21/12/2024

Cẩm Nang Hành Khất Đức Kitô

Cẩm Nang Hành Khất Đức Kitô

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

LỜI GIỚI THIỆU

Trước tình trạng nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi trò chơi trực tuyến của Võ Lâm Truyền Kỳ, và ngay cả người lớn cũng mê mẫn những truyện kiếm hiệp, chúng tôi muốn mở một sân chơi cho nhiều người để đáp ứng khát vọng sống đẹp, sống hùng.

Trò chơi lớn này có tên gọi Hành Khất Kitô. Chơi để sống đúng, sống ích lợi cho người khác, nhất là cho những người yếu kém trong xã hội hiện nay.

Đất nước ta đang có hơn 82 triệu dân mà 60% dân số thuộc về người trẻ từ 24 tuổi trở xuống. Nhiều bạn trẻ muốn sống đúng, sống tốt, sống hào hùng nhưng lại không biết nguồn chân thiện mỹ là ai. 51% dân số là phụ nữ mà nhiều người bị bạo hành trong gia đình vì hiện có hơn 20 triệu người uống rượu và nghiện rượu, 26% dân số sống dưới mức nghèo khổ trong khi một thiểu số giàu có ăn chơi hết sức xa hoa. Hơn 5 triệu người khuyết tật, hơn 3 triệu người goá bụa sống hết sức khó khăn, 263.000 người nhiễm HIV-AIDS, 160.000 người nghiện ma tuý đang tìm cách phục hồi cuộc sống… Tất cả đang giang tay kêu cứu.

Bạn có muốn cùng với những người Hành Khất Kitô lên đường đến với họ không?
Chúng tôi tha thiết kêu mời!

HÀNH KHẤT KITÔ LÀ AI?

* Họ là những người tự nguyện tham gia vào một trò chơi lớn, chơi để sống (game in life), chứ không nhốt mình trong không gian ảo của máy tính với trò chơi trực tuyến (game online).

* Trong lịch sử chiến đấu của nhiều dân tộc, nhất là của Trung Hoa, các người ăn xin họp thành Cái Bang.  Họ là những người giàu lòng nhân ái, tinh thông võ nghệ, bảo vệ kẻ yếu, diệt gian trừ bạo, hành hiệp giang hồ.

* Trong lịch sử Giáo Hội Thiên Chúa giáo, những người hành khất nổi tiếng như Phan Sinh, Đa Minh… với lưỡi gươm thần diệu là Lời Tin Mừng (x. Ep 6,17) đã chiến thắng gian tà cách lạ lùng.

* Những hành khất Kitô thời nay cũng thế. Họ nhận Đức Giêsu là bang chủ và sống theo tinh thần nghèo khó của Người. Họ ăn mặc giản dị, học hành chăm chỉ, làm việc hăng say, liên kết với nhau thành từng nhóm để bảo vệ nhau chống lại sức cám dỗ của vật chất, của tệ nạn xã hội và cuộc sống hưởng thụ ích kỷ đang phổ biến khắp nơi.  Có bao giờ bạn gặp họ không?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN RA HỌ ?

Nếu bạn gặp một người  đội chiếc nón lá cũ rách ngồi ăn xin ở cuối thánh đường vào ngày chủ nhật họ có thể, và có khi không phải, là Hành Khất Kitô.

Nhưng nếu người đó mỉm cười nhìn bạn chìa chiếc gáo dừa có hình trái tim cho bạn rồi chúc bạn một ngày vui mà chẳng xin gì cả thì chắc chắn đó phải là một Hành Khất Kitô.

Nếu bạn đến nhà trọ của sinh viên nào đó, biết cha mẹ người ấy là một doanh nhân giàu có hay quan chức cấp cao.  Và bạn ấy lại chỉ sống đơn nghèo với đồng tiền kèm trẻ, mỗi đêm về dành vài phút tự kiểm, suy tư bên bát gáo dừa và cuốn Phúc Âm nho nhỏ, thì chắc chắn đó phải là một Hành Khất Kitô.

Nếu bạn đến thăm ngôi biệt thự sang trọng của một bác đứng tuổi nào đó, thấy cuốn Tin Mừng đặt trong lòng bát gáo dừa và bạn nghe bác ấy bảo rằng:  Cẩn thận với những thứ đó, nghe con!  Thì trong nhà đó, có thể có một Hành Khất Kitô.

Nếu bạn tình cờ ngồi bên cạnh một cô thiếu nữ trên chuyến du lịch hay cuốc xe buýt đến trường thấy trong giỏ sách của cô có cuốn Cẩm nang Hành khất.  Rồi thiếu nữ ấy mỉm cười hồn nhiên nhìn bạn với ánh mắt trong sáng đầy tự tin thì đó có thể là một Hành Khất Kitô.

VÀI DẤU HIỆU CỦA HÀNH KHẤT KITÔ

1. Dấu hiệu cơ bản của họ là tinh thần nghèo khó, thể hiện qua cách sống đơn giản, lời nói chân thành, cử chỉ khiêm tốn, để có thể hoà nhập trọn vẹn vào đời sống cộng đồng xã hội như Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người.

2. Dấu hiệu phụ thuộc là một vài đồ dùng vật chất để nhắc nhở tinh thần nghèo khó trên đây:

+ Bát ăn xin: bằng sọ dừa cắt ngang in chữ Hành Khất Kitô với hình trái tim. Bát này là một dấu hiệu được cất giữ trong nhà, nhưng có thể mang theo khi đi đường, đi họp như một dấu hiệu để nhận ra nhau, hoặc gõ vào bát theo tín hiệu SOS để bạn bè tìm đến cứu giúp.

+ Sách Tin Mừng: bằng bất cứ ngôn ngữ nào để nhắc nhở hành khất sống theo Lời Chúa và gặp Ngôi Lời Thiên Chúa mỗi ngày.

Đây là võ lâm bí kíp thiêng liêng mà Hành khất Kitô luyện tập để có khả năng cứu giúp người nghèo khó, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ theo gương Đức Giêsu: Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy (x. Mt 10,8).

+ Cẩm nang Hành khất: ghi nhớ một số điều cần thiết để sống mỗi ngày theo đúng tinh thần của Hành khất Kitô.
+ Túi xách hành khất: túi vải có hình trái tim và dòng chữ Hành khất Kitô.

HÀNH KHẤT CA

Mỗi ngày sống ta như người hành khất
Nhận muôn ơn từ Thiên Chúa yêu thương
Bát ăn xin ta vui vẻ lên đường
Đem chia sẻ cho những ai thiếu thốn.

Đường thánh giá tình yêu như hoà trộn
Đường khó nghèo ta tiếp bước Giêsu
Bỏ đam mê danh lợi, bỏ hận thù
Thành con Chúa qua cuộc đời tự huỷ (x. Pl 2,7-8).

Gươm thần diệu ta dấu trong tâm trí
Lời Tin Mừng ta vận khí phóng ra (x. Ep 6,17)
Sống công minh, diệt hết bọn gian tà
Biết hoà hợp với muôn người, muôn vật.

Theo Kitô ta sống đời hành khất
Thôi thúc người biết quảng đại cho đi
Một trăm năm cuộc sống có lâu gì!
Vào đời trắng, lìa đời tay vẫn trắng!

MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

1. Là hành khất, sống tinh thần nghèo khó
2. Theo Giêsu với tất cả tấm lòng.
3. Sáng dâng ngày như chiến sĩ oai phong
4. Tối tự kiểm, chuẩn bị cho ngày mới
5. Sống liên đới cùng giúp nhau tiến tới
6. Gặp gỡ nhau mỗi tháng một đôi lần
7-8. Học hỏi nhiều, thăng tiến chính bản thân
9-10. Dám từ bỏ, hy sinh vì đại nghĩa.

TÔI CHỌN BANG CHỦ GIÊSU

* Tôi chọn Đức Giêsu Kitô vì Người là Thiên Chúa giàu có vô song, đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì chúng tôi để lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng tôi trở nên giàu có (x. 2 Cr 8,9; Pl 2,6-11).

* Tôi chọn Đức Giêsu Kitô vì Người đã sinh ra trong cảnh khốn cùng (x. Lc 2,7), sống bằng lao động chân tay (x. Mc 6,3) và đón nhận sự thiếu thốn (x. Mt 8,20) khi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho người nghèo khó (x. Lc 4,18-19).

* Tôi chọn Đức Giêsu Kitô vì Người đã nhiều lần cứu giúp các người ăn xin tàn tật, khó nghèo (x. Mc 10,46-52; Ga 9,8; Cv 3,1-11).

* Tôi chọn Đức Giêsu Kitô vì Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, mặc lấy thân phận nô lệ, bằng lòng chịu chết trên thập giá (Pl 2,1-8) và đã sống lại vinh quang để dạy người hành khất chúng tôi bài học khiêm tốn và từ bỏ chính mình.

THỐNG NHẤT ĐỜI SỐNG

* Con người có những sức mạnh kỳ diệu mà ta không thể ngờ tới.

Một cụ già nằm liệt giường, làm việc gì cũng cần người giúp đỡ. Thế mà khi căn nhà sắp bị cháy, cụ vùng chỗi dậy, ôm cả bao đồ nặng chạy ra ngoài và không còn bị liệt.

Một sinh viên bình thường mỗi ngày cần ngủ 6-7 tiếng, nhưng khi đến gần ngày thi, quyết tâm học tập, mỗi ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng mà không bị mệt. Khi hai yếu tố thể xác và tinh thần kết hợp chặt chẽ với nhau là có thể tạo nên sức mạnh khủng khiếp biến con người thành những “siêu nhân”.

* Người hành khất Kitô hiểu rằng ngoài hai yếu tố thông thường trên, còn yếu tố thứ ba là ơn Chúa, yếu tố thứ tư là môi trường vũ trụ, yếu tố thứ năm là các thần thánh trên trời và các người đã khuất. Nếu ta kết hợp được các yếu tố đó: ta trở thành mạnh mẽ và kỳ diệu vô song. Trong lịch sử các dân tộc, các tôn giáo, không thiếu những khuôn mặt phi thường như thế. Do đó bài học thống nhất đời sống rất quan trọng đối với người hành khất Kitô.

* Thống nhất đời sống là quy hướng tất cả con người mình với khả năng, ân sủng và những mối tương quan đa dạng vào Chúa Giêsu Kitô như một điểm hội tụ duy nhất. Thánh Phaolô đã từng nói: “Tất cả đều thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (x. 1Cr 3,22-23).

* Con đường thống nhất đời sống đã được Đức Giêsu vạch ra thành một số bước cơ bản sau đây:

– Từ bỏ chính mình với những tội lỗi, tham vọng và dục vọng.
– Hiểu rõ chính con người mình với cấu trúc phức tạp và các mối tương quan rộng lớn của nó.
– Tổ chức và quản lý đời sống bằng những kỹ năng hữu hiệu và kế hoạch cụ thể cho mỗi thời gian sống.
– Quy hướng tất cả về Chúa Giêsu nhờ tác động của Thánh Thần Tình Yêu.

4 NGUYÊN TẮC SỐNG

Hành khất Kitô biết tổ chức đời mình theo 4 nguyên tắc tinh thần sau đây:

Tinh thần thảo hiếu đối với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ, các Thánh nhân, Ông bà, Tổ tiên, Dân tộc. Lòng thảo hiếu được diễn tả qua các việc đạo đức và sinh hoạt thường ngày.

Tinh thần huynh đệ đối với anh em trong quan hệ tương thân tương ái đối với mọi người, sống theo 10 Điều Răn (Xh 20,1-21) và 8 Mối Phúc (x. Mt 5,1-10).

Tinh thần huynh trưởng đối với vạn vật (x. St 1,28) để có thể loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (x. Mc 1,15) bằng cách học hỏi để hiểu biết, làm chủ thiên nhiên và sống đơn giản trong tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu.

Tinh thần tự chủ đối với chính mình trước những tham vọng, dục vọng để phát huy những tài năng, phương tiện, thời gian, ân sủng Chúa ban trong đời sống trần thế qua những hành động thường ngày, từ bỏ mình để Đức Giêsu hoàn toàn sống trong mình: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

THĂNG TIẾN BẢN THÂN VÀ CỘNG ĐỒNG

Mỗi hành khất Kitô được mời gọi luôn tự đào luyện, học tập để thăng tiến toàn diện bản thân cũng như để phát triển cộng đồng hướng về một nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống.  Nhằm mục đích đó, các khoá học hỏi, đào tạo, hội thảo, gặp gỡ, trại huấn luyện sẽ được mở ra. Tham dự các khoá học này, các hành khất Kitô sẽ có khả năng phục vụ và điều hành cơ cấu tổ chức.

Mỗi khi tham dự các hoạt động tương tự, hành khất Kitô sẽ nhận được giấy chứng nhận để thăng tiến bằng các loại hình điểm số hay cấp bậc.

TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG

Hành khất Kitô được mời gọi thực hiện những hành động sau đây:

* Mỗi ngày:
– Sáng: Dâng ngày sống cho Đức Giêsu (5 phút).
– Tối: Tự kiểm cuối ngày: tạ ơn – xin lỗi và đặt chương trình cho ngày hôm sau (10 phút).
– Trong ngày: học hành, làm việc và sống theo 4 nguyên tắc tinh thần. Thỉnh thoảng tập thở khí thiêng để hồi phục sức khoẻ.

* Mỗi tuần:
Gặp gỡ bạn bè trong tổ ít là 1 lần để giúp nhau sống đúng tinh thần Hành khất Kitô. Tổ trưởng điều hành cuộc họp.

* Mỗi tháng:
– Vào ngày cuối tháng gặp riêng Bang chủ Giêsu để tổng kết tháng sống và đặt chương trình sống cho tháng mới (khoảng 1 giờ).
– Gặp gỡ các bạn trong đội một lần để sống liên kết với nhau, cùng học hỏi, vui chơi, nhận định về nhau, cùng giúp nhau tiến tới. Tìm ra một vài công tác xã hội để giúp người yếu kém trong địa phương mình sống. Đội trưởng điều hành cuộc họp.

* Mỗi năm:
– Hành khất Kitô dành một vài ngày tĩnh tâm riêng với Đức Giêsu để tổng kết năm sống và hoạch định kế hoạch năm mới. Có thể tĩnh tâm chung với nhau nhưng vẫn thực hiện công tác này.
– Chọn ngày Chúa Giáng sinh 25-12: ngày kỷ niệm Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành Đức Giêsu Nazareth như ngày quan trọng nhất. Hành khất Kitô cùng vui chơi, suy niệm lại Mầu nhiệm Nhập Thể – Nhập Thế của Người và học tinh thần nghèo khó, từ bỏ chính mình để phát huy sự sống toàn diện.
 

NGÀY SỐNG MỚI

* Mặt trời bắt đầu toả sáng và sưởi ấm cho tôi. Đàn ong cần mẫn đã bay đi hút mật trên hoa me, hoa phượng. Lá cây đang toả ra dưỡng khí và đoá hồng đang toả hương thơm cho làn khí tôi thở có thêm tình yêu của vạn vật. Tôi cần phải dậy ngay để hoà mình cùng muôn vật, muôn loài với trách nhiệm của người anh cả mà Tạo Hoá giao cho.

* Bác nông dân đã ra đồng từ tờ mờ sáng chăm bón cho cây lúa đơm bông để nồi cơm tôi ăn thơm mùi gạo mới. Chị công nhân đã vào ca dệt để chuẩn bị những thước vải cho quần áo tôi may. Tôi phải sống một ngày mới với trách nhiệm làm người.

* Tôi nhanh nhẹn quỳ ngay xuống chân giường trước mặt Đức Giêsu như người hiệp sĩ nhận lệnh từ vị tướng chỉ huy của mình. Trong niềm kính yêu và biết ơn vô hạn vì tất cả được tạo dựng nhờ Người và cho Người (x. Ga 1,3; Cl 1,15-16), tôi muốn dành cho Người hành động đầu tiên của ngày sống vì Người là Thiên Chúa của tôi (x. Ga 20,28).

* Tôi đọc kinh dâng ngày để xin Người chúc phúc và thánh hoá ngày sống của tôi cho nó được hoà nhập vào công trình cứu độ của Người.

Lạy Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu,
con nhờ Trái tim Vẹn sạch Đức Bà Maria,
mà dâng cho trái tim Chúa:
mọi lời con cầu xin,
mọi việc con làm,
mọi sự khốn khó con chịu trong ngày hôm nay.
Cho được đền vì tội lỗi con
mà cầu nguyện theo thánh ý Chúa.
Khi dâng mình tế lễ trên bàn thờ
con lại dâng các sự ấy cho Trái Tim Chúa
có ý cầu nguyện cách riêng theo ý Đức Giáo Hoàng
. Amen”.

KHÍ CÔNG

* Chúng ta thường lo ăn chứ ít ai lo uống và hầu như không mấy ai lo thở. Khí thở rất quan trọng giúp ta sống khoẻ, sống đẹp, sống dồi dào. Nhiều người đã không biết bảo vệ làn khí trong lành của môi trường sống. Mỗi ngày ta cần tối thiểu hơn 10.000 lít dưỡng khí và chỉ cần 5 phút thiếu khí là bộ não khó lòng hồi phục.

* Khí trời được đưa vào các túi chứa khí gọi là phế nang trong phổi và ở đây máu đen nhận được oxy biến thành máu đỏ để chuyển đến mọi tế bào trong cơ thể. Bộ não của ta tuy chỉ to bằng nắm tay nhưng lại cần nhiều khí hơn cả, chiếm tới 1/5 lượng khí thở. Chính nơi đây hàng chục tỷ tế bào thần kinh phát lệnh đi khắp thân thể, làm cho các bộ phận hoạt động và giúp con người suy nghĩ, tưởng tượng…

* Mỗi lần tập thể dục ta nên thở mạnh, thở nhiều theo các động tác để tăng cường khí cho buồng phổi của mình.

* Ta có thể tập thở mỗi ngày 5-10 phút theo nhịp 4 thì (hít vào – ngưng – thở ra – ngưng) thay vì 2 thì thông thường (hít vào – thở ra). Nhịp ngưng đầu là giúp cho các phế nang lép được khí nén lại làm phồng lên. Nhịp ngưng sau là giúp giải toả áp lực của nhịp ngưng đầu cho buồng phổi và áp suất của tim trở lại bình thường. Nhịp ngưng có thể kéo dài 4 giây – 6 giây – 8 giây sau một vài tuần tập, bằng cách đếm thầm khi tập. Buồng phổi sẽ có nhiều khí khi có nhiều phế nang mở ra.
Việc tập thở này chỉ cần kéo dài một vài tháng là sức khoẻ tăng triển, đầu óc minh mẫn và ta tăng cường được chất lượng đời sống.

THỞ KHÍ THIÊNG

* Người ta nói đến khí thiêng của đất trời, của núi sông, của anh hùng (x. St 1,26):

Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất.
(Nguyễn Công Trứ)

* Hành Khất Kitô ngoài việc luyện khí công hít thở khí tự nhiên, còn phải tập thở khí siêu nhiên. Đó là làn khí được Thiên Chúa thổi vào khối bùn đất là thể chất con người để làm cho nó sống động và trở nên hình ảnh xinh đẹp, chân thực, bất tử giống như Ngài (x. St 2,7). Hơn nữa, sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, Người đã thổi làn khí thiêng trên các tông đồ và qua họ chuyển thông cho tất cả những ai tin phục Người: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

* Thánh Thần chính là nguyên lý thống nhất đời sống để mỗi hành khất hoà nhập thành một với Đức Giêsu: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (x. 1Cr 12, 13; Cl 3,11; Ep 4,4-6).

* Mỗi ngày hành khất Kitô dành 5-10 phút thở khí thiêng.
Tư thế: đứng thẳng, ngồi xếp bằng, ngồi tại bàn làm việc hay nằm thẳng trên giường trước khi ngủ trưa hay ngủ tối đều được cả.

Vận động: hít từ từ bằng mũi cho đầy phổi và thở ra bằng miệng nhẹ nhàng theo cách thức (thở dài – nhẹ – êm – sâu).

Theo dõi luồng khí: bằng việc tập trung tinh thần, dùng tâm ý tưởng tượng mình đang hít vào luồng khí vô hình, kỳ diệu, mạnh mẽ của Thiên Chúa. Làn khí ấy chạy từ đỉnh đầu, dọc theo xương sống, lan toả khắp người vì Thần Khí chính là sức mạnh, tình yêu, ân sủng cao quý nhất được Chúa ban cho ta nhờ Đức Giêsu Kitô.

Khi thở ra ta tưởng tượng làn khí ấy đang đẩy những lo nghĩ xấu xa, buồn phiền giận dữ, thù hận… là những tà khí, uế khí của tinh thần ta ra ngoài.

Cầu nguyện:

+ Khi hít vào, ta đọc thầm trong trí: “Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thần Khí của Chúa cho con”.
+ Khi thở ra, ta đọc thầm: “ Lạy Chúa Giêsu xin đẩy những tà khí ra khỏi lòng con”.

MỘT THỜI ĐỂ YÊU, MỘT THỜI ĐỂ SỐNG

Lạy Chúa là Thần Khí Sự sống và Tình yêu,
xin ban cho con một thời để yêu
và một thời để sống.
để con sống vì tình yêu Thiên Chúa.
để con yêu vì cuộc sống muôn loài.

Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý
và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,
và dám chết vì những điều mình ghét.

Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống
để mỗi giây phút sống,
con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu
để từng giây phút yêu,
con đều làm cho đời sống thêm giá trị.

Cuối cùng,
xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một
để sống là yêu và yêu là sống,
vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.
Amen.

SỐNG LIÊN ĐỚI

* Dân tộc Việt Nam ta, trong suốt dòng dài lịch sử, đã bị chia rẽ, phân tán vì chính sách “chia để trị” của ngoại xâm, khiến nhiều người thường nghi kỵ, ngại ngùng, không biết chân thành hợp tác và làm việc chung với nhau, ít dám hy sinh vì đại nghĩa. Muốn dân tộc phát triển nhanh chóng vững bền, muốn có những công trình lớn lao, tốt đẹp ta cần phải sống tình liên đới với đồng bào, nhân loại. Hành khất Kitô, được khuyến khích sống hoà hợp với mọi người qua cấu trúc của trò chơi.

* Tổ Hành khất:
Tổ này có từ 3 đến 7 người kết hợp tự nhiên với nhau theo môi trường sống, học hành hay làm việc. Người cùng gia đình không nên ở chung một tổ để tránh những bất tiện về cách xưng hô, liên hệ. Đội tự bầu ra một người làm tổ trưởng để lo cho hai người còn lại.
Các thành viên gặp gỡ nhau mỗi tuần, sống tình huynh đệ vì tất cả đều là anh em, con cùng một Cha Trên Trời, một gia đình nhân loại. Dù khác nhau về cá tính, điều kiện sống, trình độ văn hoá, tôn giáo… nhưng biết thông cảm, tha thứ, yêu thương chân thành, dám nói thật và sửa lỗi cho nhau, dám hy sinh lợi riêng để lo cho ích chung.

* Đội Hành khất:
Bốn tổ trong địa phương hợp thành một đội do đội trưởng điều hành. Đội trưởng do các thành viên trong tổ bầu ra với nhiệm kỳ tối đa 3 năm và có thể được bầu lại trong nhiều nhiệm kỳ.
Các thành viên cùng giúp nhau sống và làm việc theo tinh thần Hành Khất Kitô, đặc biệt giúp đỡ những người yếu kém trong xã hội.

* Đoàn Hành khất:
Nhiều đội trong cùng một địa phương hợp thành đoàn. Địa phương tính theo đơn vị hành chánh như phường, xã, quận, huyện, tỉnh, thành, dân tộc…

* Liên đoàn:
Nhiều đoàn hành khất kết hợp thành liên đoàn…

TINH THẦN NGHÈO KHÓ

Hành khất Kitô được mời gọi sống triệt để “tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3) theo gương Đức Giêsu: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày của mình và theo tôi” (Mt 16,24). Hoặc “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được” ( Lc 14,26). Vậy từ bỏ và tinh thần nghèo khó được hiểu thật sự như thế nào trong hoàn cảnh và thời đại hiện nay?

* Trong mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội Kitô, người ta hiểu từ bỏ là cắt dứt mọi liên hệ với con người và vật chất để hoàn toàn hiến thân cho Chúa, theo kiểu thánh Antôn, thánh Phaolô ẩn tu ở nơi rừng núi sa mạc vắng vẻ, ăn uống kham khổ, lao động cật lực, không học hành và dồn tâm trí vào việc cầu nguyện: nghèo cả vật chất lẫn tinh thần.

* Từ thế kỷ XIII trở đi, người ta cổ vũ nghèo vật chất nhưng giàu tinh thần. Các tu sĩ dòng hành khất dù ban ngày đi xin ăn, nhưng ban tối về học hành nghiên cứu, cầu nguyện. Họ trở thành những nhà trí thức và giáo sư trong các đại học mới mở ở châu Âu.

* Sự từ bỏ của các môn đệ ở Mc 1,14-20 để nhắc nhở cho con người về một thái độ nội tâm hoàn toàn tự do trước mọi mối quan hệ với con người và vạn vật quanh mình (x. 1 Cr 7,29-31), chứ không phải là chối bỏ giá trị của chúng.

* Sự nghèo khó và từ bỏ của Đức Giêsu không nhằm vào những cái sở hữu nhưng vào chính sự hiện hữu. Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta: “Giá trị con người hệ tại ở cái họ “là” chứ không phải ở cái họ “có” (x. Hiến chế Gaudium et Spes, số 35).

* Về mặt hiện hữu ta hiểu rằng mình chỉ là một thụ tạo hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Nhận ra sự nghèo khó về mặt hiện hữu này, ta mới biết từ bỏ chính mình và những cái tưởng là của mình để gắn chặt đời mình vào Thiên Chúa, lúc đó ta sẽ đón nhận được sức sống vô biên, quyền năng vô hạn, sự giàu có vô song của Ngài chuyển vào trong ta để trở thành người giàu có thật sự. Lúc đó ta như thánh Phêrô nói với người ăn xin ở Cửa Đẹp đền thờ Giêrusalem: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi”. Tức khắc người hành khất kia được chữa lành.

* Người hành khất Kitô, trên con đường theo Đức Giêsu, nên mang hành trang gọn nhẹ để tập trung sức lực cho hoạt động cứu độ, để có thể đi thật xa với Người trong tinh thần nghèo khó “Khi đi đường các con đừng mang theo hai áo, giày dép, bao bị…” (x. Mt 10,9-11; Mc 6,8-11…). Nhưng hành trang này là chính Đức Giêsu với tất cả sự giàu sang và quyền năng của Người.

Vì thế, tinh thần nghèo khó tập trung vào sự hiện hữu cần phải được hiểu đúng trước những đòi hỏi vật chất của xã hội hôm nay.

LỜI THỀ HÀNH KHẤT

* Sau khi đọc kỹ nội quy
và thấy mình có thể sống theo
tinh thần người hành khất Kitô,
bạn chỉ cần đọc lời cam kết
trước sự chứng giám của hai người bạn bất kỳ nào.

* Lời cam kết này có thể thực hiện ở bất cứ đâu:
nhà riêng, trường, lớp, tu viện, nhà thờ… trong nước hay ngoài nước,
miễn là bạn ý thức rằng
có Đức Giêsu Kitô Hằng Sống lắng nghe
và chứng nhận lời thề của bạn.

* Lời thề này hoàn toàn tự nguyện
và chỉ có giá trị về mặt tinh thần,
không có bất kỳ một áp lực hay ràng buộc nào về mặt vật chất, xã hội hay tôn giáo.

* Bạn có thể đứng thẳng,
tay phải đặt trên trái tim mình,
tay trái cầm bát hành khất
có đựng cuốn Tin Mừng
và đọc lời sau đây:

Lời cam kết:

Tôi là. ………………………
Hôm nay,
trước mặt Chúa Giêsu Kitô,
có trời đất và bạn bè chứng giám,
tôi tự nguyện sống tinh thần người Hành khất Kitô
để phục vụ Chúa và anh em đồng loại,
nhất là những người yếu kém trong xã hội.
Xin Chúa nhận cho lòng thành của tôi”.

Hành khất Kitô
sống Mầu nhiệm Nhập Thể
của Ngôi Lời Thiên Chúa

Địa chỉ liên lạc:
Email: [email protected]
LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn