27/11/2024

Chúa Nhật VII TN A: Nên Thánh

Bài Tin Mừng mời gọi một cách sống mới, nên thánh theo tinh thần Tin Mừng, là nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Nếu cách sống cũ cho phép người ta đối xử với nhau theo luật công bằng, có vay có trả, một đền một, lấy oán đền oán, thì cách sống mới đòi buộc người ta sống khoan dung ngay cả với người ác

 

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN A

(Lv 19,1-2.17-19; 1 Cr 3,16-23; Mt 5,38-48)

NÊN THÁNH

“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

    Thiên Chúa là Đấng Thánh và Người cũng đòi hỏi dân Người phải nên thánh. Tuy vậy, tiêu chuẩn nên thánh không giống nhau trong thời Cựu Ước và Tân Ước. Các bài đọc hôm nay cho thấy những đòi hỏi và mức độ khác nhau của việc nên thánh.

1. Bài đọc 1

    Thiên Chúa đòi buộc dân Israel phải trở nên thánh thiện, vì Thiên Chúa là Đấng thánh. Và một trong những điều kiện để nên thánh là thông qua cách ứng xử với anh chị em đồng loại.

    Trước hết, nên thánh đòi hỏi không được để lòng ghét người anh em đồng bào, nghĩa là bất cứ người Israel nào khác. Không để lòng ghét nghĩa là biết quở trách với ý sửa dạy khi cần thiết, để không mang tội thiếu trách nhiệm đối với người anh em mình (x. Ed 33,7-9; Mt 18,15). Thật vậy, sửa lỗi người anh em là trách nhiệm, là cách bày tỏ tình thương đối với người đồng bào mình. Trái lại, không giúp người đồng bào sửa đổi là mang tội (x. Lv 19,17).

    Sau nữa, nên thánh còn đòi buộc không được trả thù và oán giận người anh em thuộc về dân Chúa. Tất cả những ai thuộc về dân thánh của Thiên Chúa đều không được hận thù nhau; trái lại, phải xem họ như người thân cận và yêu họ như yêu chính mình. Như thế, sự đòi buộc nên thánh vừa đòi hỏi tránh làm điều tiêu cực, như trả thù hay oán giận, vừa chủ động làm điều tích cực là yêu thương, yêu với hết khả năng như mình muốn cho mình vậy.

2. Bài đọc 2

    Thiên Chúa là Đấng Thánh; Đền thờ của Thiên Chúa là nơi thánh. Các tín hữu là đền thờ của Thiên Chúa, nơi có Thánh Thần ngự, nên cũng là thánh. Vậy nên không được phá huỷ đền thờ Thiên Chúa.

    Thiên Chúa là Đấng Thánh: đó là mạc khải căn bản và quan trọng của Thiên Chúa cho dân của Người (x. Lv 19,2; Is 6,3; Tv 99,5.9). Đồng thời, nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà dân đến để thờ phượng Người, là nơi thánh và những vật dùng để thờ phượng Người cũng phải được thánh hiến (x. Xh 25-31). Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh nên dân mà Người đã chọn và tách ra khỏi các dân để thuộc về Người (x. Lv 20,26), cũng phải nên thánh, phải thánh thiện (x. Lv 11,44-45).

    Đối với thánh Phaolô, tất cả những ai đã được thánh hiến nhờ bí tích Rửa Tội, được trở nên Kitô hữu nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần, đều là đền thờ của Thiên Chúa, là nơi thánh Thiên Chúa ngự. Vì thế, nếu ai phá huỷ đền thờ Thiên Chúa bằng một lối sống không phù hợp, đều sẽ bị Thiên Chúa tiêu diệt (x. 1 Cr 3,17). Quả vậy, không ai được dựa vào sự khôn ngoan của mình, sự khôn ngoan theo thói đời, mà tự hào, vì tất cả mọi sự đều phát xuất từ Đức Kitô. Nhờ Người mà bất cứ điều gì, dù là cả thế gian này, dù sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai, đều thuộc về những ai gắn bó mật thiết với Người.

    Gắn bó mật thiết với Đức Kitô, được thánh hiến nhờ ơn Chúa Thánh Thần, để nên thánh và trở nên đền thờ của Thiên Chúa, là lý tưởng của cuộc đời người Kitô hữu.

3. Bài Tin Mừng

    Bài Tin Mừng mời gọi một cách sống mới, nên thánh theo tinh thần Tin Mừng, là nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

    Nếu cách sống cũ cho phép người ta đối xử với nhau theo luật công bằng, có vay có trả, một đền một, lấy oán đền oán, thì cách sống mới đòi buộc người ta sống khoan dung ngay cả với người ác; không những không chống cự người ác hay sự xấu mà còn chấp nhận chịu thiệt thòi, lấy ân trả oán. Lối sống mới thôi thúc người ta sẵn sàng trao ban mà không tính toán hơn thiệt, cũng như không bao giờ từ chối bất cứ yêu cầu nào từ người khác. Nếu luật cũ xác định bạn thù rõ ràng và áp dụng nguyên tắc yêu bạn mà ghét thù, thì luật mới đòi buộc người ta yêu thương cả kẻ thù, thậm chí cầu nguyện cho những kẻ đối xử tệ với mình.

    Lối sống theo luật mới là đòi buộc dành cho những ai là con cái của cùng một Cha trên trời, Đấng tỏ lòng khoan dung với người tốt và kẻ xấu; Đấng đối xử nhân ái với người công chính lẫn kẻ bất lương. Nếu Thiên Chúa yêu thương và không phân biệt đối xử với bất kỳ ai, thì người môn đệ cũng được thôi thúc yêu thương cả những người không yêu mình và đối xử tốt với cả dân ngoại. Đó mới là lối sống mới theo đường lối hoàn thiện của Thiên Chúa Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Và đó cũng là đường lối nên thánh theo tinh thần Tin Mừng.

 

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Thiên Chúa là Đấng Thánh nên Người đòi buộc dân Người cũng phải nên thánh. Tiêu chuẩn nên thánh được cụ thể hoá qua cách đối xử với những người thuộc về dân Chúa: không những không được để lòng ghét họ, không được nuôi hận thù, mà còn phải yêu họ như chính mình. Sống tốt với anh chị em đồng loại, tránh thái độ thù ghét và đối xử với họ bằng lòng nhân ái, là đường lối nên thánh mà Thiên Chúa hằng mong mỏi.

2/ Đối với thánh Phaolô, mỗi Kitô hữu là đền thờ của Thiên Chúa, nơi có Chúa Thánh Thần ngự. Vì thế, họ có bổn phận giữ gìn đền thờ là thân xác mình, điều chỉnh lối sống mình để xứng đáng là nơi thánh cho Thiên Chúa ngự. Cách thiết thực, các Kitô hữu được cảnh báo không tự lừa dối bản thân khi tự hào cho mình là khôn ngoan vì đối với Thiên Chúa, sự khôn ngoan của con người chỉ là “cơn gió thoảng ngoài”. Trái lại, trong Thiên Chúa và Đức Kitô, họ được ban cho tất cả, đến nỗi dù sự sống hay sự chết, dù hiện tại hay tương lai, không có gì tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô (x. Rm 8,38-39).

3/ Chúa Giêsu công bố một đường lối nên thánh mới theo gương mẫu của Thiên Chúa Cha là Đấng hoàn thiện. Chúa Giêsu đã triệt để sống theo đường lối mới này, khi bày tỏ tình yêu thương và sự tha thứ ngay cả cho kẻ giết mình. Các Kitô hữu cũng được mời gọi nên thánh theo đường lối Tin Mừng: yêu thương, tha thứ và bao dung với tất cả mọi người, dù họ là ai, tốt hay xấu, bạn hay thù. Đó là con đường nên thánh mới mà Chúa Giêsu mong mỏi các Kitô hữu thực thi trong cuộc sống hàng ngày.

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha rất nhân từ đã cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Tin tưởng vào tình thương bao la của Thiên Chúa và với khát khao được nên trọn lành như Người, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

  1. Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Hãy làm lành cho những kẻ ghét các con”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Hội Thánh đang phải đối diện với cáo buộc của những kẻ chống đối, để Hội Thánh luôn trung thành với giáo huấn của Thầy chí thánh hầu trở nên dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.
  2. Hận thù và bạo lực là kẻ thù của hoà bình thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới biết vượt qua những khác biệt về sắc tộc hay tôn giáo, dùng con đường đối thoại và hoà giải để giải quyết những tranh chấp bất đồng, sẵn sàng hợp tác nhằm phát triển và nâng cao đời sống con người.
  3. Dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại lớn lao về sức khoẻ lẫn kinh tế cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người biết liên đới với nhau để đẩy lui dịch bệnh, hạn chế những thiệt hại cho cá nhân và xã hội; cho các Kitô hữu luôn sống tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.
  4. “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình và từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn nỗ lực nên thánh, bằng việc chuyên chăm học hỏi và sống lời Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích, và tích cực thực thi bác ái trong cuộc sống.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu xin và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn xứng đáng là khí cụ bình an của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 Ban MVPT TGP