Thế giới mất hơn 30% cây cổ thụ
Thế giới mất hơn 30% cây cổ thụ
Số lượng cây cổ thụ trên thế giới đang giảm nhanh, đe doạ cân bằng sinh thái, giảm hấp thụ khí thải nhà kính toàn cầu.
Theo National Geographic, một cây củ tùng ở Vườn Quốc gia Kings Canyon, California (Mỹ) có thể sống đến 3.000 năm tuổi, vươn cao gần 100m. Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng cây cổ thụ như thế đang dần mất đi với tỉ lệ chưa từng thấy.
Nghiên cứu này do nhóm hơn 10 nhà khoa học trên khắp thế giới thực hiện. Nhóm thu thập và phân tích hơn 160 nghiên cứu từ năm 1900 đến năm 2015. Nhóm sử dụng thêm dữ liệu từ vệ tinh.
Kết quả cho thấy khoảng 1/3 các cây lâu năm toàn cầu đã mất đi. Riêng tại Vườn Quốc gia Kings Canyon, khoảng 38 cây cổ thụ đã chết những năm qua – con số không phải quá khủng khiếp nhưng cũng thuộc loại chưa từng thấy.
“Chúng tôi thấy tình trạng này diễn ra ở rất nhiều nơi”, TS Nate McDowell từ Phòng thí nghiệm quốc gia tây bắc Thái Bình Dương cho biết.
Ở những vùng nhiều cổ thụ như Canada, miền Tây nước Mỹ hay châu Âu, tốc độ gia tăng số cây lâu năm chết đã gấp đôi qua 40 năm.
Trên Science, nhóm nghiên cứu cho biết một trong các nguyên nhân là việc gia tăng chặt phá cây rừng, trong đó có nạn trộm gỗ trái phép.
Ngoài ra, nhiệt độ thế giới tăng và cùng lượng khí CO2 dư thừa từ quá trình đốt nhiên liệu cũng góp phần làm giảm sức sống của cây.
Nhiều người cho rằng CO2 càng nhiều thì cây sẽ dồi dào thức ăn, điều này chưa đúng. Trên thực tế, lượng CO2 trong không khí quá cao có thể tác động ngược làm giảm khả năng hấp thụ của cây.
Một số nguyên nhân khác làm cổ thụ mau chết như hạn hán, côn trùng xâm hại, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Những vụ cháy rừng diễn ra thường xuyên cũng góp phần tàn phá các cánh rừng, trong đó có cả những cây lâu năm.
Ở một số nơi, lượng mưa trong năm cũng giảm đáng kể, trái lại lũ lụt xuất hiện nhiều hơn làm tăng nguy cơ ngã đổ của cổ thụ.
Với nhiều cây chẳng hạn như thông, sau những đợt cháy rừng, một số nón thông vẫn có thể nảy mầm duy trì sự sống. Nhưng hiện nay, những đám cháy rừng liên tiếp trong thời tiết khô hạn lạ thường gần như quét sạch mọi thứ.
TS Monica Turner – nhà sinh thái học rừng từ Đại học Wisconsin (Mỹ) cho biết thêm ông từng rất bất ngờ khi đến một đám cháy rừng thông cổ thụ ở Bắc Mỹ vào năm 2018 và nhận thấy khung cảnh tan hoang, không còn gì. “Chúng ta sẽ ít thấy những cánh rừng hơn”, TS Monica Turner nói.