Mông Cổ và Vatican cộng tác nghiên cứu lịch sử
Vatican và Mông Cổ đã quyết định tăng cường cộng tác trong lĩnh vực văn hoá. Đồng thời các nhà nghiên cứu của Mông Cổ có thể tham khảo Văn khố Tông toà của Toà Thánh để tái dựng lại các sự kiện lịch sử.
Vatican và Mông Cổ đã quyết định tăng cường cộng tác trong lĩnh vực văn hoá. Đồng thời các nhà nghiên cứu của Mông Cổ có thể tham khảo Văn khố Tông toà của Toà Thánh để tái dựng lại các sự kiện lịch sử.
Ngày 14/01 vừa qua, ông Purevsuren, Đại sứ Mông Cổ cạnh Toà Thánh và cũng là Đại diện Thường trú của Mông Cổ tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, đã có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, và trao đổi ý kiến về việc cộng tác song phương.
Cộng tác song phương
Ông Đại sứ L. Purevsuren đã cám ơn Vatican cho phép các học giả Mông Cổ nghiên cứu các tài liệu và các nguồn liên quan đến lịch sử Mông Cổ và cho phép làm việc trong Văn khố Tông toà và Thư viện Vatican.
Đức Tổng Giám mục Gallagher bày tỏ sự sẵn sàng của Vatican trong việc dạy tiếng Latinh cho các học giả Mông Cổ để giúp họ có thể nghiên cứu các nguồn tài liệu liên quan đến lịch sử Mông Cổ.
Hai vị đại diện của Toà Thánh và Mông Cổ cũng thông báo về một hội thảo khoa học và triển lãm ảnh, dự kiến sẽ được tổ chức tại Toà Thánh trong khoảng thời gian từ ngày 06-08/05, trong dịp lễ kỷ niệm 800 năm của thành phố Karakorum, thủ đô của Đế chế Đại Mông Cổ.
Ví dụ về sự chung sống hoà bình giữa các tôn giáo khác nhau
Hội nghị khoa học sẽ thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo. Theo Cha Giorgio Marengo, nhà truyền giáo Dòng Consolata, đã ở Mông Cổ từ năm 2003, dù Kitô giáo chỉ được chấp nhận lại tại Mông Cổ vào năm 1992, sau khi cộng sản sụp đổ, thủ đô đế quốc cổ đại là một trong những ví dụ về sự chung sống hoà bình giữa các tôn giáo khác nhau. Năm 1245, tu sĩ dòng Phanxicô, Giovanni di Pian del Carpine, được Đức Giáo hoàng Innocente IV cử làm đại sứ tại Đế quốc Mông Cổ.
Cha Marengo cũng cho biết, để đề cao lịch sử các mối quan hệ giữa Đức Innocente IV và các hoàng đế Mông Cổ, theo yêu cầu của chính quyền địa phương và với sự trợ giúp của Toà Sứ thần và Văn khố Tông toà Vatican, từ năm 2017-2018, các bản sao của các thư trao đổi giữa hai vị vào thế kỷ XIII đã được trao cho Viện Bảo tàng Kharkhorin, trong khi nguyên bản vẫn được giữ tại Văn khố Tông toà của Vatican.
Trong chuyến công tác tới Vatican, Đại sứ L. Purevsuren cũng đã tổ chức các cuộc họp với Tổng Thư ký Hội đồng Toà Thánh về đối thoại liên tôn, Indunil Janakaratne Kodithuwakku, và Loran Basanes, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Gregory, để thảo luận về hợp tác song phương. (AKIpress 14/01/2020)