23/11/2024

Tài liệu tĩnh tâm – Hướng tới sự trưởng thành toàn diện – Bài 16: Uống nước nhớ nguồn

Nước không phải chỉ hết sức cần thiết và quan trọng đối với con người, nước còn là cội nguồn của tất cả các dạng sống, từ những đơn bào, cho đến thực vật, động vật. Vì thế, chúng ta muốn tìm hiểu vai trò của nước trong đời sống tự nhiên của con người và trong đời sống siêu nhiên của người tín hữu để có thái độ sống đúng đắn.

Hướng tới
sự trưởng thành toàn diện

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

PHẦN III
NẾP SỐNG VĂN HOÁ VIỆT NAM (tt)

Bài 16
Uống nước nhớ nguồn

Lời mở

Tháng 7 năm 2010, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu công nhận việc tiếp cận nước sạch và điều kiện sống hợp vệ sinh là một trong những quyền căn bản của con người. Người ta có thể nhịn ăn 1,2 tháng trời mà không chết, nhưng nếu không uống nước trong vòng 3-4 ngày, không ai có thể sống. Nước không phải chỉ hết sức cần thiết và quan trọng đối với con người, nước còn là cội nguồn của tất cả các dạng sống, từ những đơn bào, cho đến thực vật, động vật. Vì thế, chúng ta muốn tìm hiểu vai trò của nước trong đời sống tự nhiên của con người và trong đời sống siêu nhiên của người tín hữu để có thái độ sống đúng đắn.

Nuoc 4

1. Nước trong đời sống tự nhiên

Nuoc 1 Theo nghiên cứu của Viện Nước Quốc tế Stockhohn (SIWI), nước bẩn giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em bị chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn. Theo bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2006, có tới 1,1 tỉ người không tiếp cận được nước sạch và hơn 2,6 tỉ người không có điều kiện vệ sinh cơ bản. 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4,43 triệu trẻ em ở độ tuổi đến trường bị chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường[1].

Ở Việt Nam, có tới 80-90% phụ nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long mắc bệnh phụ khoa vì không có nước sạch, phải dùng trực tiếp nước sông, nước kênh. Hầu hết các học sinh Việt Nam không uống đủ nước vì sợ không dám dùng nhà vệ sinh ở trường do quá dơ bẩn.

1.1. Vai trò của nước trong cơ thể con người

Khoảng 70% cơ thể chúng ta là nước. Nước xuất hiện ở tất cả các cơ quan, bộ phận trên cơ thể. Hàm lượng nước trong gan là 86%, não 85%, phổi 83%, máu 83%, thận 83%, cơ bắp 75%, da 64%, thấp nhất là xương: 31%.

Nước có vai trò điều hoà nhiệt độ cơ thể. Khi nhiệt độ môi trường biến đổi, nước sẽ điều hoà thân nhiệt bằng cách toát ra mồ hôi.

Nước cũng vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến mỗi tế bào qua hoạt động của dạ dày, ruột non. Nước thực hiện chức năng giải độc, lấy đi các chất thải độc hại ở tế bào. Nhờ nước, các thức ăn đưa vào cơ thể được chuyển hoá và được phân giải về mặt vật lý và hoá học, hệ tiêu hoá chiết xuất các chất dinh dưỡng có ích và bài tiết những thứ không cần thiết ra ngoài. Nước đóng vai trò làm dung môi trong suốt quá trình này.

Nuoc 12

Nước còn làm trơn các khớp xương để xương vận hành nhịp nhàng trơn tru, không bị tổn thương. Nước còn giúp làm sạch phổi bằng cách gột rửa những bụi bẩn, virus, vi khuẩn, khói thuốc. Não cần nước nhiều hơn các cơ quan khác, nên não sẽ báo hiệu để rút nước từ các cơ quan ấy. Vì thế chúng ta cần uống nhiều nước để não làm việc ổn định, đầu óc minh mẫn. Các cơ bắp cần nước để hoạt động. Nếu thiếu nước người ta sẽ bị mỏi cơ, cảm thấy rã rời, không muốn vận động.

Người trưởng thành có khoảng 5 lít máu. Tim bơm tất cả 5 lít máu này đi khắp cơ thể trong mỗi phút. Các thành phần của máu gồm: huyết tương (chiếm 54%), hồng cầu (45%), bạch cầu và tiểu cầu (1%); máu sẽ thu nhận các chất dinh dưỡng được hấp thu từ ruột cũng như oxy từ phổi để chuyển chúng đến các tế bào. Máu cũng lấy đi các hoá chất do tế bào thải ra như urê và acid lactic đến gan và thận để thải ra ngoài. Nước là thành phần chính của máu, nhất là trong huyết tương, chiếm tới 92%.

Hiểu được vai trò quan trọng của nước trong cơ thể, chúng ta phải tập thói quen uống đủ nước hằng ngày: như uống một ly nước ngay khi thức dậy, luôn mang theo nước bên mình, đặt lịch uống nước cách nhau khoảng 2 giờ trong thời gian làm việc ban ngày, uống nước trước khi ngủ để cơ thể ở trong trạng thái thư giãn, góp phần tái tạo tế bào và hỗ trợ các cơ quan hoạt động trong đêm. Nên uống nước từ từ và uống từng ngụm nhỏ.

1.2. Chiến tranh nước

Do tình trạng ô nhiễm trên thế giới mỗi ngày một nặng và dân số ngày càng tăng, nước sạch sẽ là một tài nguyên quý giá hơn cả dầu mỏ trong thế kỷ 21. Dầu mỏ có thể thay thế bằng các loại nhiên liệu khác như điện, nhiên liệu sinh học, gió, khí đốt… còn nước lại không thể thay thế, nên nhiều dân tộc đang muốn chiếm hữu nước thật nhiều để bảo đảm cuộc sống cho mình. Vì vậy có thể tạo nên một cuộc chiến tranh nước trong tương lai gần.

Nuoc 8

Tài nguyên nước là các nguồn nước mà con người có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, dân dụng, giải trí và môi trường. Hầu hết các hoạt động này cần nước ngọt. Tuy nhiên, 97% nước trên trái đất là nước muối, chỉ có 3% còn lại là nước ngọt. 2/3 lượng nước ngọt này tồn tại nơi các sông băng và khối băng ở các cực Nam-Bắc[2]. Phần còn lại không đóng băng được tìm thấy chủ yếu ở dạng nước ngầm, chỉ một tỉ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất ở các sông hồ và trong không khí[3]. Nước mặt ở các sông hồ được bổ sung bởi lượng mưa, mưa tuyết, mưa đá và nó sẽ mất đi khi chảy vào đại dương, bốc hơi hoặc ngấm xuống đất[4]. Việc cung cấp nước ngọt và sạch trên thế giới đang từng bước giảm đi, trong khi nhu cầu tăng do dân số thế giới tăng cũng như do các vùng đất ngập nước trên thế giới giảm đi một nửa trong suốt thế kỷ 20.

Nuoc 2Dù nhiều nơi hầu như không mất tiền mua nước, nhưng đó là thứ giá trị nhất hành tinh. Nhiều nước hiện nay phát động chiến tranh giành giật tài nguyên dầu mỏ: nhưng tất cả những hàng hoá giá trị nhất thế giới sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu thiếu nước.

Chính vì thiếu ý thức về giá trị của nước nên hiện nay người ta đang khai thác cạn kiệt và làm bẩn nước do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Cách đây 2000 năm, chỉ có khoảng 250 triệu người trên trái đất, vào năm 2019 này, có hơn 7,7 tỉ người. Các vùng sa mạc trên thế giới ngày càng mở rộng. Mực nước ngầm đang giảm 1m/năm. Những khối băng trên dãy Hymalaya đang tan chảy với tốc độ báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng nước của các sông chính như sông Mekong, Dương Tử (ở Trung Quốc), sông Hằng (ở Ấn Độ), sông Ấn (ở Pakistan). Trung Quốc bị cáo buộc gây ô nhiễm nguồn nước nhiều nhất khi đổ các chất thải vào các con sông[5].

Nuoc 9 Theo thông tin của một số cơ quan chính quyền Thái Lan, Lào, Việt Nam và Uỷ hội sông Mêkông (MKC): mực nước sông Mêkông trong đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7/2019 đã ở mức thấp nhất, dưới cả mức tối thiểu trong nhiều năm. Ba nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm nguồn nước sông Mêkông: do hạn hán, lượng mưa quá ít, kế đến là việc giảm nguồn nước xả ra từ đập thuỷ điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Cuối cùng là kế hoạch tích nước để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi ở Lào dự kiến hoạt động chính thức vào tháng 10/2019[6].

Nuoc 6 Nuoc 5

Học thuyết Xã hội Công giáo nói đến quyền có nước sạch là một quyền căn bản và phổ quát của con người[7], nói đến tình trạng thiếu nước sạch, kém phát triển và nghèo đói của nhiều nước trên thế giới (số 447) và nhắc đến mục tiêu phổ quát của của cải và nước (số 484)[8]. “Tự chính bản thân của nó, nước không thể được xem như một trong nhiều thứ hàng hoá của con người, nó cần được sử dụng cách hợp lý và liên đới với những người khác: Quyền có nước, cũng như các quyền khác của con người, được đặt trên nền tảng là phẩm giá con người, chứ không phải dựa trên bất cứ việc đánh giá đơn thuần theo định lượng nào mà coi nước chỉ như một hàng hoá kinh tế không hơn không kém. Không có nước, sự sống bị đe doạ. Thế nên, quyền có nước uống an toàn là quyền của mọi người trên thế giới và là quyền không thể chuyển nhượng”[9].

Nuoc 7

2. Nước trong đời sống siêu nhiên

Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nghĩa là có thể xác và tinh thần, nên tầm quan trọng của nước trong đời sống siêu nhiên cũng không thua kém so với đời sống tự nhiên.

2.1. Nước theo ý nghĩa Thánh Kinh

Nước là nguồn mạch, là tiềm năng của sự sống[10]. Chính Đức Giêsu Kitô đã dùng hình ảnh nước hằng sống để nói về sự sống siêu nhiên do Người ban cho nhân loại[11].

Trong sinh hoạt hằng này, ngoài việc uống để sống, người ta còn dùng để tắm rửa, giặt giũ. Vì thế, trong đời sống siêu nhiên, nước chỉ sự thanh tẩy. Người ta dùng nước đã làm phép để tẩy sạch tội lỗi con người[12].

Nước là hình ảnh của Thần Khí[13] và sự sống do Chúa Giêsu trao ban đặc biệt qua biến cố Thập Giá khi Người đổ máu và nước từ vết thương ở cạnh sườn Người (x. Ga 19,34).

Vì thế, nước được sử dụng nhiều trong các nghi thức bí tích và phụng vụ của Giáo hội Công giáo, tượng trưng cho việc tham dự vào sự chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô.

Nuoc 13

2.2. Nước trong đời sống đạo đức

Nuoc 3 Người tín hữu Công giáo cần nhìn lại cách sử dụng nước tự nhiên trong đời sống hằng ngày để phát huy một sức khoẻ ổn định giúp cho mọi hệ thống trong cơ thể hoạt động tốt đẹp. Mỗi ngày cần phải uống đủ nước, khoảng 2 lít, trong điều kiện bình thường. Tránh uống những loại nước ngọt, bia rượu đầy hoá chất như hiện nay, nhất là trong các bữa tiệc, bữa ăn. Nên tránh uống nước trước bữa ăn khoảng 1 giờ để khỏi làm loãng các dịch vị và men tiêu hoá trước khi ăn, cũng như nên uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ để giúp tiêu hoá các chất bổ trong đồ ăn và hấp thu qua các lông mao trong ruột non.

Việc dùng nước để tắm rửa, giặt giũ như mời gọi ta thanh tẩy tâm hồn bằng bí tích Giải Tội như một lần tắm rửa thiêng liêng. Chúng ta nên tạo thói quen chừng 2 tháng đi xưng tội một lần, nếu không có tội trọng đặc biệt cần xưng thú sớm. Việc thanh tẩy đó còn là dịp giúp ta nhìn lại đời sống để định hướng cho giai đoạn sống mới.

Bài học ý nghĩa nước đến từ các dòng sông: dòng Cửu Long đầy phù sa, dòng Hồng Hà đỏ thắm hay dòng Hương Giang lững lờ, cũng như mọi con sông trên thế giới, tất cả đều chảy ra biển. Không một sông nào muốn chảy ngược dòng. Ta tưởng chừng như chúng đã chết khi hoà mình vào biển cả bao la, nhưng thật sự không dòng sông nào chết cả, nên không một giọt nước nào của chúng bị mất. Hơi nước từ sông, từ biển bốc lên thành mây, thành mưa trả lại cho chúng dòng nước tinh khiết từ trời[14]. Những rác bẩn thối tha người ta đổ vào các dòng sông sẽ được ướp mặn, chuyển hoá nên con người mới có dòng nước ngọt sạch trong.

Nuoc 14

Lời kết

Hiểu được bài học từ những dòng sông, ta mới âm thầm làm việc, hy sinh cho đời như những giọt nước quảng đại trao tặng sự sống cho con người mà chẳng cần biết người dùng nó là tốt hay xấu, nghèo hèn hay giàu sang, xinh tươi hay xấu xí. Vì thế, mỗi lần uống nước ta lại nhớ đến nguồn nước từ trời.

—————————————————————

Câu hỏi gợi ý

1. Mỗi ngày bạn uống bao nhiêu nước và uống như thế nào?

2. Bạn làm gì để bảo vệ nguồn nước tự nhiên của con sông, suối, kênh rạch gần nơi bạn ở?

3. Bạn học được bài học đạo đức nào từ những dòng sông?

4. Bạn cần làm gì để sử dụng nguồn nước sạch cách hữu ích cho bản thân và cho người khác?

—————————————————————

Chú thích:

  1. x. Wikipedia, bài Chiến tranh nước, Internet
  2. x. Earth’s Water distribution, United states Geological Survey, internet, 13/5/2019.
  3. x. Scientific Facts on Water: State of the Resource Green Facts website, internet, 31/1/2008.
  4. x. Wikipedia, Bài Tài nguyên Nước, Giáng Thuỷ, Internet.
  5. x. Wikipedia, Chiến tranh Nước, Internet.
  6. x. Báo Tuổi Trẻ, bài Sông Mêkông trơ đáy, ĐBSCL lo hạn mặn khốc liệt, ngày 25/7/2019, tr.7.
  7. x. Tóm lược HTXHCG, số 365, 485.
  8. x. Docat, tr.181, 207, 220.
  9. x. Tóm lược HTXHCG, số 485.
  10. x. Ez 47,1-12; Tv 104; Lv 26,4; Am 4,7; Đn 11,14.
  11. x. Ga 3,5; 4,10-14; 7,37-38; HĐGMVN, Từ điển Công giáo Việt Nam, mục từ Nước, tr.655; Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá, Huấn thị Đức Giêsu Kitô, Đấng đem lại Nước Hằng Sống, 2002, tr.33; Tóm lược HTXHCG, số 463.
  12. x. Ez, 16,4-9; St 18,4; Tv 26,6; Lv 16,4.24; Mt 27,24; 3,11; Lc 11,38-41; 1Cr 6,11.
  13. x. Ga 7,39; Tt 3,5; GLHTCG, số 694-696.
  14. x. Anthony Nguyễn Ngọc Sơn, Sứ diệp loài hoa, Hoa Lưu ly, tr.11.