UNESCO ghi danh Thực hành Then của Việt Nam là di sản văn hóa nhân loại
Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vừa chính thức ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chiều 12-12.
UNESCO ghi danh Thực hành Then của Việt Nam là di sản văn hóa nhân loại
Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vừa chính thức ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chiều 12-12.
Theo trang thecitypaperbogota.com, phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO tại Bogotá, Colombia có khoảng 1.000 người tham dự, bao gồm các đại diện các quốc gia, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ (NGO), và các nhà báo từ 120 quốc gia.
Cuộc họp, diễn ra từ ngày 9 đến 14-12, xem xét và quyết định ghi danh những di sản nào trong số 42 di sản được đề cử vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong cuộc họp ngày 12-12 (theo giờ địa phương), UNESCO đã chính thức công nhận Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo UNESCO, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để ghi tên vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thầy Then Hoàng Đức Dục đang thực hành nghi lễ Then mừng nhà mới xây ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn – Ảnh: UNESCO
Theo Cổng thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái; phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ; thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.
Việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau, thu hút sự chú ý đến các di sản khác trên khắp thế giới. Sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng.
Then là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.
Theo trang ich.unesco.org, các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (ông Then, bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ cầu an, chữa bệnh, cầu mưa, chúc mừng năm mới …
Các thầy Then cất tiếng hát, gẩy đàn tính tẩu để bắt đầu hành trình. Tùy mục đích của việc cầu cúng mà thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau.
Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông, … để thực hiện lễ thực hành Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của thầy Then. Một số buổi lễ có thêm các tốp nữ múa phụ họa.
Then được truyền lại cho đời sau theo hình thức truyền miệng, ngay trong khi thực hành lễ Then và các thầy Then đóng vai trò chính trong việc truyền lại các kỹ năng và bí quyết liên quan đến nghi lễ. Một số thầy Then thực hiện khoảng 200 nghi lễ Then trong một năm.
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.
TTO