Hôm qua (6.4), chuyên san The National Interest dẫn lời giới chuyên gia một lần nữa cảnh báo việc Trung Quốc thời gian qua cấp tập xây dựng hạ tầng, quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông gây tổn thương nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên của vùng biển.
Nạo vét hàng ngàn mét khối mỗi giờ
Theo đó, kể từ năm 2013, Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng hạ tầng ở các bãi đá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện nhiều hạ tầng với đường băng, nhà chứa máy bay, lắp đặt hệ thống radar, triển khai nhiều loại tên lửa ở các
bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Qua đó, Bắc Kinh cũng đã điều động nhiều loại máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, máy bay vận tải đến khu vực này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa, mà đặc biệt là đảo Phú Lâm.
Có vẻ như toàn bộ hệ sinh thái của quần đảo Trường Sa có nguy cơ sụp đổ hoặc suy thoái nghiêm trọng
Báo cáo của Đại học James Cook (Úc)
Suốt quá trình xây dựng đó, Trung Quốc đã tổn hại nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên ở các khu vực này. Cụ thể, các tàu phục vụ xây dựng đã phá nát nhiều rạn san hô. Theo tờ South China Morning Post, chỉ riêng tàu hút bùn Tianjing đã nạo vét 4.500 m3 vật liệu mỗi giờ.
Để dễ hình dung, tờ báo cho biết 4.500 m3 vật liệu thì đủ để lấp đầy 2 hồ bơi có kích thước đạt tiêu chuẩn thi đấu Olympic.
Nguy cơ sụp đổ toàn bộ hệ sinh thái
Cuối tháng 2, chuyên san Science Daily đăng tải một báo cáo, được công bố bởi nhóm nghiên cứu thuộc Đại học James Cook (Úc), cũng cảnh báo môi trường ở khu vực quần đảo Trường Sa đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hoạt động của
Trung Quốc. Báo cáo được thực hiện bởi GS Eric Wolanski và TS Severine Chokroun đều là những nhà hải dương học nổi tiếng. Theo đó, báo cáo nêu: “Trường Sa là nơi bị quân sự hóa và đánh bắt thủy sản quá mức, chủ yếu do Trung Quốc thực hiện. Các rạn san hô đã bị phá hủy nghiêm trọng để xây dựng các cơ sở hạ tầng mà mục đích chỉ nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền”. Cụ thể, quá trình nạo vét để xây dựng hạ tầng đã gây tổn thương các rạn san hô.
Mỹ bày tỏ quan ngại vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6.4 đã lên tiếng bày tỏ “rất quan ngại” về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Trong thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Ortagus còn hối thúc Bắc Kinh thay vào đó nên tập trung vào các nỗ lực toàn cầu chống đại dịch Covid-19.
Trong tuyên bố trên, bà Ortagus cũng liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc nhằm xác lập các yêu sách biển bất hợp pháp ở Biển Đông kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát như lập “các trạm nghiên cứu” ở đá Chữ Thập và đá Xu Bi, hạ cánh máy bay quân sự chuyên dụng ở đá Chữ Thập và triển khai dân quân biển đến quần đảo Trường Sa. Bà Ortagus còn nhấn mạnh: “Vụ việc này (đâm tàu cá Việt Nam) là hành động mới nhất trong chuỗi hành động lâu dài chính quyền Trung Quốc nhằm củng cố những yêu sách biển phi pháp và gây bất lợi cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.
Huỳnh Thiềm
Các rạn san hô bị tổn hại dẫn đến việc hủy diệt cả các dòng chảy mang theo cá và ấu trùng san hô. Điều này khiến cho sự tổn hại lan rộng ra nhiều khu vực xung quanh, chứ không chỉ dừng lại tại các rạn san hô ở nơi Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Không những vậy, việc tàu cá Trung Quốc ra sức đánh bắt cũng gây tổn hại không nhỏ. Báo cáo của Đại học James Cook cũng chỉ ra rằng cứ trung bình tại khu vực tương ứng một rạn san hô thì thường xuyên có từ 100 – 150 tàu cá Trung Quốc đánh bắt. Trong khi đó, tại khu vực Great Barrier, hệ thống rạn san hô lớn nhất
thế giới nằm ở ngoài khơi phía đông bắc của Úc, thì mật độ chỉ 0,5 – 1 tàu cá đánh bắt ở một rạn san hô. Điều này có nghĩa là mật độ tàu cá Trung Quốc ở đây cao gấp hàng trăm lần so với nhiều nơi khác.
Báo cáo trên đưa ra cảnh báo: “Có vẻ như toàn bộ hệ sinh thái của quần đảo Trường Sa có nguy cơ sụp đổ hoặc suy thoái nghiêm trọng”.
Nói một đường, làm một nẻo
Cuối tháng 3, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc vừa thiết lập 2 trạm nghiên cứu trên hai đá Chữ Thập và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Hai trạm nghiên cứu này do Trung tâm nghiên cứu tích hợp đảo và đá ngầm thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc quản lý, có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa.
Trước đó, năm 2018, Bắc Kinh cũng thông báo đã xây dựng một cơ sở tương tự ở bãi đá Vành Khăn.
Nhiều năm qua, Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố đẩy mạnh nghiên cứu
khoa học để
bảo vệ môi trường ở Biển Đông. Thế nhưng, theo báo cáo do Đại học James Cook thực hiện, Trung Quốc đã không cho phép các nhà khoa học tiếp cận các rạn san hô mà nước này đang chiếm giữ trên Biển Đông. Không những vậy, Bắc Kinh cũng không chia sẻ các dữ liệu liên quan đến môi trường ở khu vực này.
Nhóm nghiên cứu đưa ra là đã xác định được danh sách một số rạn san hô cần ưu tiên cho việc bảo tồn ở quần đảo Trường Sa, nhưng đang gặp nhiều khó khăn do các thách thức về chính trị. Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu cho biết đã xác định rõ vấn đề, các giải pháp thực hiện dựa trên sự hỗ trợ từ các quan hệ hợp tác như giữa Việt Nam với Philippines.
Gậy ông đập lưng ông ?
Trước thực trạng các rạn san hô bị tàn phá nghiêm trọng, tờ South China Morning Post năm 2019 đưa tin Bắc Kinh đang tìm cách phục hồi lại môi trường ở Biển Đông. Trung Quốc công bố kế hoạch khảo sát thực địa để thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường, đặc biệt đối với các rạn san hô ở các bãi đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập. Điều này mâu thuẫn với một công bố hồi năm 2015, do Bắc Kinh đưa ra, cho rằng việc xây dựng không gây ảnh hưởng các rạn san hô.
Tuy nhiên, nhận xét về việc Trung Quốc nỗ lực tái tạo các rạn san hô, nhà sinh vật học biển John McManus (Đại học Miami, Mỹ) cho rằng điều đó khó khả thi. Theo chuyên gia này, việc nạo vét đã giết chết quá nhiều sinh vật xung quanh nên khó có thể tái tạo.
Không những vậy, phân tích trên chuyên san The National Interest cũng chỉ ra Bắc Kinh phải chuốc lấy hậu quả do chính họ gây ra. Cụ thể, vì môi trường và các rạn san hô bị tàn phá, nên các cơ sở trên các bãi cạn mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông đang có dấu hiệu sụt lún và đứng trước nhiều rủi ro. Theo giới nghiên cứu, chỉ cần một trận siêu bão quét qua thì toàn bộ những gì Trung Quốc xây dựng tại đây có thể bị phá hủy hoàn toàn.
Bên cạnh đó, vì quá tham vọng triển khai nhiều vũ khí mà Bắc Kinh đang đứng trước thách thức lớn. Cụ thể là điều kiện môi trường khắc nghiệt khiến cho các loại máy bay chiến đấu cũng như tên lửa được triển khai tại các bãi đá ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa đều dễ dàng bị hư hỏng, khó bảo trì.