24/12/2024

Chúa Nhật XXII TN B – 2018: Vâng giữ luật lệ bằng tình yêu tích cực

Tinh thần của luật lệ mới là yêu thương và diễn tả tình yêu đó thành những hành động tích cực. Nhưng thái độ của chúng ta đối với lề luật như thế nào? Đó là điều mà chúng ta muốn suy nghĩ hôm nay.

 

Chúa Nhật XXII TN B – 2018

Vâng giữ luật lệ bằng tình yêu tích cực

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần vừa qua chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Đức Giêsu với nền nhân bản tâm linh để giúp cho con người, khi gắn bó với Người và tuân giữ những luật lệ của Người,  có thể đạt đến địa vị cao cả nhất là trở thành Thiên Chúa như Đức Giêsu. Nhưng thái độ của chúng ta đối với lề luật như thế nào? Đó là điều mà chúng ta muốn suy nghĩ hôm nay.

1. Luật lệ thời Cựu Ước

Dân tộc nào cũng có những luật lệ. Luật căn bản và cao nhất là hiến pháp, quy định những phép tắc trong quan hệ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo. Những luật thấp hơn và riêng biệt hơn như luật giao thông, luật đầu tư, luật thương mại, luật giáo dục….Còn lệ là những thói quen, những điều quy định từ lâu trong xã hội, trở thành nền nếp để mọi người theo đấy mà làm. Thí dụ khi có người thân chết như cha mẹ thì người Việt Nam tránh lập gia đình, có nơi 1 năm, có nơi 3 năm, dù không quy định điều này trong luật pháp. Người ta cũng gọi đó là truyền thống của tổ tiên.

Dân tộc Do Thái cũng có bộ luật gọi là luật Torah trong thánh kinh Talmud của họ. Bộ luật này gồm 613 điều, với 365 điều cấm không được làm – tương ứng với 365 ngày, và 248 điều cần phải làm – tương ứng với 248 mẫu xương trong cơ thể con người. Căn bản của bộ luật là Mười Điều Răn do Chúa Giavê ban. Ông Môsê và các luật sĩ dần dần thêm các huấn lệnh khác tạo thành toàn thể bộ luật ấy. Trong Bài đọc I (x. Đnl 4,1-8), ông Môsê nói với dân chúng rằng: “Giờ đây, hỡi dân Israel, hãy nghe những thánh chỉ – đó là Mười Điều Răn – và quyết định tôi dạy cho anh em để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và chiếm hữu miền đất mà Chúa ban cho anh em…Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em”.

Người Do Thái rất hãnh diện về những luật lệ đó, bởi vì nhờ đó họ điều khiển đất nước tốt đẹp, trở nên một dân tộc vĩ đại. Nhưng những luật sĩ, những người biệt phái vì phải học và giữ rất kỹ luật lệ nên họ trở thành những người câu nệ luật pháp, những kẻ đạo đức giả. Đức Giêsu vạch trần thái độ của họ trong bài Tin Mừng (x. Mc 7,1-8. 14-15.21-23). Thiên Chúa không truyền phải rửa tay, rửa chén bát, vảy nước trên đồ ăn mua ở chợ về, nhưng họ đã biến các việc này thành nghi thức phải làm như luật lệ của Chúa. Họ chẳng giữ luật Chúa mà lại duy trì truyền thống của người phàm.

2. Luật lệ của thời Tân Ước

Chúa Giêsu kiện toàn Mười Điều Răn, theo hướng chú ý đến những điều cấm đoán (chớ làm, chớ muốn.. ) bằng bản Hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật theo hướng tích cực, như chúng ta đã từng suy niệm trước đây. Người còn tóm lược Mười Điều Răn về hai điều độc nhất, là mến Chúa – yêu người. Cuối cùng, Người lại tóm vào một giới răn duy nhất là “Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em ” (Ga 13,34; 15,12).

Giáo Hội là một hội tôn giáo bao gồm nhiều con người (hiện nay có hơn 1 tỷ 200 người Công giáo), nhiều tổ chức, nhiều dân tộc có những tập tục khác nhau, nên phải được điều hành theo những quy định rõ ràng, theo bộ luật của Giáo Hội gọi là Giáo Luật vào những thời kỳ khác nhau. Bộ Giáo luật mới nhất ban hành năm 1983. Bộ này có 1.752 điều, quy định rất chi tiết về đủ các lĩnh vực chung cũng như riêng, như các thành phần dân Chúa, về bí tích, phụng tự, tài sản, tội phạm, hình phạt, thủ tục…. Những linh mục, tu sĩ vì được học kỹ lưỡng Bộ Luật đó nên cũng có thể có thái độ giữ cặn kẽ những chi tiết của các điều khoản lề luật, khắt khe với những người vi phạm lề luật, bỏ qua những điểm chính yếu và nhấn mạnh những điểm phụ, khiến Chúa Giêsu khiển trách: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống người phàm”. Những tín hữu giáo dân được dạy nhiều về giáo lý và giáo luật, qua những khoá học hay bài giảng của các linh mục, nên cũng có thể rơi vào tình trạng giữ luật hình thức, quên mất nội dung và ý nghĩa của luật lệ trong cộng đồng, như Đức Giêsu cảnh báo: “Dân này tôn kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng lại xa Ta”.

Mỗi lần xưng tội chúng ta thường hay xét mình theo Mười Điều Răn, liệt kê từng luật đã vi phạm với số lần cụ thể, nhưng chúng ta lại quên đi tinh thần tích cực của Chúa Giêsu. Hầu như chẳng có mấy người xưng tội nói rằng: “Thưa cha con không giữ điều luật yêu thương đối với những người nghèo mấy lần, không giúp đỡ những người bệnh, những người khốn khổ quanh con mấy lần, con đã không yêu Chúa hết lòng để dự thánh lễ đọc kinh mấy lần…”. Thường họ chỉ nói mình bỏ lễ ngày Chủ Nhật, mấy lần. Khi hỏi bỏ lễ ngày Chủ Nhật vì lý do gì. Họ mới kể là bỏ vì phải chăm sóc chồng  ở bệnh viện, bỏ vì hôm đó trời mưa to đi không được, bỏ vì nghỉ lễ đi du lịch không tìm được nhà thờ… Những lý do đó làm cho việc bỏ lễ không còn phải là tội nhưng rất nhiều người vẫn cứ xưng vì áy náy do tinh thần câu nệ luật pháp.

Hơn nữa nhiều người không chú tâm đến động lực tình yêu. Ngày Chủ nhật là dịp để chúng ta biểu hiện tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Ngày đó chúng ta tìm về với Thiên Chúa là nguồn lực của sức mạnh, tình yêu, bình an, hạnh phúc, khôn ngoan của chúng ta qua việc được soi sáng nhờ những bài đọc Thánh Kinh và việc rước lễ để có đủ sức mạnh sống một tuần sống mới. Giáo Hội ra luật buộc dự lễ ngày Chủ nhật (x. Giáo luật số 1247) để mời gọi ta ý thức về tình yêu đối với Chúa qua thánh lễ nhưng đồng thời ta cũng phải có tình yêu đối với chính mình (đi du lịch, đi thi, x. Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2180) cũng như đối với tha nhân, nhất là người nghèo khổ (đi công tác xã hội, chăm sóc người bệnh…x. Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2181). Nếu đi du lịch mà ta cứ áy náy phải bỏ đoàn đi chung, phải tìm ra nhà thờ, vào đúng giờ lễ…thì việc du lịch cũng mất vui. Giáo Hội không yêu cầu ta bỏ đi du lịch để dự lễ hay chỉ tổ chức du lịch vào ngày thường trong tuần.

3. Thể hiện luật lệ trong đời sống

Tinh thần của luật lệ mới là yêu thương và diễn tả tình yêu đó thành những hành động tích cực. Vì thế, trong Bài đọc II (Gc 1,17-18.21b-22.27), thánh Giacôbê tông đồ đã nhắc nhở chúng ta: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều được ban xuống từ Chúa Cha, Đấng dựng nên muôn loài. Người đã dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta… Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố nằm ở hành động tích cực như thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và tránh mọi vết nhơ trần thế”.

Nhưng để thể hiện được tình yêu đối với Chúa và với anh chị em mình một cách cụ thể và hiệu quả, chúng ta cần nhờ Chúa Thánh Thần. Chính Ngài nối kết chúng ta với Thiên Chúa cũng như với anh chị em và vạn vật quanh ta. Chính Ngài soi sáng cho ta đủ khôn ngoan để biết hành động thế nào cho đúng đắn và thích hợp trong từng trường hợp cụ thể của đời sống. Cũng là đi du lịch, nhưng nếu có điều kiện để dự thánh lễ thì ta sẽ nên dự thánh lễ. Còn trong trường hợp đi chung với đoàn, không thể dự lễ thì ta cứ đi chơi mà không cần lo lắng áy náy vì điều này. Ta dâng cho Chúa cuộc đi du lịch cùng với gia đình như một thánh lễ, nhờ kết hợp với tất cả các linh mục trên toàn thế giới để tôn thờ Chúa và xin Chúa chúc lành cho tuần sống mới của ta.

Lời kết

Như thế chúng ta hiểu rằng người Công giáo vượt ra ngoài thái độ câu nệ luật pháp để đi vào tinh thần yêu thương tích cực của lề luật. Nhờ vậy chúng ta sẽ giữ được niềm vui, bình an bởi vì chính Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta để ta hành động theo tình yêu mà Ngài khơi dậy lên trong lòng ta. Chỉ có tinh thần yêu mến tích cực, ta mới xứng đáng là con cái của Cha Trên Trời.