24/11/2024

Các đập thuỷ điện ở Đông Nam Á bị đình trệ nhờ COVID-19

Các đập thủy điện ở Đông Nam Á bị đình trệ nhờ COVID-19

Các đập thuỷ điện chưa hoàn thành hoặc đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng ở Đông Nam Á, đặc biệt là trên sông Mekong và các phụ lưu đang đứng trước nguy cơ bị trì hoãn hoặc ngừng xây dựng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

 

Các đập thủy điện ở Đông Nam Á bị đình trệ nhờ COVID-19 - Ảnh 1.

Sông Mekong chảy qua Vientiane, Lào kiệt nước – Ảnh K.S.

Theo Chanels News Asia, chính phủ Lào đã buộc tạm dừng tất cả các công trình thủy điện ở nước này, sau khi có một công nhân khai thác khoáng sản dương tính với virus corona. Việc tư vấn lập kế hoạch của các dự án trong tương lai, trong đó có đập Luang Prabang đã bị hoãn lại.

Trong bối cảnh tình hình hạn hán trong khu vực là xấu nhất trong vòng bốn thập kỷ qua, kết hợp cùng tác động xấu của biến đổi khí hậu, các nhà quan sát nghi ngờ dịch bệnh COVID-19 có thể làm chậm tiến độ các dự án lớn.

Ban thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho biết: “Mọi người cũng như nền kinh tế toàn cầu và ngành thủy điện đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đại dịch này cản trở chuỗi cung ứng toàn cầu, trì hoãn việc xây dựng và làm giảm nhu cầu tạm thời”.

Thái Lan, quốc gia nhập khẩu lượng điện lớn từ các nước láng giềng, sắp tạm ngừng mua điện từ nước ngoài vì nguồn điện dư thừa do nhu cầu về điện trong nước giảm mạnh.

Bộ Năng lượng của Thái Lan sẽ buộc phải điều chỉnh kế hoạch phát triển năng lượng của mình vì với dự trữ điện thừa đến 40% – tương đương 18.000 MW.

Theo bà Pianporn Deetes, điều phối viên về chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi quốc tế, lượng điện dư thừa này cao gấp 3 lần lượng điện Thái nhập khẩu từ các nước láng giềng và lớn hơn cả công suất tổng cộng của 11 đập thủy điện được lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính sông Mekong ở hạ lưu.

“Rõ ràng và việc mua điện từ các đập thủy điện lớn là không cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng của Thái Lan”. Bà kêu gọi Thái Lan cấm ký các thỏa thuận mua bán với các dự án điện mới với các nước láng giềng.

Đối với Lào, rủi ro về chi phí đang tăng lên. Điện của nhà máy thủy điện Xayaburi, được xuất cho Thái Lan, sẽ thặng dư trong giai đoạn này.

Ban thư ký MRC nhận định: Do điều kiện bất khả kháng bởi dịch bệnh COVID-19, các bên trong ngành có thể đàm phán lại các thỏa thuận trong hợp đồng theo hướng linh hoạt nhằm đối phó với tình huống này”.

Tiến sĩ Daovong Phonekeo, thư ký thường trực của Bộ Năng lượng và khai mỏ của Lào, từng phát biểu vào cuối năm 2019 thừa nhận: “Các dự án năng lượng mặt trời đang được coi là một sự bổ sung hoặc thay thế cho sản xuất thủy điện không đáng tin cậy. Giờ đây rất khó để vận hành hoặc tập trung vào thủy điện. Chúng ta phải suy nghĩ sâu hơn, rộng hơn về việc phát triển cách này (thủy điện) hay cách khác”.

Suy thoái kinh tế cũng gây ra rủi ro đáng kể cho việc hoàn thành các dự án thủy điện quy mô lớn mới trong trung hạn, làm tăng nguy cơ bị hoãn và hoặc hủy bỏ, nhất là với các dự án từ ngân sách chính phủ.

Campuchia đã hoãn các đập thủy điện trên sông Mekong trong 10 năm, có thể hiểu là các dự án thuỷ điện Stung Treng và Sambor ở nước này bị hủy.

Giá khí đốt hiện đang rẻ là sự hấp dẫn với các nước cần nguồn điện chi phí thấp. Sự bốc hơi của giá dầu trên thị trường hiện nay cũng nhấn mạnh sự ổn định tương đối của dòng tiền chảy vào các dự án năng lượng tái tạo và thủy điện của nhà đầu tư.

HỒNG VÂN
TTO