Úc đã làm gì với đa dạng sinh học của mình?
Theo trang web của Bộ Môi trường và Năng lượng Úc, quốc gia này có hơn 1 triệu loài thực vật và động vật, và ‘khoảng 85% loài hoa, 84% bò sát, 45% chim và 84% cá ven biển và ôn đới (ở Úc) không thể tìm thấy ở đâu khác’.
Úc đã làm gì với đa dạng sinh học của mình?
Theo trang web của Bộ Môi trường và Năng lượng Úc, quốc gia này có hơn 1 triệu loài thực vật và động vật, và ‘khoảng 85% loài hoa, 84% bò sát, 45% chim và 84% cá ven biển và ôn đới (ở Úc) không thể tìm thấy ở đâu khác’.
Với một sự đang dạng sinh học phong phú đến thế, giới bảo tồn có quyền mong đợi nước Úc phải có trách nhiệm bắt buộc bảo vệ những giống loài “độc quyền”. Thế nhưng, những gì diễn ra hoàn toàn ngược với kỳ vọng.
Trong phóng sự “A national disgrace: Australia’s extinction crisis is unfolding in plain sight” (Nỗi nhục quốc thể: Khủng hoảng tuyệt chủng của Úc đang diễn ra ngay trước mắt) trên The Guardian tháng 2-2018, tác giả Lisa Cox cho biết hơn 50 loài thú và 60 loài thực vật ở Úc đã biến mất trong vòng 200 năm qua.
Đặc biệt, các loài động vật có vú ở Úc đã tuyệt chủng với tỉ lệ cao nhất trong hai thế kỷ qua, ước tính cứ mỗi thập niên trôi qua thì có 2 loài có vú biến mất. Để so sánh, Mỹ, nơi có đạo luật quy định việc bảo vệ và bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng quyết liệt hơn, chỉ có một loài động vật có vú biến mất (chồn sea mink) kể từ khi thực dân châu Âu bắt đầu quá trình thuộc địa.
Nhưng mọi thứ sẽ không dừng lại ở đó. “Giới bảo tồn ước đoán hơn 1.800 loài thực-động vật và rừng, đất rừng và đất ngập nước đang có nguy cơ biến mất vì tác động kết hợp giữa biến đổi khí hậu, tập quán sử dụng đất, hiện tượng mất môi trường sống và các loài xâm lấn” – Cox viết.
Một bài viết khác trên The Guardian hồi tháng 5-2019 dẫn lời các chuyên gia bảo tồn cho biết tốc độ suy thoái đa dạng sinh học ở Úc có thể được ngăn chặn nếu có sự can thiệp thiết thực từ chính phủ. Tuy nhiên, James Trezise, đại diện quỹ bảo tồn Australian Conservation Foundation, cho biết sự thiếu quyết liệt về mặt chính trị để giải quyết vấn đề ở Úc là rất đáng lo ngại.
Tính đến tháng 2-2018, theo số liệu của Bộ Môi trường và Năng lượng do The Guardian dẫn lại, Úc chỉ có kế hoạch ứng cứu cho chưa tới 40% các loài nằm trong danh sách đang bị đe dọa, và trong nhóm các loài đã có giải pháp bảo tồn, có khoảng 10% dự án vẫn chưa hoàn tất khâu chuẩn bị tài liệu cần thiết.
Chính phủ Úc cũng bị cáo buộc dùng ngân sách 255 triệu USD để bảo vệ các loài bị đe dọa vào mục đích khác. Tháng 3-2018, Bộ Môi trường và Năng lượng thừa nhận chính họ cũng không biết các dự án, kế hoạch nhằm ngăn các loài bị tuyệt chủng có thực sự được triển khai hay không.
Với những gì đang diễn ra ở Úc, sẽ không có gì ngạc nhiên khi biết rằng một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature hồi tháng 12-2017 xếp Úc vào nhóm các quốc gia có bảo tồn đa dạng sinh học tệ nhất thế giới.
Nghiên cứu so sánh tình trạng bảo tồn động vật ở 109 quốc gia với ngân sách dành cho công tác bảo tồn. Kết quả, trong nhóm 7 quốc gia này chịu trách nhiệm cho việc 60% đa dạng sinh học toàn cầu biến mất trong giai đoạn 1996-2008, Úc xếp thứ nhì với tỉ lệ suy thoái đa dạng sinh học 5-10%.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra có thể giảm các ảnh hưởng tiêu cực lên đa dạng sinh học bằng cách tăng đầu tư, tài trợ cho các dự án bảo tồn. Trớ trêu thay, nghiên cứu trên công bố đúng vào thời điểm giới khoa học ở Úc phẫn nộ vì chính phủ quyết định ngưng cấp kinh phí cho dự án Mạng Nghiên cứu Sinh thái Dài hạn (LTERN), một hệ thống thiết lập từ năm 2011 bao gồm 1.100 trạm quan trắc đồng cỏ, rừng, thảo nguyên, và sa mạc khắp nước.
Trong một lá thư gửi đến tạp chí Science, 69 khoa học gia Úc gọi quyết định ngưng cấp kinh phí cho LTERN là “hoàn toàn nằm ngoài xu hướng quốc tế và (ngược với) mệnh lệnh quốc gia”. Bằng chứng là Mỹ không chỉ duy trì mà còn quyết định mở rộng mạng lưới quan trắc tương tự, vốn đã có gần 30 năm hoạt động.
“LTERN cần ngân sách mỗi năm 1,3 triệu đô Úc để hoạt động nhưng giá trị mà nó mang lại không thể đo đếm bằng tiền” – The Conversation Australia bình luận, và cho biết quyết định ngưng chi tiền cho LTERN không chỉ đi ngược với xu hướng quốc tế mà còn mâu thuẫn với chính Chiến lược Bảo tồn Đa dạng sinh học 2010-2030 của Úc, vốn yêu cầu phải có một mạng quan trắc quy mô quốc gia.
TTO