Những ‘điểm đen’ ô nhiễm trước và sau khi có virus corona
Những ‘điểm đen’ ô nhiễm trước và sau khi có virus corona
Nhờ lệnh giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia, bao gồm hạn chế đi lại và giảm hoạt động sản xuất, lượng khí thải gây ô nhiễm trên thế giới giảm mạnh, trả lại bầu trời trong xanh đến kinh ngạc.
Theo Reuters, dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy từ ngày 14 đến 25-3, ô nhiễm không khí do chất NO2 ở những thành phố lớn tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý giảm khoảng 40%.
“Chúng tôi đều ngỡ ngàng vì con số 40% này, một sự suy giảm cực mạnh”, ông Josef Aschbacher – Giám đốc các Chương trình quan sát Trái đất thuộc ESA cho biết.
Ngay tại Paris, những ngày giãn cách xã hội đã trả lại bầu không khí trong lành nhất cho thành phố so với cùng kỳ nhiều năm, và tốt nhất từ đầu năm 2020 đến nay.
Theo Mạng lưới quản lý chất lượng không khí AirParif cho Paris, chỉ cần vỏn vẹn 2 ngày giới nghiêm, Airparif nhận thấy không khí cải thiện 20-30%, với lượng khí thải NO giảm hơn 60%.
Tại Ấn Độ, Ủy ban kiểm soát ô nhiễm tại quốc gia này cho biết thành phố ghi nhận mức giảm chất thải ô nhiễm không khí rõ rệt chỉ sau một tuần hạn chế tiếp xúc xã hội.
Cụ thể, mức độ ô nhiễm không khí PM10 ở bang Delhi giảm đến 44% ngay ngày đầu tiên giãn cách xã hội.
Không khí trong lành đến nỗi nhiều người dân tại bang Punjab có thể nhìn thấy cả dãy Himalaya cách đó gần 200km lần đầu tiên sau 30 năm.
Ở Anh, hãng YouGov thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 4.000 người trên cả nước thì đến hơn 50% cho rằng cảm nhận thật sự chất lượng không khí cải thiện đáng kể. Ngoài ra, hơn 25% chia sẻ nhìn thấy động vật hoang dã nhiều hơn trong giai đoạn hạn chế đi lại do giãn cách xã hội.
Chuyên gia Matthew Taylor – Hiệp hội Hoàng gia Anh về nghệ thuật, sản xuất và thương mại (RSA) – nhận định dịch COVID-19 cũng là lúc con người nhìn lại tác động đáng kể của hoạt động sản xuất và sinh hoạt tới môi trường sống. Theo ông, sức khỏe của Trái đất và sứ mệnh phát triển kinh tế, xã hội là không thể tách rời.
Tại tâm dịch New York ở Mỹ, các nhà nghiên cứu từ ĐH Columbia cho biết lượng CO2 từ ôtô giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019 khi số lượng xe chạy trên đường đã giảm đến 35%.
Thế giới bớt… ồn ào
Không chỉ ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn cũng được hạn chế trong mùa dịch.
Theo Cơ quan chống ô nhiễm tiếng ồn Bruitparif (Pháp), tiếng ồn ban đêm tại các cung đường náo nhiệt nhất Paris đã giảm xuống chỉ còn 6-9 dB, có nơi thấp hơn đến 90% so với ngày thường.
Vào ban ngày, nhiều người dân Paris thậm chí còn nghe rõ tiếng chim hót như ở vùng quê.
“Ngay trong thời điểm không may vì đại dịch, chúng ta lại quan tâm nhiều hơn đến môi trường và nhận ra giá trị của một không gian không bị ô nhiễm tiếng ồn đến sức khỏe và đời sống”, chuyên gia Matthieu Sineau – làm việc cho Bruitparif – chia sẻ.