Đục ống cống ngầm để xả thải
Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước 2 (gọi tắt là nhà máy) được đầu tư xây dựng để xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt cho toàn bộ KCN và khu dân cư Mỹ Phước 2 với công suất 8.000 m3/ngày đêm. Ghi nhận của PV Thanh Niên sáng 4.8 tại khu vực này có hệ thống kênh thoát nước của KCN và khu dân cư bao quanh nhà máy. Tuy nhiên, toàn bộ nước ở các tuyến kênh này đều một màu đen như mực. Ngay tại điểm xả nước thải đã qua xử lý của nhà máy thải ra, nước vẫn một màu đen và bọt tung trắng xóa. Từ các tuyến kênh thoát nước và điểm xả thải của nhà máy, nước thải theo dòng kênh đổ ra sông Thị Tính và từ đó đổ ra sông Sài Gòn, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở Bình Dương và TP.HCM.
Lỗ của ống cống xả thải do nhân viên vận hành tạo ra ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
|
Từ điểm xả thải của nhà máy, chúng tôi băng qua một khu rừng rậm rạp để tiếp cận với đường ống cống nước thải xả ra kênh. Ở đoạn ống cống ngay cạnh bể chứa nước thải, PV phát hiện một lỗ có đường kính khoảng 40 cm. Nước rỉ rác (từ quá trình vớt rác thải trong bể chứa) và nước ở khu vực xung quanh bể chứa chảy xuống một đoạn kênh nhỏ rồi theo lỗ của ống cống xả thải ra môi trường. Nhìn từ ngoài vào, phía bên trong nhà máy có một số máy bơm hoạt động, một số khác không hoạt động. Toàn bộ khung cảnh nhà máy vắng lặng, không một bóng người.
Nhân viên vận hành… đi đâu không rõ (!?)
Khoảng 14 giờ 20 cùng ngày, sau khi ghi nhận ở bên ngoài nhà máy và quanh khu vực xả thải, chúng tôi quyết định vào bên trong để tìm hiểu. Một người đàn ông tự nhận là người thu gom bùn thải cho biết những người có trách nhiệm ở nhà máy đi họp hay đi đâu không rõ! Đến khoảng 14 giờ 30, sau khi chúng tôi điện thoại cho Trưởng ban Quản lý KCN Mỹ Phước thì phó giám đốc phụ trách nhà máy, tổ trưởng tổ xử lý, nhân viên vận hành và nhiều người khác có trách nhiệm mới kéo đến. Cùng thời điểm này, người đàn ông tự nhận là người thu gom bùn thải mới nháo nhào đi vận hành máy ép bùn và một số máy khác ở khu vực bể xử lý nước thải.
Trả lời câu hỏi của PV vì sao nội quy của nhà máy quy định nhân viên vận hành, phân tích phải thường xuyên kiểm tra hệ thống xử lý, kịp thời phát hiện các sự cố… nhưng từ trưa tới đầu giờ chiều không có một nhân viên nào ở nhà máy, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó giám đốc phụ trách nhà máy, lúng túng gọi điện cho các nhân viên của mình và trả lời không biết nhân viên đi đâu (?!). Còn ông Nguyễn Thành Trung, nhân viên vận hành nhà máy giải thích: “Hồi sáng em còn sửa mấy bình chữa cháy ở đây. Trưa thì em không có nhậu, chỉ đi đám giỗ có một chút rồi quay về”. Sau đó, ông Trung tự nhận là người đã tạo ra lỗ ở đường ống cống xả thải để lấy nước vào trong kênh nhỏ nuôi cá và làm hồ sinh thái. Tuy nhiên, quan sát thực tế của PV và trước sự chứng kiến của nhiều người thì nước chảy ngược lại lời giải thích của ông Trung. Cụ thể là nước rỉ rác và nước lắng đọng từ hồ sinh thái đầy bùn đất và con kênh nhỏ theo lỗ của ống cống xả thải, thải ra môi trường.
Giải thích về hiện tượng nước thải ở các tuyến kênh quanh nhà máy luôn một màu đen đặc, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định nước thải của nhà máy xả ra môi trường là đạt chuẩn. Ông Khoa cho rằng ở khu dân cư Mỹ Phước 2 có nhiều hộ dân không đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống xử lý mà đấu nối ra đường thoát nước mưa đổ vào kênh, dẫn đến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và màu nước đen đặc. Ông Khoa cũng giải thích nước từ các tuyến kênh đổ ra sông Thị Tính nhìn từ trên cao có màu đen như mực là do bùn lắng đọng lại và chỉ thừa nhận vào thời điểm PV có mặt không có người vận hành, xử lý ở nhà máy là sai nội quy.
ĐỖ TRƯỜNG