25/12/2024

Ngăn chặn cái chết của các dòng sông

Ngăn chặn cái chết của các dòng sông

Thanh Niên giới thiệu bài bình luận độc quyền của học giả Brahma Chellaney cảnh báo về hệ luỵ từ tình trạng ô nhiễm, xây đập và chuyển dòng trên nhiều con sông lớn.
Từ sông Tigris đến sông Ấn, từ Trường Giang đến sông Nile, các dòng sông đều là khởi nguồn của nền văn minh nhân loại. Nhiều thiên niên kỷ sau, hàng trăm triệu người vẫn dựa vào các dòng sông để có nước uống, trồng trọt và kiếm sống. Thế nhưng chúng ta đang nhanh chóng hủy diệt các hệ thống sông ngòi, kéo theo những hệ lụy đối với nền kinh tế, xã hội và thậm chí cả sự sống còn của chính mình.

“Mê cuồng xây đập”

Trung Quốc là một trường hợp điển hình. Cơn mê cuồng xây đập và khai thác quá mức các dòng sông của nước này đang tàn phá môi trường ở châu Á, hủy hoại rừng, làm kiệt quệ hệ sinh thái và dẫn đến căng thẳng về nguồn nước. Điều tra về nguồn nước đầu tiên của Trung Quốc đưa ra vào năm 2013 cho thấy số lượng sông ngòi, không kể các suối nhỏ, đã giảm hơn phân nửa qua 6 thập niên, với hơn 27.000 con sông đã biến mất.
Từ đó đến nay, tình trạng ngày càng xuống cấp. Sông Mê Kông đang có mực nước thấp kỷ lục, phần lớn do hàng loạt “siêu đập” do Trung Quốc xây gần khu vực cao nguyên Tây Tạng, trước khi con sông chảy xuôi về các nước Đông Nam Á. Thực tế, cao nguyên Tây Tạng là khởi nguồn của nhiều dòng sông lớn ở châu Á và Trung Quốc lợi dụng điều này, nhất là để làm đòn bẩy tác động các nước ở hạ lưu.
Ngăn chặn cái chết của các dòng sông1

Đập Cảnh Hồng trên thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc   Ảnh: AFP

Trung Quốc có thể là nước xây đập lớn nhất thế giới nhưng không phải là duy nhất. Các nước khác, từ châu Á đến châu Mỹ La tin đều nhờ các dòng sông lớn để phát điện. Việc chuyển nước tưới tiêu cũng là một nguyên nhân lớn gây áp lực cho sông ngòi. Trồng trọt và chăn nuôi sử dụng 3/4 nguồn nước ngọt trên thế giới, trong khi lại xả thải làm ô nhiễm lại chính nguồn nước này, bên cạnh nước thải công nghiệp và sinh hoạt.
Tính chung, gần 2/3 các con sông lớn trên thế giới đều bị biến đổi và một số sông lớn như sông Nile và Rio Grande hiện đang có nguy cơ trở thành dòng sông chết. Trong số 21 sông dài hơn 1.000 km hiện vẫn đang tự do chảy từ thượng nguồn ra biển, phần lớn đều nằm tại những vùng xa xôi ở Bắc cực, lưu vực Amazon và Congo, nơi thủy điện chưa đem lại hiệu quả kinh tế.

Con người tự hại bản thân

Những xu hướng này gây áp lực lên nguồn nước, hủy hoại hệ sinh thái và đe dọa sức khỏe người dân. Chẳng hạn, việc chuyển dòng ở thượng nguồn khiến các đồng bằng sông Colorado và sông Ấn trở thành những vùng đầm lầy nước mặn. Hơn nữa, mực nước thấp cản trở chu kỳ lũ hằng năm vốn giúp cung cấp dinh dưỡng cho các khu vực canh tác ở vùng nhiệt đới. Trong những giai đoạn lượng mưa thấp hơn mức trung bình, nhiều con sông bị khô trước khi chảy ra biển. Dù có chảy ra biển, chúng cũng cung cấp ít chất dinh dưỡng quan trọng cho các sinh vật biển.

Ngăn chặn cái chết của các dòng sông - ảnh 2

Học giả Brahma Chellaney

Trên toàn cầu, các hệ sinh thái thủy vực đã giảm phân nửa sự đa dạng sinh học kể từ năm 1975, và phân nửa diện tích đất ngập nước bị hủy hoại trong thế kỷ qua. Một nghiên cứu gần đây của LHQ cảnh báo rằng có đến 1 triệu loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, với nhiều loài sẽ tuyệt chủng trong vài thập niên tới.
Con người khó thoát khỏi hậu quả về sức khỏe từ việc hủy diệt sông ngòi. Ở Trung Á, biển Aral khô cạn trong chưa đầy 40 năm, sau khi Liên Xô đưa lĩnh vực canh tác bông đến khu vực và lấy nước từ các nguồn của biển này là các sông Amu Darya và Syr Darya. Ngày nay, bụi thổi từ đáy biển kèm muối và hóa chất nông nghiệp không chỉ gây hại cho mùa màng mà còn gây nhiều chứng bệnh cho người dân, từ bệnh thận đến ung thư.
Các dòng sông chảy tự do còn đóng vai trò thiết yếu trong việc điều hòa tác động của biến đổi khí hậu khi chuyển các chất hữu cơ phân hủy và bào mòn đá khi chảy ra biển. Quy trình này giúp hấp thu khoảng 200 triệu tấn CO2 trong không khí hằng năm.
Nói ngắn gọn, việc bảo vệ những dòng sông là điều vô cùng trọng yếu. Tuy nhiên, trong khi nhiều lãnh đạo trên thế giới sẵn sàng phát biểu về tính cấp bách của việc tăng cường bảo vệ chúng, thì lời nói của họ hiếm khi biến thành hành động. Ngược lại, quy định lại đi lùi tại một số nước.
Tại Mỹ, gần phân nửa sông suối được xếp vào tình trạng sinh học kém. Tháng 10.2019, chính quyền của Tổng thống Donald Trump bãi bỏ quy định của người tiền nhiệm Barack Obama về việc giới hạn ô nhiễm suối, đất ngập nước và nhiều vùng nước khác. Mới đây, chính quyền Mỹ lại thay thế quy định bằng một phiên bản yếu hơn. Tương tự, tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro nới lỏng các quy định về môi trường vì lý do tăng trưởng kinh tế. Trong số những nơi bị thiệt hại có sông Amazon, dòng sông lớn nhất thế giới về lượng nước, nhiều hơn tổng lượng nước của 10 con sông lớn tiếp theo cộng lại. Vùng lưu vực sông Amazon tại Brazil hiện đã mất rừng che phủ trên khu vực bằng diện tích Cộng hòa dân chủ Congo – nước có diện tích lớn thứ 11 thế giới.

Mau chóng cứu các dòng sông

Việc thiếu các thỏa thuận về chia sẻ nguồn nước và hợp tác quản lý đối với phần lớn các vùng lưu vực xuyên quốc gia khiến quá trình hủy diệt diễn ra nhanh hơn. Nhiều nước theo đuổi các dự án bất chấp tác động xuyên biên giới và môi trường.
Một cách để bảo vệ các hệ thống sông “tương đối chưa bị thiệt hại” – như sông Amur, Congo và Salween – là cần áp dụng rộng rãi Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972, và đưa những dòng sông này vào danh sách di sản thế giới, bên cạnh những di sản thế giới của UNESCO. Điều này phù hợp với nỗ lực gần đây của một số quốc gia như Úc, Bangladesh, Colombia, Ấn Độ và New Zealand khi trao quyền pháp lý cho các dòng sông và lưu vực. Tuy nhiên, cần thực thi các sáng kiến để thể hiện hiệu quả của chúng.
Đối với những dòng sông đã bị thiệt hại, cần có biện pháp phục hồi chúng. Điều này bao gồm việc chủ động cấp nước lại cho sông và tầng ngậm nước từ nguồn nước thải đã xử lý, giải quyết tình trạng ô nhiễm, kết nối chúng với những bãi bồi, dỡ bỏ những đập quá mức và không hiệu quả cũng như áp dụng biện pháp bảo vệ các loài trong hệ sinh thái nước ngọt.
Các dòng sông trên thế giới đang chịu áp lực chưa từng có từ tình trạng ô nhiễm, xây đập và chuyển dòng. Cần hợp tác quốc tế để cứu chúng, nhưng trước hết chúng ta cần thấy rõ hậu quả của việc không hành động gì cả.