năm thêm khoảng 32 triệu tấn. Nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5 m thì chúng ta sẽ mất khoảng 65 km2 để chứa tro xỉ, bằng diện tích cả 1 xã ở đồng bằng Bắc bộ.
Đáng chú ý, theo ông Sính, năm 2030, ước tính lượng than sử dụng 129 triệu tấn mỗi năm, trong đó than nội khoảng 44 triệu tấn. Riêng thủy ngân chứa trong than nội (than Quảng Ninh) với mức 0,464 mg thủy ngân/kg than và tỷ lệ loại bỏ 65%, lượng thủy ngân xả ra không khí là 6,8 tấn mỗi năm. “Tóm lại, khung pháp lý Việt Nam cần khẳng định tro xỉ là độc hại và cần đảm bảo tro xỉ than được quy định chặt chẽ trong khung pháp lý. Tro xỉ cần được giữ nguyên trong danh mục chất thải nguy hại của các quy định pháp luật hiện hành”, ông Sính đề xuất.
H.MAI
TNO