Liệu pháp cấy ghép tế bào da và khả năng nhìn thấy ánh sáng
Liệu pháp cấy ghép tế bào da và khả năng nhìn thấy ánh sáng
Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Nature cho thấy cấy ghép tế bào da, được chuyển thành tế bào mắt cảm nhận ánh sáng, giúp chuột bị mù nhìn thấy ánh sáng.
Trong nghiên cứu trước đây với động vật thí nghiệm, các nhà khoa học thuộc Viện Mắt quốc gia Mỹ lập trình tế bào gốc được tạo từ hồng cầu hoặc tế bào da, trở thành tế bào cảm quang và cấy chúng vào phía sau mắt.
Các chuyên gia cho biết nghiên cứu mới cho thấy có thể bỏ qua bước giữa của tế bào gốc và trực tiếp tái lập trình tế bào da thành tế bào cảm quang để cấy ghép vào võng mạc.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng việc tái lập trình trực tiếp có thể tạo ra các tế bào giống võng mạc, mang lại một chiến lược mới và nhanh hơn để phát triển những liệu pháp điều trị chứng thoái hóa điểm vàng do tuổi già (một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa) và các rối loạn võng mạc khác do mất tế bào cảm quang”, trưởng nhóm nghiên cứu Anand Swaroop thuộc Viện Mắt quốc gia Mỹ cho hay.
Việc tái lập trình trực tiếp được sử dụng trong nghiên cứu này đã giúp chuyển đổi tế bào da thành tế bào cảm quang chức năng sẵn sàng cho việc cấy ghép chỉ trong 10 ngày. Các chuyên gia đang lên kế hoạch thử nghiệm liệu pháp trên ở những người mắc bệnh thoái hóa võng mạc, như viêm võng mạc sắc tố.
MAI DUYÊN
TNO