24/12/2024

Chúa Nhật IV TN A 2020 – Lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh: Toả sáng trong đời

40 ngày sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta mừng lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh như để hoàn tất mầu nhiệm nhập thể làm người mà chúng ta thực hiện trong cuộc đời mỗi người.

 

Chúa Nhật IV TN A 2020 – Lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh

Toả sáng trong đời

 

Lời mở

40 ngày sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta mừng lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh như để hoàn tất mầu nhiệm nhập thể làm người mà chúng ta thực hiện trong cuộc đời mỗi người.

1. Đức Giêsu vào đền thánh Giêrusalem để thanh tẩy và thánh hoá

Thiên Chúa dựng nên toàn thể vũ trụ, trong đó có các thiên thần và loài người. Có thể nói tất cả vũ trụ đều là thánh điện của Chúa, đều tốt lành và thánh thiện như Chúa. Nhưng khi dựng nên thiên thần và loài người và ban cho họ tự do của tinh thần giống như Ngài, thì họ đã dùng tự do để khước từ Thiên Chúa, để cắt đứt mối hiệp thông với Ngài (x. Sách Giáo lyá Hội thánh Công giáo-GLHTCG- số 391-395). Tội lỗi đã làm cho con người và vũ trụ bị huỷ hoại, không còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô biên, quyền năng vô tận và tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa. Vì thế, do tình yêu thương vô bờ, Thiên Chúa đã quyết định nhờ Ngôi Lời, là Con Một của Ngài, đến trần thế này, trở thành con người để cứu độ tất cả qua mầu nhiệm Giáng Sinh. Ngày lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ hôm nay chính là tận diểm của mầu nhiệm làm người.

Thiên Chúa Ngôi Lời đi vào trong thế giới, vào trong thánh điện của Người để thanh tẩy và thánh hoá. Tiên tri Malakhia trong Bài đọc I (x. Ml 3,1-4) đã gợi ý cho chúng ta rằng: “Sứ giả của Thiên Chúa, là chính Đức Giêsu, đã đi vào trong thánh điện của Người, Người đã muốn thanh tẩy toàn thể như lửa tinh luyện vàng bạc, như thuốc tẩy của người thợ giặt để thanh tẩy cho khỏi những vết nhơ tội lỗi, biến đổi tất cả thành những kẻ dâng lễ vật theo lẽ công chính”.

Chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu nói rằng “Đền thờ Giêrusalem chính là thân xác của Người” (x. Ga 2,19-21). Người nói với người Do Thái rằng: “Hãy phá huỷ đền thờ này đi, nội 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Mt 26,61; Mc 14,58). Khi nói đến hiến tế ở đền thờ, Người muốn ám chỉ thân xác của Người và cũng là thân xác của mỗi người chúng ta, cũng thuộc về vũ trụ vật chất này. Nhờ cái chết và cuộc sống lại, Chúa Giêsu đã thanh tẩy chúng ta, đã giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ cho ma quỷ, đã giúp chúng ta trở thành những con người tự do. Thư gửi Do Thái hôm nay (x. Dt 2,14-18) nhắc chúng ta rằng: “Nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ”.

Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện mặc thấy thân xác, tự nguyện đón nhận tất cả những luật lệ của thân xác bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian để giúp chúng ta trở thành những con người tự do, thuộc về thiên Chúa. Khi Người đưa thần tính kỳ diệu của Thiên Chúa vào thân xác, vào vũ trụ vật chất này, Người không chỉ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi những vết nhơ, khỏi những ràng buộc của luật lệ mà còn giúp chúng ta được thánh hoá, để biến đổi chúng ta từ vật chất thấp hèn trở thành những gì thuộc về Thiên Chúa cao sang. Thư gửi Do Thái cũng nhắc nhở chúng ta: Làm người như chúng ta, “Người nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa hầu đền tội cho muôn dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”.

Bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc, 2,22-32) trình bày các ý nghĩa trên đây qua việc Đức Giêsu đi vào đền thánh Giêrusalem như vị Thiên Chúa cụ thể để hoàn thành lời hứa Chúa đối với dân tộc Israel và toàn thể vũ trụ. Người đến để “thanh tẩy’ như luật Moisê quy định và cũng để thánh hoá khi tiến dâng chính mình và vũ trụ mà Người nhận lấy qua thân xác mình như một lễ vật, tượng trưng qua đôi chim gáy hay cặp bồ câu non.

2. Những ngọn nến đời toả sáng

Dịp lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, Giáo Hội có nghi thức làm phép những cây nến để nhắc nhở mỗi người tín hữu là cây nến sống động. Những cây nến ấy được dâng hiến cho Thiên Chúa, đã được thắp sáng bởi Thánh Thần để luôn luôn toả sáng. Muốn toả sáng thì chất dầu, chất sáp trong cây nến phải tiêu tan đi. Đó là gợi ý cho đời sống hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn chịu đựng của ta, khi ta mang thân xác hèn yếu này, giống như Chúa Giêsu, ta cũng phải chịu đói khát, tật bệnh, những cám dỗ của bản năng và ma quỷ, cũng chịu ảnh hưởng của môi trường độc hại và cuối cùng là cái chết như Người.

Cả thế giới đang lo về dịch bệnh virus Corona mới bắt nguồn từ Vũ Hán bên Trung Quốc. Tính đến hôm qua (1/2/2020), mới chỉ 1 tuần, đã có hơn 200 người chết và 11.000 người nhiễm bệnh. Rất nhiều nước đã phải đóng cửa biên giới để không cho dịch bệnh lan rộng, phải cách ly những người từ Trung Quốc về, cũng như không đón nhận người Trung Quốc vào. Điều đó như gợi ý cho con người chúng ta: khi mang lấy thân xác, chúng ta phải đón nhận tất cả những luật lệ của thân xác. Nhưng vì thân xác ta đã được thánh hoá, nhờ Chúa Giêsu đón nhận nó, đã được dâng hiến trong đền thờ và trở thành một lễ vật thật sự hoàn hảo thuộc về Thiên Chúa, nên ta không được coi thường thân xác.

Trong suốt 20 thế kỷ bị ảnh hưởng của thuyết Nhị Nguyên (hai nguồn) theo triết lý  Hy Lạp và Rôma: tinh thần thuộc về thần linh, còn thân xác thuộc về quỷ dữ, nên người ta coi thường thân xác. Ngay cả trong Giáo hội Công giáo, tín hữu được dạy  “xác thịt là một trong ba kẻ thù”, các tu sĩ phải đánh tội hằng đêm bằng dây thắt lưng, có khi còn thêm móc sắt vào để làm cho thân xác phải đau đớn. Người ta cho rằng cần phải làm chủ thân xác bằng cách đánh đập, nhịn ăn uống – nhất là trong Mùa Chay – và thân xác càng suy yếu, tàn tạ thì tinh thần càng vươn cao.

Công đồng Vaticanô II, trong số 14 của hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng, mời gọi ta nhìn lại “con người là một thể duy nhất với thân xác và tinh thần” (x. GLHTCG, số 362-368). Thân xác cũng là do Chúa dựng nên chứ không phải do ma quỷ, dù rằng thân xác chúng ta bị kiềm chế bởi tham vọng và dục vọng. Ta phải tôn trọng (x. GLHTCG, số 1003, 2301), chăm sóc (x. GLHTCG, số 2289), yêu thương, làm thế nào cho cả xác hồn được phát triển mạnh mẽ để từng giây phút sống, ta đều toả sáng như ngọn nến, dù ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ tuổi nào.

Chúng ta toả sáng, không phải chỉ nhờ cố gắng tự nhiên của con người như ăn uống điều độ, học hành chăm chỉ, làm việc hiệu quả…mà còn nhờ ơn Chúa. Giống như ông già Simêon và bà tiên tri Anna, nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, khi bế hài nhi Giêsu trong tay, hiểu được rằng Thiên Chúa đã trở thành con người, dù có bé nhỏ, tầm thường, yếu đuối. Từ đó, ta tôn trọng thân xác của mình cũng như của người khác, nhìn ra Thiên Chúa đang ở trong thân xác yếu hèn ấy để yêu thương, chăm sóc, đón nhận, phục vụ. Khi ta làm cho thân xác của mình và của người tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn là ta đang làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa toả sáng quanh ta. Một nụ cười thân tình, một lời nói tích cực, một cử chỉ bác ái diễn tả bằng thân xác, đều là những ánh sáng toả ra cho muôn loài, nhờ đó họ nhận biết Thiên Chúa đang ở trong ta và muốn cứu độ mọi người “vì tất cả chúng ta là con cái ánh sáng” (x. 1Tx 5,5).

Lời kết

Hôm nay ta dâng hiến cho Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu, qua bàn tay của Mẹ Maria và Thánh Giuse, tất cả cuộc đời của mình: thân xác, linh hồn, thời giờ, tài năng tinh thần, phương tiện vật chất để từng giây phút sống, ta đều toả sáng trong đời.

HKK