Các Giáo hoàng viếng thăm Trại Tập trung Auschwitz-Birkenau
Đã có ba vị Giáo hoàng đến thăm viếng Trại Huỷ diệt Auschwitz-Birkenau. Ngày 07/06/1979, Thánh Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ tại đó. Sau đó, vào ngày 28/05/2006, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đến thăm trại tử thần của Đức Quốc xã ở Ba Lan. Và cuộc hành trình thầm lặng của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 29/07/2016. Những cuộc hành trình cách nhau bởi tháng năm, nhưng được kết hợp bằng lời cầu nguyện. Các bước đi của thánh Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô cũng đan xen với những dấu chân của cuộc sống bị phá huỷ bởi sự tàn ác mù quáng chiến thắng cái chết. Giống như Thánh Maximilian Kolbe, người đã hiến mạng sống của mình ở Auschwitz để cứu người vô tội khác.
Cuộc viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II
Cử hành thánh lễ tại Trại Tập trung Auschwitz-Birkenau, Thánh Giáo hoàng Wojtyła nhắc lại rằng nơi này “được xây dựng trên sự thù hận và khinh miệt của con người nhân danh một ý thức hệ điên rồ”. Đó là một “nơi được xây dựng trên sự tàn ác” cánh cửa vào có dòng chữ: “Arbeit macht frei” – “Lao động làm cho bạn tự do”. Một dòng chữ, với “âm điệu giễu cợt” vì nội dung của nó “hoàn toàn trái ngược” bởi những gì đã xảy ra ở đó. Tại đồi “Golgotha của thế giới đương đại” này, Thánh Giáo hoàng người Ba Lan đã quỳ gối trước những ngôi mộ phần lớn là không tên tuổi. Auschwitz là một “bằng chứng của chiến tranh”, mang đến “sự gia tăng không cân xứng trong hận thù, hủy diệt và tàn ác”.
Cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI
Trong chuyến tông du Ba Lan năm 2006, Đức Bênêđictô XVI đã đến thăm trại tập trung của Đức quốc xã. Một “nơi kinh hoàng, tích luỹ tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại con người, không có nơi nào trong lịch sử sánh bằng”. Ngài nhắc rằng “Thánh Gioan Phaolô II đã ở đây với tư cách là người con của Ba Lan. Hôm nay tôi ở đây với tư cách là người con của dân tộc Đức.” “Người con của một nhóm tội phạm đạt được quyền lực thông qua những lời hứa dối trá, nhân danh triển vọng vĩ đại, lấy lại danh dự của quốc gia và sự nổi tiếng của nó, với những dự đoán hạnh phúc và cũng với lực lượng khủng bố và đe doạ, để người dân của chúng ta có thể bị sử dụng và lạm dụng như một công cụ của mong muốn hủy diệt và thống trị của họ.” Ngài nhấn mạnh: “Nơi chúng ta đang ở là một nơi của ký ức, đó là nơi của Shoa. Quá khứ không bao giờ chỉ là quá khứ. Nó liên quan đến chúng ta và chỉ cho chúng ta những cách thế không được làm và những điều cần được thực hiện.”
Cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô
Sự im lặng và lời cầu nguyện đã đánh dấu những khoảnh khắc trong chuyến viếng thăm Trại Tập trung Auschwitz-Birkenau của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm 2016. Đức Giáo hoàng Phanxicô đi bộ, từ từ đi qua tấm bảng khét tiếng “Arbeit macht frei” – “Lao động làm cho bạn tự do”. Trong quảng trường, nơi các tù nhân Đức quốc xã bị treo cổ, ngài chạm và hôn một trong những cây dầm nâng đỡ cấu trúc được sử dụng cho việc treo cổ. Ở lối vào “Khối 11”, ngài gặp 10 người sống sót của Shoah. Sau những giây phút trao đổi những ánh nhìn, những cái vuốt ve, những cái ôm, những cái bắt tay, Đức Giáo hoàng từ từ đi về phía bức tường xử bắn. Ngài giơ tay chạm nó và đứng im trong giây lát. Ngài để lại một ngọn nến ở đây. Đức Phanxicô đứng một mình, im lặng thật lâu, chìm đắm trong cầu nguyện.
Cuối cùng, Đức Phanxicô lên xe điện và đi dọc theo đường ray xe lửa mà những đoàn xe mang những người bị đi đày đến trại. Trong trại Birkenau, Đức Giáo hoàng đi bộ trước mỗi 23 tấm bia tưởng niệm của Đài Tưởng niệm Quốc tế để tưởng nhớ các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít. Đó là những phút im lặng, chỉ bị gián đoạn bởi tiếng khóc của một đứa trẻ. Khoảnh khắc cuối cùng của chuyến thăm là cuộc gặp gỡ với 25 người nam nữ, những người không để sự ác chiến thắng họ.