Cộng đoàn Thánh Martin ở Kenya phục vụ những người yếu đuối
Câu chuyện về một linh mục người Ý ở Kenya
Cha Mariano Dal Ponte truyền giáo tại Kenya trong 17 năm theo diện hồng ân đức tin (fidei donum), là giám đốc của trung tâm Thánh Martin từ năm 2012 đến 2019. Khi được Vatican News hỏi về sứ vụ của cha tại Kenya cha chia sẻ: “Món quà quý giá nhất tôi nhận được trong cuộc đời đó là những năm tháng thi hành sứ vụ linh mục ở Kenya theo tiếng gọi của Tin Mừng, để sống tình liên đới và huynh đệ”. Và khi nói đến điều này, ngay lập tức cha Mariano nói đến Trung tâm Thánh Martin là một thực tế “liên quan đến cộng đồng địa phương”. Tại Trung tâm này, các tình nguyện viên phục vụ những người yếu đuối, nghèo khổ, giúp họ trở thành những người có thể đứng vững trên đôi chân của mình.
Sự ra đời của Trung tâm Thánh Martin
Sự ra đời của Trung tâm Thánh Martin khởi đi từ cuộc gặp gỡ giữa cha Gabriele Pipinato, một linh mục truyền giáo tại Kenya và Thomas, một cậu bé bị khuyết tật. Câu chuyện được bắt đầu như sau: Vào năm 1990, theo thường lệ cha Gabriele đến nhà một giáo dân để làm phép nhà cũng như mọi đồ vật trong đó theo lời mời của gia đình. Sau khi rảy nước phép ở khắp nơi của ngôi nhà, chỉ còn một căn phòng là cha chưa được người nhà hướng dẫn vào. Cha thắc mắc thì người cha gia đình nói là căn phòng của một người con bị khuyết tật. Đối với quan niệm của họ, người khuyết tật không xứng đáng được hưởng phúc lành. Cảm nhận được nỗi đau khổ của người khuyết tật trong một xã hội loại trừ như thế, cha Gabriele quyết định phải làm một điều gì đó cho những người bị loại bỏ như thế. Thế là Trung tâm Thánh Maritn được hình thành.
Các dự án
Cha Mariano cho biết hoạt động của Trung tâm liên quan đến mọi thành phần trong xã hội gặp khó khăn. Từ trẻ em đường phố và trẻ khuyết tật đến các trẻ nữ bị bạo hành. Đối với các trẻ em đường phố, Trung tâm đón tiếp và cho các em tham gia các khóa học giáo dục, nghề nghiệp; cố gắng cho các em được trở lại gia đình và nếu không thể thì tìm cha mẹ nuôi cho các em. Trung tâm cũng mở một nhà dành cho các trẻ nữ bị bạo hành. Còn đối với người bị khuyết tật, Trung tâm dành sự quan tâm đặc biệt, vì họ là “người nghèo nhất trong số những người nghèo”.
Sự trở lại của Lawrence
Có những câu chuyện đẹp của những người đã từng được Trung tâm giúp đỡ, sau đó thành công và trở lại tiếp tục đóng góp phần của mình cho hoạt động của Trung tâm với mong ước những người bất hạnh khác cũng được giúp đỡ. Đó là trường hợp của Lawrence. Cha Mariano cho biết, Lawrence là một cậu bé bị tật phải mang nạng khi được Trung tâm đón tiếp. Trải qua một thời gian ở với Trung tâm, Lawrence đã được phục hồi chức năng, rồi được học và trở thành giáo viên, tự lập. Một thời gian dài Lawrence trở lại Trung tâm với tấm thiệp cưới trên tay, và nói anh không muốn nhận quà cưới nhưng chính anh sẽ là người hổ trợ Trung tâm để hoạt động bác ái này có thể tiếp tục được duy trì cho những người có hoàn cảnh giống như anh.
Mỗi buổi sáng, các nhân viên của Trung tâm Thánh Martin rời trụ sở ở Nyahururu và tỏa đi khắp nơi để gặp những người cần được giúp đỡ cũng như mời gọi các tình nguyện viên. Các nhân viên của Thánh Martin đi tìm những người cần được giúp đỡ đưa họ về Trung tâm giúp phục hồi sức khỏe thể lý hoặc tinh thần. Các nhân viên cũng khuyến khích mời gọi các cộng tác viên tham gia vào các hoạt động bác ái. Trung tâm muốn chính những người dân địa phương là những người giúp đỡ anh em của mình.
Kenya là một đất nước xinh đẹp, chính vì thế cha Mariano mong muốn dân tộc này tiếp tục trau dồi vẻ đẹp và muốn chính người dân Kenya là người tiếp tục thi hành sứ vụ phục vụ dân tộc mình. Trong số những tình nguyện viên làm việc với Trung tâm, có nữ luật sư Irene Whamiti, 55 tuổi, là người đã từng cộng tác với Trung tâm trong một thời gian dài, đã có những kinh nghiệm chăm sóc những người yếu đuối. Hiện nay, luật sư là người lãnh trách nhiệm chăm sóc cho những người già neo đơn, những người bị bỏ rơi. Theo Cha Mariano, nữ luật sư là người xứng đáng đảm trách vai trò này.