25/12/2024

Tìm hiểu về 7 cảm xúc cơ bản

Trong cuốn sách Emotions Revealed (2003) của mình, Tiến sĩ Paul Ekman đã trình bày 7 cảm xúc cơ bản và được con người ở mọi nền văn hoá thể hiện giống nhau. Những cảm xúc này tiết lộ cảm nhận tức thì của người biểu lộ và nhận biết chúng sẽ giúp bạn tránh được những tình huống xấu, thậm chí là nguy hiểm.

 Tìm hiểu về 7 cảm xúc cơ bản

Đăng bởi Ngan Nguyen vào 

Chắc bạn đã từng nghe đến hoặc xem phim hoạt hình Inside Out của Disney. Trong khuôn khổ một bộ phim hoạt hình mà đối tượng là các em nhỏ, ta dễ dàng nhận thấy được những cảm xúc của nhân vật cô bé Riley được thể hiện rất rõ ràng. Nhưng khác với trên phim, cảm xúc ngoài đời thực lại phức tạp hơn nhiều. Vậy chúng ta làm gì để biết được người đối diện đang cảm thấy thế nào khi tiếp xúc với mình? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Khi tri thức và những khoá đào tạo về cách “đọc vị” ngôn ngữ cơ thể trở nên phổ biến, người ta sẽ rèn luyện để thay đổi cử chỉ từ tiêu cực sang tích cực, như không khoanh tay nữa (thể hiện tâm lý phòng thủ) mà chuyển sang chụm ngón tay hình nón (thể hiện sự tán đồng). Nhưng khác với những ngôn ngữ cơ thể do điệu bộ và tư thế tạo ra, những biểu hiện trên khuôn mặt của 7 cảm xúc cơ bản này chỉ xảy ra thoáng chốc và rất khó điều khiển được. Hầu hết trường hợp, chúng xảy ra một cách vô thức và nếu không để ý, bạn sẽ bỏ qua những thông tin rất trọng yếu này.

Trước khi đi vào phân tích cách đọc hiểu 7 cảm xúc cơ bản biểu lộ trên gương mặt người khác, bạn cần phải biết được biểu cảm của mình. Hãy nhìn vào gương và cố bắt chước những biểu cảm được mô tả. Việc này không dễ nhưng rất quan trọng và cần thiết! Khi bạn bắt chước biểu cảm, từ từ bạn sẽ thấy mình có cảm xúc tương ứng. Nếu bạn nhận thấy mình dễ bắt chước một biểu cảm nào hơn thì nghĩa là bạn thường thể hiện cảm xúc của biểu cảm đó hơn.

7 cảm xúc cơ bản

Trong cuốn sách Emotions Revealed (2003) của mình, Tiến sĩ Paul Ekman đã trình bày 7 cảm xúc cơ bản và được con người ở mọi nền văn hoá thể hiện giống nhau. Những cảm xúc này tiết lộ cảm nhận tức thì của người biểu lộ và nhận biết chúng sẽ giúp bạn tránh được những tình huống xấu, thậm chí là nguy hiểm.

1. GIẬN DỮ


Emo_Giận dữ.png

Một biểu hiện dễ nhận thấy nhất của cảm xúc Giận Dữ là nhíu mày. Bạn sẽ dễ gặp cảm xúc này ở người đối diện nếu bạn vừa vô tình hoặc cố ý nói điều xúc phạm họ. Tuy nhiên, hành động này xảy ra rất nhanh và rất dễ bị bỏ lỡ. Nhưng một khi bắt gặp biểu hiện này, bạn không được bỏ qua mà phải tìm ra nguyên nhân khiến đối phương giận dữ và tìm cách giải thích cho hành vi hoặc lời nói của mình nếu bạn không có ý xúc phạm hoặc gây hấn. Cụ thể là trước nhất hãy thể hiện rõ rằng bạn không có ý đe dọa hay làm hại họ. Đừng lấn đến gần họ hơn để giải thích mà hãy tôn trọng không gian riêng của họ. Và từ tốn giải thích với lòng bàn tay mở để thể hiện sự thành thật, không giấu diếm.

2. GHÊ TỞM

Emo_Ghê tởm.png

Người ta thường thể hiện cảm xúc này khi tiếp xúc với một đối tượng (hình ảnh, âm thanh, mùi vị, vật thể, v.v…) gây cảm xúc rất khó chịu và khiến họ muốn tránh xa. Có một số người nhạy cảm hơn và dễ bộc lộ cảm xúc Ghê Tởm ra hơn. Thông thường, cảm xúc này ám chỉ đối tượng mà họ đang tiếp xúc có thể gây hại hoặc truyền bệnh cho họ nên phải tránh càng xa càng tốt. Mỗi người lại có một định nghĩa và  mức độ chấp nhận khác nhau về những thứ khiến họ cảm thấy ghê tởm. Cho dù vậy, cảm xúc này cũng sẽ dẫn đến sự né tránh và xa lánh nếu không có được sự đảm bảo rằng những yếu tố đang khiến họ phải biểu lộ cảm xúc này không gây ra bất lợi gì về sức khỏe. Và đồng thời, trong quá trình truyền đạt thông điệp, bạn cũng cần phải cẩn trọng và kỹ càng lựa chọn những hình ảnh mang tính nhạy cảm hoặc dễ gây liên tưởng đến những thứ mất vệ sinh.

3. SỢ HÃI

Emo_Sợ hãi.png


Biểu hiện Sợ Hãi hay xuất hiện khi người ta đang cận kề hoặc tiếp xúc với thứ gì có thể đe dọa hoặc gây hại cho họ. Khác với Giận Dữ, Sợ Hãi là lựa chọn “bỏ chạy” trong phản xạ tự nhiên “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của con người. Cảm xúc này có thể ngăn cản người ta nói thật, bộc lộ cảm nhận chân thật của mình hoặc hành động. Thay vào đó, họ thường che giấu điểm của mình và khỏa lấp bằng cách biện minh hoặc thỏa hiệp. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa bạn và người đó chưa thực sự thân thiết, chớ vội xác định chính xác điều gì làm họ lo sợ, nhất là khi việc này có ảnh hưởng đến kết quả công việc. Bằng không, đó sẽ là bước thụt lùi trong quá trình xây dựng mối quan hệ chân thành và tốt đẹp giữa cả hai. Nhưng dẫu vậy, bạn cũng nên đảm bảo với người đó rằng mình không có ý đe dọa hay làm hại họ, giải thích rõ ràng thông điệp của bạn đồng thời lắng nghe, trấn an hoặc hỏi han họ. Tuyệt đối không được lên giọng và nói chuyện gay gắt hay thậm chí là sử dụng những cử chỉ bị coi là gây hấn như chỉ tay vào người đối diện, chống nạnh hay đập bàn.

4. VUI VẺ

Cảm xúc cơ bản - vui vẻ

Đây là cảm xúc tích cực nên được nuôi dưỡng. Nhưng đây cũng là cảm xúc dù dễ nhận thấy nhất nhưng cũng dễ bị người ta làm giả nhất! Một biểu hiện rõ ràng của cảm xúc Vui Vẻ là cười, nhưng một người nở nụ cười chưa chắc đã cảm thấy vui vẻ. Cuốn Leadership Charisma của Deiric McCann, Jim Sirbasku và Bud Haney đã nêu ra khái niệm Duchenne Smile và non-Duchenne Smile để giúp phân biệt nụ cười tự nhiên với nụ cười miễn cưỡng bằng cách để ý đến nếp nhăn ở đuôi mắt. Thông thường, nếu một người không thực sự vui vẻ nhưng đang cố che giấu điều đó, biểu hiện của họ sẽ là miệng cười nhưng những phần khác trên khuôn mặt lại mang đặc trưng của một trong sáu cảm xúc cơ bản còn lại. Hãy cẩn thận nếu người đối diện bạn ngừng một chút hay cau mày một chút rồi mới mỉm cười bởi họ có thể đang che giấu cảm xúc thực của mình bằng chính nụ cười đó. Cho dù bạn không phải là nguyên nhân gây ra cảm xúc tiêu cực bị che giấu đó, bạn cũng nên bày tỏ sự quan tâm của mình bằng những câu hỏi như “Có chuyện gì đang làm anh/chị bận tâm sao?” hay “Tôi có nói hay làm gì khiến anh/chị thấy không thoải mái không?” để tạo dựng sự tin tưởng và tôn trọng trong người đối diện.

5. BUỒN BÃ

Cảm xúc cơ bản - buồn bã

Đây là cảm xúc khó làm giả nhất vì các cơ liên quan đến biểu hiện trên mặt của cảm xúc này rất khó điều khiển! Khi một người có cảm xúc Buồn Bã, họ sẽ khó tập trung vào điều bạn đang trình bày và cho dù họ có nghe bạn nói thì cũng sẽ ít nhận ra những điểm tích cực trong đó. Như câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, khi đang trải qua cảm xúc Buồn Bã, người ta sẽ chỉ thấy được những điều tiêu cực khiến họ buồn hơn và không thể tập trung làm việc khác. Trong trường hợp bạn nhận thấy người đối diện có biểu cảm như vậy, hãy hỏi thăm họ và thể hiện sự đồng cảm. Nên chăm chú lắng nghe và không ngắt lời chia sẻ của họ nhưng cũng lưu ý tùy thuộc vào mức độ thân quen mà hãy kiểm soát mức độ tìm hiểu trong câu hỏi bạn đặt ra cho họ. Đồng thời, hãy cho họ thời gian vượt qua khó khăn nhưng nếu sự buồn bã này gây ảnh hưởng tới công việc, hãy hướng họ tập trung vào giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn.

6. NGẠC NHIÊN

Cảm xúc cơ bản - Ngạc nhiên.png

Nếu chưa quen, bạn sẽ dễ nhầm lẫn giữa cảm xúc Ngạc Nhiên với cảm xúc Sợ Hãi vì chúng có cùng một biểu hiện: mắt mở to hơn.  Nhưng điểm khác biệt then chốt nằm ở lông mày. Khi ngạc nhiên, lông mày thường sẽ được nâng lên và cong. Khi sợ hãi, lông mày có thể được nâng lên nhưng sẽ ngang chứ không cong. Ngoài ra, khi sợ hãi, người ta thường để lộ lòng trắng ở phía trên mắt và có phản xạ lùi lại hoặc kéo người về phía sau một chút. Cảm xúc Ngạc nhiên xuất hiện khi có chuyện bất ngờ xảy ra nhưng không hẳn là bất ngờ thú vị. Do đó, bạn cần phải lưu ý đến cảm xúc đi theo sau đó để biết được người đối diện thực sự nghĩ sao về điều bất ngờ đó. Hãy chia sẻ thẳng thắn lý do tại sao bạn lại làm hoặc nói điều bất ngờ vừa rồi và chuẩn bị sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào được đặt ra và quan sát biểu cảm của họ để biết cách điều chỉnh hành vi, lời nói của mình nhằm tạo cảm giác an tâm, hài lòng và tự tin ở họ.

7. KHINH BỈ

Cảm xúc cơ bản - khinh bỉ

Đây là cảm xúc nguy hiểm nhất vì nó có khả năng phá hoại mối quan hệ nhanh nhất trong tất cả các cảm xúc. Khi một người tỏ ra Khinh Bỉ, họ đang tỏ ý xem thường người đối diện hoặc điều họ vừa nhìn, nghe hoặc tiếp xúc. Có một số người có thói quen cười chỉ nhếch một bên mép mà không biết rằng thói quen này chính là một trong những lý do họ bị người khác xem là người “thiếu tôn trọng”, “vô lễ” hoặc thậm chí là “đểu”. Người ta có thể cảm nhận được mình có được đối phương tôn trọng không chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Và hành động nhếch một bên mép này là dấu hiệu rất rõ ràng để người ta đinh ninh rằng họ không được tôn trọng. Khinh Bỉ là cảm xúc thường xuất hiện khi người biểu lộ cho rằng mình “trên cơ” đối phương và do đó không quan tâm hoặc cân nhắc đến những gì đối phương đang nói. Do đó, trước hết hãy tự hỏi bản thân về cảm nhận hoặc suy nghĩ của người đối diện về điều bạn vừa nói hoặc làm. Không nên bao biện, quanh co mà hãy thẳng thắn trả lời những chất vấn của họ. Và bản thân bạn cũng không nên biểu hiện cảm xúc này bởi nó sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tồi tệ nhất tới người đối diện!

Như vậy là bạn đã nắm rõ cả 7 cảm xúc, giờ đến lúc bạn luyện tập cách thể hiện đúng. Hãy quan sát biểu hiện trên gương mặt những người xung quanh và thử “tiên đoán” những diễn biến tiếp theo trong câu chuyện. Hoặc bạn có thể xem các chương trình truyền hình có đối đáp và tương tác giữa nhiều người để dần dà có thể nhận biết và đoán trước được quyết định của những người đó. Mặc dù những “chứng cứ” cảm xúc nho nhỏ này diễn ra rất nhanh và ở nhiều mức độ nhưng luyện tập rồi cũng sẽ quen dần bởi cảm xúc con người dẫu phức tạp thì cũng được hình thành từ chính 7 cảm xúc cơ bản này.

Đọc vị cảm xúc

Bạn thấy đấy, “đọc vị” cảm xúc không phải một việc đơn giản. Ngay cả chính bạn nhiều khi cũng không nhận biết được những biểu cảm trên khuôn mặt mình và những ảnh hưởng từ cảm xúc của mình tới người khác. Nhưng sự kiên trì tập luyện cùng với những mô tả về 7 cảm xúc cơ bản mà chúng tôi đã đề cập trong 4 bài viết vừa qua sẽ giúp bạn đạt được cả hai mục tiêu nắm bắt và quản lý cảm xúc của bản thân và những người xung quanh. Chúc bạn thành công!