Từ SARS đến SARS-CoV-2: Virus trên động vật hoang dã có thể lây truyền đại dịch cho con người
Từ SARS đến SARS-CoV-2: Virus trên động vật hoang dã có thể lây truyền đại dịch cho con người
Nhiều bằng chứng khoa học từ đại dịch SASR đến Covid-19 (mới được Tổ chức Y tế thế giới đổi tên thành virus SARS-CoV-2) cho thấy, những ổ virus trên động vật hoang dã có thể lây truyền, gây ra đại dịch trên con người.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 24.2, bà Nguyễn Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV), cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học để thấy rõ mối liên hệ, virus trên động vật hoang dã có thể lây truyền gây đại dịch trên động vật, cũng như có khả năng gây ra đại dịch trên con người.
Theo bà Nguyễn Phương Dung, công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới chỉ ra trong khoảng 20 năm gần đây đã cho thấy, mối liên hệ rõ ràng với các ổ chứa virus trong các quần thể động vật hoang dã ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Dẫn chứng cụ thể, bà Dung cho hay, dịch SARS trong năm 2002 – 2003 lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia và khiến 774 người tử vong vốn xuất phát từ một chủng virus betacorona mới có nguồn gốc từ dơi, thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc.
Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát vào năm 2012 khiến 2.494 người lây nhiễm và làm thiệt mạng 858 người được cho là bắt nguồn từ một chủng virus corona khác truyền qua lạc đà tới con người.
Còn trên động vật, dịch tả lợn châu Phi (ASF) hoành hành ở nhiều quốc gia, tàn phá nặng nề ngành chăn nuôi lợn của nhiều quốc gia, đến nay chưa có vắc xin phòng ngừa. Tại Việt Nam, dịch bệnh khiến 5 triệu con lợn bị tiêu hủy cũng được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi.
“Còn với dịch Covid-19 hiện nay, nhiều nhà khoa học cho rằng, virus gây dịch Covid-19 có nguồn gốc từ dơi, được truyền qua một vật chủ hoang dã trung gian cho con người, dù động vật là vật chủ trung gian chưa được xác định chắc chắn, nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho rằng có thể là tê tê”, bà Dung nói.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), thông tin từ sau dịch bệnh SARS, đã có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam thu thập nhiều hơn bằng chứng chứng minh virus từ các loài động vật hoang dã dễ lây truyền cho các loài động vật khác, thậm chí lây cho con người.
Đặc biệt các loài bò sát, gặm nhấm có một lượng lớn virus thì khả năng lây truyền bệnh lớn hơn rất nhiều so với các loài động vật hoang dã khác. “Con nào càng rậm lông hoặc kiếm ăn sát mặt đất như dúi, nhím, cầy hoặc các loài bò sát như các loài rắn, tê tê… lượng virus ẩn nấp trong da, trong vảy lớn thì rất dễ lây cho các loài động vật khác hoặc lây trực tiếp cho con người”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, trước đây tuyên truyền về động vật hoang dã chủ yếu là ở khía cạnh bảo vệ đa dạng sinh học, phong phú của tự nhiên nhưng sau dịch bệnh SARS tuyên truyền tập trung nhiều hơn để cảnh báo về mối nguy lây truyền dịch bệnh, đe dọa sức khoẻ con người của các loài động vật hoang dã.
“Cán bộ xử lý các vụ bắt giữ, vận chuyển tiếp xúc với động vật hoang dã trước đây “chỉ bắt tay không” thì bây giờ có quy định phải sử dụng đồ dùng bảo hộ, ít nhất cũng phải có khẩu trang, găng tay”, ông Tùng cho hay.
Theo cảnh báo của ENV và thông tin từ Cục Kiểm lâm, thực tế ở Việt Nam vẫn có không ít người dân có thói quen, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt động vật hoang dã, đặc biệt là những loài được cảnh báo có nhiều loại virus gây bệnh nguy hiểm như tê tê, dúi, cầy…
Trong năm 2019, ENV phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trên 1.700 vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép, phần lớn đích đến trong các vụ việc đều là các nhà hàng.
“Để đến được bàn ăn, động vật hoang dã phải đi qua một quá trình từ lúc săn bắt, lưu giữ, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, nên chỉ cần một cá thể mang virus thì rất dễ lây truyền cho nhiều người”, ông Tùng cảnh báo.
PHAN HẬU
TNO