23/11/2024

Dạy học từ xa: Bộ GD-ĐT nói gì nếu có học sinh không thể học được ?

Dạy học từ xa: Bộ GD-ĐT nói gì nếu có học sinh không thể học được ?

Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Xuân Thành trao đổi với học sinh về nội dung bài học trong chương trình hiện hành /// Ảnh: T.Mai

 

Ông Nguyễn Xuân Thành trao đổi với học sinh về nội dung bài học trong chương trình hiện hành  Ảnh: T.Mai
Vấn đề đặt ra là ngành GD-ĐT sẽ kiểm soát chất lượng thế nào khi áp dụng hình thức dạy học từ xa đại trà trên toàn quốc?
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), giải đáp thêm những băn khoăn khi thực hiện theo hướng dẫn này.

Huy động nguồn lực toàn quốc, không mạnh ai nấy làm

Thưa ông, nhiều ý kiến lo ngại điều kiện dạy học qua internet và cả trên truyền hình chênh lệch ở các địa phương, khi Bộ cho phép áp dụng hình thức này một cách đại trà để thay thế dạy học trực tiếp?
Thông tin từ ngành viễn thông mà chúng tôi nắm được thì đại đa số các trường đã có nối mạng internet. Như vậy, nền tảng kết nối mạng là đã có, hạ tầng đã có. Theo hướng dẫn của Bộ, tùy theo điều kiện của các trường, có thể sử dụng những phần mềm dạy học miễn phí để tổ chức dạy học cho học sinh (HS). Nhiều trường đang dùng hệ thống dạy học trực tuyến miễn phí.
Đối việc dạy học trên truyền hình thì về mặt hạ tầng là truyền hình hiện nay đã phủ sóng trên toàn quốc. Bộ đang yêu cầu các sở GD-ĐT triển khai xây dựng các bài giảng để phát sóng trên truyền hình địa phương, đồng thời gửi về Bộ tập hợp để cho nhiều địa phương trên cả nước đều có thể cùng sử dụng để dạy học cho địa phương mình.

Dạy theo chương trình tinh giản

Bộ đang cố gắng sớm hoàn thiện và ban hành hướng dẫn tinh giản chương trình học kỳ 2 của năm học trong tuần này, để các cơ sở giáo dục áp dụng ngay. Sau khi đã có hướng dẫn tinh giản, Bộ sẽ chỉ chọn những bài giảng trên truyền hình (đã xây dựng trước đó) phù hợp với nội dung đã tinh giản để phát sóng, còn những bài giảng xây dựng mới thì phải dựa vào hướng dẫn tinh giản để giảm áp lực cho HS và phù hợp với tình hình nghỉ học kéo dài như hiện nay.

Mặc dù vậy, nhiều địa phương vẫn cho rằng việc dạy học trên truyền hình cho tất cả các cấp học là không khả thi, vì việc xây dựng bài giảng và thời lượng phát sóng trên đài địa phương có hạn. Bộ sẽ có giải pháp nào để hỗ trợ các địa phương giải quyết vấn đề này?

Hiện nay, khoảng 17 tỉnh đã triển khai dạy trên truyền hình. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có một số ít địa phương như Hà Nội đã tổ chức dạy học cho HS từ lớp 4 đến lớp 12; hầu hết các địa phương còn lại chỉ tập trung dạy cho HS lớp 9 và lớp 12 để phục vụ cho việc ôn thi.
Bộ đã có công văn gửi các sở GD-ĐT đề nghị các sở gửi những bài giảng được xây dựng để dạy học trên truyền hình về Bộ. Bộ sẽ căn cứ vào toàn bộ các bài giảng tập hợp được để xem còn thiếu những môn nào, khối lớp nào… để phân công cho từng địa phương, dựa trên thế mạnh, khả năng của mình nhằm xây dựng những bài giảng còn thiếu. Nghĩa là chúng ta phải huy động nguồn lực của toàn quốc chứ không phải mạnh địa phương nào địa phương đó làm như hiện nay.
Về việc phát sóng, Bộ đã phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông và có công văn gửi Đài truyền hình VN ưu tiên một số kênh dành để phát sóng các bài giảng phục vụ cho HS cả nước trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh. Theo đề xuất của Bộ với Đài truyền hình VN thì dự kiến lịch học buổi sáng là dành cho HS THPT, buổi chiều là THCS và buổi tối là dành cho tiểu học, vì giờ đó bố mẹ các em có nhà để cùng hỗ trợ con. Nếu có 4 kênh phát sóng thì sẽ dạy đủ các lớp ở bậc phổ thông.

Giao bài, trả bài sẽ thực hiện qua internet

Nhiều ý kiến cho rằng nếu HS lớp 1, lớp 2 mà học từ xa là rất khó, trong khi không phải nhà ai cũng có điều kiện kèm con học được?
Theo đề xuất của lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học thì chỉ nên dạy trên truyền hình cho HS từ lớp 4 trở lên. Còn những lớp nhỏ hơn có thể vẫn có những nội dung giáo dục dành cho các con nhưng có thể không áp dụng như với HS THCS, THPT. Theo tôi biết thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét, cân nhắc nội dung này.
Nhiều ý kiến cho rằng dạy học trực tuyến thì có thể giáo viên còn điểm danh và theo dõi HS học thế nào, nhưng với dạy trên truyền hình thì số lượng và chất lượng rất khó “đong đếm”?
Dạy học trên truyền hình thì hạn chế lớn nhất là thiếu sự tương tác, giáo viên giảng bài nhưng không rõ HS đang học có hiểu bài hay không. Do vậy, điều quan trọng nhất là việc phân công giáo viên bám sát lịch phát sóng để “lên lớp” cùng HS của mình. Ví dụ, lịch phát sóng môn toán lớp 10 vào 9 giờ sáng ngày hôm nay, thì giáo viên dạy toán lớp 10 sẽ theo sát lịch đó. Giáo viên biết ngày mai phát sóng bài gì thì vẫn phải soạn nội dung bài đó cho phù hợp với HS của mình. Làm sao để sau mỗi bài học trên truyền hình từ một thầy cô ở địa phương khác, nhưng HS vẫn nhận được hướng dẫn học và yêu cầu rút ra sau mỗi bài học từ chính GV của mình. Cũng chính GV đó sẽ nhận lại bài tập của HS để đánh giá và giải thích thêm những nội dung HS chưa hiểu chứ không phải GV giảng bài trên truyền hình làm việc đó.
Phần nhiều là việc giao bài, trả bài sẽ được thực hiện qua internet; chỉ số ít còn lại, ở vùng sâu vùng xa, vùng rất khó khăn thì rất cần sự hỗ trợ của cha mẹ HS và giáo viên trong việc giao bài và trả bài (trên giấy) trực tiếp giúp HS.
Những địa phương như vậy thì các sở, phòng GD-ĐT và các trường đòi hỏi cũng phải nỗ lực hơn nhiều so với vùng thuận lợi. Chúng ta phải cố gắng khắc phục để cho HS được học theo một cách nào đó phù hợp nhất.
Dù vậy sẽ xảy ra tình huống vẫn có một bộ phận HS quay trở lại trường và hoàn toàn “rỗng” kiến thức của học kỳ 2 năm học này. Vậy, Bộ xử lý thế nào để bộ phận HS này không bị “bỏ rơi”?
Bộ đã tính đến tình huống này. Chính vì vậy, khi ban hành văn bản hướng dẫn, ở phần kiểm tra đánh giá, Bộ đã hướng dẫn rất rõ là phần nào được kiểm tra khi học từ xa, phần nào không được. Cụ thể là sẽ chỉ được kiểm tra đánh giá thường xuyên kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút khi học từ xa. Điểm này được tính hệ số 1. Còn với việc kiểm tra định kỳ (1 tiết trở lên) và cuối học kỳ chỉ được thực hiện sau khi HS đã trở lại trường. Nhưng trở lại trường cũng không phải kiểm tra ngay mà phải có thời gian củng cố, ôn tập và cả bổ sung kiến thức còn thiếu hụt trong quá trình dạy học cấp bách như vậy cho HS.
Với quy định cứng như vậy thì tôi cho rằng, bản thân các nhà trường, HS và phụ huynh cũng có ý thức phải học tập nghiêm túc trong thời gian ở nhà tránh dịch.
Quy định của Bộ đã tính đến hai chiều: chiều thứ nhất là các nhà trường phải bù đắp, củng cố cho HS khi quay trở lại trường; nhưng chiều thứ hai là chỉ khi trở lại trường mới kiểm tra, đánh giá định kỳ nên HS cũng phải có ý thức học để đạt kết quả như mong muốn ở các bài kiểm tra, đánh giá mang tính quyết định.

Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội tạm dừng học lâm sàng 2 tuần

Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội vừa quyết định tạm dừng việc tổ chức dạy học lâm sàng tại các cơ sở thực hành trong 14 ngày (tính từ 25.3). Các viện, khoa, bộ môn tiếp tục triển khai hướng dẫn dạy và học trực tuyến theo hướng dẫn của các phòng chức năng, đồng thời bám sát các thông báo tiếp theo của nhà trường về việc tổ chức học lâm sàng trở lại tại cơ sở thực hành. Theo GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, đây là giải pháp tình thế sau “sự cố” ở Bệnh viện Bạch Mai (một cơ sở thực hành quan trọng của trường) xảy ra các ca lây nhiễm chéo Covid-19. Quý Hiên
TUỆ NGUYỄN
TNO