Buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm ở Biển Đông
Buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23-4 đã thể hiện thái độ cứng rắn, kêu gọi những nước khác buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những hành động khiêu khích, phi pháp gần đây ở Biển Đông.
Chúng ta cần thấy rõ rằng chính quyền Trung Quốc đã lợi dụng việc thế giới tập trung vào cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng việc tiếp tục những hành vi khiêu khích. Họ đang sử dụng áp lực quân sự và ép buộc các nước láng giềng tại Biển Đông, thậm chí đâm chìm một tàu cá Việt Nam.
Ngoại trưởng MIKE POMPEO nhấn mạnh ngày 23-4.
Khi Bắc Kinh có dấu hiệu đi quá giới hạn, các nước cũng bắt đầu phản ứng mạnh mẽ tương xứng.
“Mối đe dọa an ninh lâu dài”
Ngày 23-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc họp với ngoại trưởng các quốc gia ASEAN. Cuộc họp này xoay quanh những nỗ lực chống COVID-19, và trong đó có vấn đề giữ vững an ninh để tập trung chống dịch.
Chi tiết này hóa ra lại là một điểm nhấn liên quan tới những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, mà theo quan điểm của Mỹ, Bắc Kinh đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để củng cố tham vọng.
Trong tuyên bố với các nước ASEAN, Ngoại trưởng Pompeo nói thẳng Trung Quốc là một mối đe dọa lâu dài cho an ninh chung, xét tới những gì nước này đang làm trên Biển Đông.
Ông nói: “Ngay cả khi đang ứng phó với đại dịch, chúng ta vẫn cần nhớ rằng những mối đe dọa lâu dài đối với an ninh chung của chúng ta chưa hề biến mất.
Thực tế những mối đe dọa đó đã trở nên rõ ràng hơn. Bắc Kinh đã có bước đi tận dụng yếu tố gây mất tập trung, từ việc đơn phương thông báo về các đơn vị hành chính tại các đảo và khu vực hàng hải tới việc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào đầu tháng này, rồi cả các “trạm nghiên cứu” trên đá Chữ Thập và đá Subi.
Trung Quốc tiếp tục điều động lực lượng dân quân biển tới khu vực quần đảo Trường Sa và mới đây nhất, họ đã điều một đội tàu gồm tàu khảo sát năng lượng với mục đích duy nhất là đe dọa các bên tuyên bố chủ quyền khác trong việc tham gia phát triển dầu khí ngoài khơi”.
Đáng chú ý, cũng trong tuyên bố này, ông Pompeo khẳng định: “Mỹ mạnh mẽ phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hi vọng các quốc gia khác cũng sẽ buộc họ chịu trách nhiệm”.
Trong hai tuyên bố trước đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều nhắc tới việc Trung Quốc lợi dụng đại dịch và kêu gọi kiềm chế gây bất ổn để tập trung chống dịch. Nhưng lần này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ công khai kêu gọi các nước khác buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.
Gia tăng sức ép
Không rõ lời kêu gọi của Mỹ tác động như thế nào tới các nước khác. Thực tế cho thấy khi giọng điệu của Mỹ dành cho hành động của Trung Quốc ở Biển Đông càng lúc càng trực khởi và mạnh mẽ hơn, các đồng minh và đối tác của Washington cũng đưa ra các tuyên bố liên quan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Satoru Nagao (Viện Hudson, Mỹ) nhận định: “Mỹ, Úc (và cả Nhật Bản) đã hợp tác triển khai tàu chiến tới Biển Đông gần đây.
Vì vậy, không khó để họ tổ chức tập trận tại Biển Đông hiện nay. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói “đã lên kế hoạch” hoặc “không phải trong kế hoạch” cũng đều đúng. Ví dụ, họ đã lên kế hoạch tới Biển Đông từ trước khi đại dịch bùng phát. Nhưng họ quyết định tập trận sau khi đại dịch bùng phát”.
Theo ông Nagao, cuộc tập trận Mỹ – Úc đang diễn ra ở Biển Đông mang giá trị thông điệp rõ ràng vì trong tháng 4, sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã nói:
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào ủng hộ các nỗ lực chống đại dịch toàn cầu, và ngưng lợi dụng sự thiếu tập trung hay mong manh của các nước khác để mở rộng những tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông”.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Malaysia ngày 23-4 đã nêu quan điểm về Biển Đông liên quan tới thông tin vụ “đối đầu” với tàu Trung Quốc gần đây.
Kuala Lumpur cho rằng vì sự phức tạp và nhạy cảm của vấn đề, tất cả các bên phải nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông nhằm xây dựng, duy trì và thúc đẩy niềm tin lẫn nhau.
“Không phải vì chúng tôi chưa đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này mà nói rằng chúng tôi không nỗ lực vì tất cả những gì vừa nêu. Chúng tôi đã liên lạc cởi mở và liên tục với mọi bên liên quan, bao gồm Trung Quốc và Mỹ” – Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein nói trong một tuyên bố ngày 23-4.
Trong phát biểu trên, ông Hussein – từng là bộ trưởng quốc phòng – đã có ý giải thích việc Malaysia thường im lặng, đồng thời đưa ra quan điểm “nhất quán” của Malaysia về giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Nhưng dẫu sao, điều này cho thấy ít nhiều Malaysia cũng lên tiếng về Biển Đông, một ngày sau khi Philippines thông báo đã gửi hai công hàm ngoại giao cho Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Việt Nam giao thiệp với Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23-4 cho biết đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 23-4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết việc Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc là việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam.
“Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc… Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tại vùng biển của mình ở Biển Đông, được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982.
Mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị” – ông Ngô Toàn Thắng nói.