23/12/2024

42 tổ chức tôn giáo thế giới: Khủng hoảng virus corona, cơ hội cho một nền kinh tế khác

42 tổ chức tôn giáo thế giới: Khủng hoảng virus corona, cơ hội cho một nền kinh tế khác

Khủng hoảng virus corona, cơ hội cho một nền kinh tế khác (AFP OR LICENSORS)

Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1929 do virus corona, 42 tổ chức tôn giáo thuộc các hệ phái khác nhau tại 14 quốc gia tuyên bố thoái vốn khỏi nhiên liệu hoá thạch. Bên cạnh đó, các tổ chức này còn yêu cầu các chính phủ trên thế giới cam kết hỗ trợ nền kinh tế của họ với những kế hoạch can thiệp cộng đồng rộng lớn, suy nghĩ lâu dài, nhằm mục đích phục hồi kinh tế ít carbon và công bằng hơn. Đây chính là một mô hình mới về tăng trưởng kinh tế công bằng và bền vững hơn, hướng đến tương lai của hành tinh và nhân loại.

Đây là lần đầu tiên một tuyên bố chung liên quan đến kinh tế được ký bởi một số lớn các tổ chức tôn giáo: Công giáo, Tin lành, Anh giáo và Phật giáo. Sự tham gia của Công giáo đặc biệt có ý nghĩa trong Tuần lễ Laudato Si’ này. Thực tế, do tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ, kinh tế và xã hội, chủ đề về việc chăm sóc ngôi nhà chung có thể bị lu mờ. Hiện nay, theo một số nhà quan sát: Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tiếp tục bị bỏ qua.

Trái lại, từ lâu các cộng đồng tôn giáo đã đảm nhận việc hướng dẫn phong trào thoái vốn toàn cầu khỏi năng lượng hoá thạch và là thanh phần đóng góp nhiều sáng kiến cá nhân nhất. Chỉ trong tháng vừa qua, 21 tổ chức Công giáo với tổng tài sản 40 tỷ đô la đã cam kết đầu tư theo Tác động Công giáo, nghĩa là cam kết tôn trọng giáo lý xã hội của Giáo hội về bảo vệ môi trường và công bằng xã hội trong kế hoạch đầu tư.

Sáng kiến liên tôn mới này nhằm khuyến khích các chính phủ trên thế giới thúc đẩy các chính sách đi theo hướng này, cho phép phục hồi nhanh và toàn vẹn trong giai đoạn hậu virus corona.

Ông Tomás Insua, Giám đốc Điều hành của Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu (Mcgc), nói: “Mỗi đô la đầu tư vào nhiên liệu hoá thạch là một lá phiếu cho sự đau khổ.” Còn đối với bà Isabel Apawo Phiri, Phó Tổng Thư ký Hội đồng các Giáo hội Thế giới (Wcc), thì việc thoái vốn khỏi hoá thạch vì một nền kinh tế bền vững hơn là điều cấp bách hiện nay. Ông James Buchanan, người đứng đầu chiến dịch “Chiếu sáng hôm nay” của Operation Noah, một tổ chức bác ái Kitô, nhắc lại: “Những quyết định chúng ta đưa ra bây giờ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của loài người trong hàng ngàn năm.” (CSR_3780_2020)

Ngọc Yến