Phá rừng đặc dụng để khai thác vàng
Công ty ngang nhiên mở cả đường lớn để vào khai thác vàng ngay trong rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng (Thái Nguyên) khiến người dân bức xúc.
Phá rừng đặc dụng để khai thác vàng
Công ty ngang nhiên mở cả đường lớn để vào khai thác vàng ngay trong rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng (Thái Nguyên) khiến người dân bức xúc.
Đường bê tông 6 m đi giữa rừng đặc dụng vào điểm khai thác vàng THÁI SƠN
Theo phản ánh của nhiều người dân xã Thần Sa (H.Võ Nhai, Thái Nguyên), hơn 1 tháng nay, con đường độc đạo dẫn vào xóm Xuyên Sơn bị một nhóm người đưa máy móc vào đào bới tan hoang, buộc người dân phải đi vòng trên con đường đất đá lổn nhổn, sình lầy.
Đáng chú ý, toàn bộ khu vực đường sá nêu trên đều nằm sâu trong rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng, là nơi phải được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh tuyệt đối làm thay đổi cảnh quan.
Đã báo xã nhưng không thấy giải quyết?
Theo ghi nhận của Thanh Niên, xóm Xuyên Sơn nằm cách trung tâm xã Thần Sa khoảng 12 km, nằm sâu trong vùng lõi của rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng. Xóm có khoảng 90 hộ dân, chủ yếu là người Tày và Dao, sinh sống bằng nghề nông. Trước đây, đường vào xóm là đường dân sinh đi men theo những vách núi đá vôi, tương đối dễ đi.
Tuy nhiên, hiện tại một đoạn đường dân sinh khoảng 300 m gần với khai trường của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (gọi tắt công ty) đã bị chắn lối bởi máy đào, xe tải. Tại đây, xuất hiện biển báo hình mũi tên viết bằng sơn đỏ nguệch ngoạc: “Rẽ phải”, buộc các phương tiện khi đến đây phải đi vòng trên một con đường tạm xa hơn, mặt đường đất đá lổn nhổn, khó đi. Trên đoạn đường cũ, nhiều điểm đã bị máy đào moi sát vào vách núi, mất hẳn cả nền đường. Phía dưới là một hồ nước lớn ngổn ngang nhiều loại máy móc phục vụ cho việc đào vàng như máy bơm, máng đãi…
Trả lời Thanh Niên, ông Hoàng Văn Tiên, Trưởng xóm Xuyên Sơn, cho biết đoạn đường của xóm bị phá từ đầu tháng 7 đến nay. Sau khi nhận được phàn nàn của nhiều người dân trong thôn, ông Tiên đã báo cáo UBND xã Thần Sa nhưng không thấy ai đến giải quyết. “Đi lại thật sự khó khăn, các anh vào thì cũng thấy rõ. Trước đây, đường đi thẳng nhưng nay dân phải đi đường vòng, mưa xuống là đi không nổi”, ông Tiên nói và cho biết thời điểm máy móc được đưa vào đào bới tại vị trí cũ, công ty có thông báo với người dân về việc tu sửa đường cũ cho to đẹp hơn, “nhưng mình đi qua thì thấy không giống như họ trình bày, chỗ đó chắc còn vàng nên họ lấy nốt rồi mới làm lại đường cho bà con”, ông Tiên nói và giải thích đoạn đường mới mà người dân đang đi trước đây phía công ty đã cho máy móc đào bới, sau đó lại chuyển sang đào trên đường cũ của dân và những điểm khai thác này đều nằm ngoài chỉ giới khai thác vàng của công ty này.
Mở đường lớn giữa rừng đặc dụng
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2008, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp phép cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long, có địa chỉ ở Thái Nguyên khai thác vàng sa khoáng trên diện tích 37,25 ha có chỉ giới nằm trong khu vực Bản Ná thuộc xã Thần Sa, cũng nằm trong khu vực rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng.
Năm 2013, công ty này tiếp tục được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép gia hạn đến năm 2021. Để khai thác vàng, công ty đã đưa hàng chục máy xúc ủi, xe tải có tải trọng lớn hoạt động rầm rập suốt ngày đêm. Mặc dù là khai thác lộ thiên nhưng thực hiện với quy mô công nghiệp nên đất đá của bãi khai thác vốn là đồi núi đã bị bạt xuống thành những hồ lớn rộng tới vài héc ta. Sát với khu vực khai thác, công ty đã xây dựng một khu văn phòng 3 tầng và phía sau là một quần thể kiến trúc tâm linh gồm: đình thờ tướng Dương Tự Minh, chùa thờ Phật và đền thờ Mẫu nằm sát nhau.
Chưa hết, cũng từ phản ánh của người dân, PV Thanh Niên ghi nhận: Trong khi đường vào xóm Xuyên Sơn bị đào bới tan hoang thì vài tháng nay ngay giữa rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng đã xuất hiện một con đường bê tông kiên cố rộng 6 m, dài khoảng 1,3 km chạy thẳng từ ngã ba Ngọc Sơn vào trước bãi khai thác vàng của công ty này. Con đường được thực hiện bởi công ty trên danh nghĩa phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện đường nông thôn mới và thay thế đường cũ trước đây.
Để làm đường, công ty đã phối hợp với địa phương san bạt nhiều ngọn núi trong rừng đặc dụng, sau đó tận dụng đất đá vốn là phế thải từ bãi khai thác vàng để đắp nền đường. Với con đường “nông thôn mới” này, chưa biết người dân được lợi đến đâu và rừng đặc dụng bị tàn phá như thế nào, nhưng đã thấy mang nhiều lợi ích cho công ty, như giúp tiết kiệm nhiên liệu vận hành các loại xe cộ máy móc vào công trường, tận dụng được khối lượng lớn đất đá phế thải từ bãi vàng mà theo quy định phải được tập kết vào nơi có quy hoạch.
Ông Hoàng Văn Phượng (ngụ xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa) cho biết người dân tại đây rất băn khoăn khi dân muốn làm một ngôi nhà hay mở rộng một mảnh nương thì phải xin phép Ban Quản lý khu bảo tồn Thần Sa – Phượng Hoàng cũng như chính quyền địa phương và đa phần là không được phép, song công ty mở con đường lớn hay khai thác vàng giữa rừng đặc dụng thì không ai đến ngăn cản, xử lý (?).
Tài liệu Thanh Niên thu thập được cho thấy, với việc mở đường mới, rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng đã bị mất đi 15 ha, đồng thời ảnh hưởng tới hàng chục héc ta khác khi công ty nắn đường dân sinh khai thác vàng ngoài chỉ giới.
Đang phối hợp đi kiểm tra
Để làm rõ những dấu hiệu vi phạm rừng đặc dụng theo phản ánh của người dân, Thanh Niênđã nhiều lần liên lạc với ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thần Sa, nhưng ông này liên tục lấy cớ bận họp để không tiếp PV.
Trong khi đó, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND H.Võ Nhai, thì cho hay vừa nắm bắt thông tin và đang phối hợp với Sở NN-PTNT đi kiểm tra. Còn ông Nguyễn Quang Lịch, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, cho rằng phần đường bê tông đi qua “trước đây là rừng đặc dụng nhưng huyện, xã đã trình UBND tỉnh xin chuyển đổi thành rừng sản xuất và hiện nay toàn bộ hồ sơ đang nằm ở tỉnh” (?).
Mặc dù vậy, ông Lịch không đưa ra được hồ sơ nào thể hiện việc các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Mặt khác, trên bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã Thần Sa mới nhất do Thanh Niên thu thập được cho thấy, các hiện trạng bị thay đổi đều nằm trong khu vực của rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng.
THÁI SƠN