19/11/2024

Giới y tế bị ‘xỏ mũi’ về thuốc trị sốt rét

Giới y tế bị ‘xỏ mũi’ về thuốc trị sốt rét

Trong đợt dịch đang gây hại cho toàn thế giới lần này, chuyện về thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine dùng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là một trong những câu chuyện đáng kể nhất.

 

Giới y tế bị xỏ mũi về thuốc trị sốt rét - Ảnh 1.

Thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine – Ảnh: Reuters

“Vụ việc liên quan đến nghiên cứu đăng trên The Lancet là một vụ tai tiếng lớn gây phương hại rất nặng nề cho cộng đồng các nhà khoa học.

Giáo sư Gilbert Deray (Bệnh viện La Pitié-Salpêtrière ở Paris, Pháp) viết trên Twitter

Nạn nhân đầu tiên là The Lancet, tạp chí học thuật 197 tuổi. Kế đến là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng nhiều cơ quan y tế cấp quốc gia khác bị rúng động.

Ngày 22-5, tạp chí The Lancet đã đăng một nghiên cứu của nhóm 4 tác giả với kết luận thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới, thậm chí có thể gây tử vong.

Giới y tế bị xỏ mũi về thuốc trị sốt rét - Ảnh 3.

Bác sĩ phẫu thuật mạch Sapan Desai – nhà sáng lập Công ty Surgisphere – trong một lần xuất hiện trên YouTube. Ông từng lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Duke (Mỹ) – Ảnh: YouTube

Dữ liệu dỏm

Bài được đăng trên một tạp chí y khoa rất có uy tín, công trình nghiên cứu này đã có tác động rất lớn, đến mức ba ngày sau đó WHO đã quyết định đình chỉ các cuộc thử nghiệm lâm sàng về việc dùng hydroxychloroquine trị bệnh COVID-19. Một số nước trên thế giới như Đức và Pháp ngay sau đó quyết định ngừng dùng loại thuốc này cho bệnh nhân COVID-19.

Công trình được cho là dựa trên dữ liệu khổng lồ từ 96.032 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại 671 bệnh viện ở khắp các châu lục. Tuy nhiên, số dữ liệu này lại đến từ một công ty gần như là “vô danh” (thành lập năm 2008 ở Bắc Carolina, Mỹ) Surgisphere, vốn ban đầu chuyên về bán sách giáo khoa cho sinh viên y.

Từ khi nổ ra dịch thì ông chủ công ty là tiến sĩ Sapan Desai chuyển sang tập trung vào mảng “phân tích dữ liệu lớn”, và từ đó mới xuất hiện công trình nghiên cứu mà ông đứng tên cùng 3 học giả có uy tín khác.

Nhưng ngay lập tức công trình đã bị nhiều nhà khoa học trên thế giới chỉ trích, kể cả những nhà khoa học hoài nghi về hiệu quả của thuốc hydroxychloroquine đối với những người bị nhiễm virus corona. Chủ yếu họ nghi ngờ tính xác thực của các dữ liệu do Surgisphere thu thập.

Ông Mostapha Benhenda – nhà khoa học dữ liệu – đã lên tiếng cảnh báo về nghiên cứu của Surgisphere vào ngày 26-5. Theo đó, nhà sáng lập Melwy – phòng thí nghiệm trực tuyến về trí tuệ nhân tạo – đã vạch ra ba lỗ hổng lớn trong báo cáo.

Thứ nhất, các tác giả đã không tiết lộ dữ liệu của họ và không có kế hoạch để làm điều này. Thứ hai, báo cáo không truy xuất nguồn gốc dữ liệu, do các tác giả đã không tiết lộ tên của những người chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu tại bệnh viện. Thứ ba, không xem xét tính minh bạch, do The Lancet không công bố tên của bất kỳ người xác nhận nào, xác nhận biên tập có chữ ký duy nhất của tổng biên tập The Lancet là Richard Horton.

Bị lóa mắt

Còn tiến sĩ Jeremy Howick – nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Oxford – nhận định: “Thật khó hiểu về chuyện các biên tập viên tại The Lancet và NEJM (tạp chí Y Học New England) không nhìn thấy các vấn đề với dữ liệu trong các bài báo.

Chúng tôi tin rằng hai bài báo về hydroxychloroquine dựa trên dữ liệu bị sai, nhưng đã khiến WHO đình chỉ thử nghiệm hydroxychloroquine. Điều này có nghĩa là một phương pháp điều trị có lợi không được thử nghiệm và kết quả là bệnh nhân sẽ phải chịu hậu quả”.

Cuối cùng vào ngày 4-6, The Lancet phải thông báo rút lại bài đã xuất bản sau khi hứng chịu cơn bão chỉ trích từ cộng đồng khoa học thế giới. Ngay sau đó, tạp chí Y Học New England cũng đã rút lại một bài báo cũng do Mehra và Desai đồng tác giả, dựa trên cơ sở dữ liệu (phần đầu tiên) của Surgishere từ số bệnh nhân COVID-19 của 169 bệnh viện tại 11 quốc gia ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Trước đó một ngày, vào ngày 3-6, tại cuộc họp báo trực tiếp, đích thân tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo rằng căn cứ vào các đánh giá mới nhất, các cuộc thử nghiệm lâm sàng sử dụng thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19 sẽ được WHO tiếp tục.

Đến giờ các nhà chuyên môn tin rằng The Lancet bị lóa mắt bởi các đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, trong đó có Mandeep Mehra, giáo sư ĐH Harvard và là giám đốc y khoa Bệnh viện Brigham and Women (BWH), đã có 477 ấn phẩm khoa học, cùng một giáo sư – tiến sĩ ở Thụy Sĩ.

TƯỜNG NGUYỄN
TTO