Phát hiện mới: Nọc rắn có thể trị ung thư vú và ung thư đại trực tràng
Phát hiện mới: Nọc rắn có thể trị ung thư vú và ung thư đại trực tràng
Các nhà khoa học phát hiện nọc rắn có thể tiêu diệt khối u ung thư vú và đại trực tràng. Họ kỳ vọng loại chất độc chứa khoảng 100 hoá chất khác nhau này có thể mang lại hy vọng mới cho phương thuốc chữa ung thư.
Những nghiên cứu ban đầu cho thấy nọc rắn có thể tiêu diệt khối u ung thư “thực sự nhanh”. Đây là phát hiện thú vị của một nhóm nhà khoa học tại Đại học Northern Colorado (Mỹ), theo Daily Mail.
Tuy nhiên, vì độc tính của nọc rắn nên tìm ra được phương thuốc có thể tiêu diệt ung thư hiệu quả nhưng không giết chết người bệnh là điều khó khăn, các nhà khoa học thừa nhận.
Để tìm ra phương thuốc điều trị ung thư, họ đã thử nghiệm hàng trăm loại nọc rắn khác nhau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, từ rắn đuôi chuông đến rắn lục.
Ung thư là một trong những căn bệnh gây chết người nhiều nhất thế giới. Do đó, việc tạo ra loại thuốc mới đang được nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới nghiên cứu.
Nọc rắn có độc tính cao, chỉ cần một vết cắn cũng đủ sức giết chết con mồi. Tuy nhiên, ở nhiều nước, nọc rắn đã trở thành phương thuốc dân gian suốt nhiều thế kỷ nay. Nọc rắn cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học vì chúng chứa rất nhiều protein và hóa chất tự nhiên, theo Daily Mail.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy nọc độc của những loài rắn khác nhau có thể tấn công các tế bào ung thư của con người theo những cách khác nhau, tiến sĩ Stephen Mackessy, một trong những tác giả nghiên cứu tại Đại học Northern Colorado, cho biết.
Trong phòng thí nghiệm, một lượng ít nọc độc của rắn đuôi chuông cũng có thể tiêu diệt nhanh các tế bào ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, nó lại không có tác dụng với ung thư hắc tố, một loại ung thư da nguy hiểm. Trong khi đó, nọc độc của một số loại rắn khác lại có thể tiêu diệt ung thư hắc tố, các nhà nghiên cứu cho biết.
Các tế bào ung thư được nhóm nghiên cứu thu thập từ người bệnh và phát triển trong phòng thí nghiệm.
Nhóm hy vọng một ngày nào đó có thể thử nghiệm lâm sàng loại thuốc trị ung thư mới trên cơ thể người. Một trong những việc khó khăn nhất là cần phải tìm ra liều lượng nọc độc an toàn, theo Daily Mail.
NGỌC QUÝ
TNO