28/11/2024

Các Giám mục Brazil giới thiệu Chương trình Truyền giáo Quốc gia

Ngày 23 tháng 12, HĐGM Brazil giới thiệu Chương trình Truyền giáo Quốc gia, từ năm 2019 đến 2023 với chủ đề “Một nhịp cầu hội nhập, sứ vụ là một phần không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu và cơ cấu Giáo hội”.

 Các Giám mục Brazil giới thiệu Chương trình Truyền giáo Quốc gia

 

 

 

Ngày 23 tháng 12, HĐGM Brazil giới thiệu Chương trình Truyền giáo Quốc gia, từ năm 2019 đến 2023 với chủ đề “Một nhịp cầu hội nhập, sứ vụ là một phần không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu và cơ cấu Giáo hội”.

Chủ đề này phù hợp với Chỉ dẫn chung cho công cuộc tân Phúc Âm hoá và là kết quả quá trình suy tư của Hội đồng Truyền giáo Quốc gia, được tổ chức vào tháng 8 năm 2017 và được Giáo hội Brazil chấp thuận trong Đại hội Hội đồng Giám mục vào tháng 5 năm nay.

Đức cha Odelir José Magri, Giám mục Chapecó, Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về Hoạt động Truyền giáo, giải thích: “Ở Brazil có nhiều sáng kiến truyền giáo đến từ nhiều nơi. Nhưng Giáo hội cũng khao khát có một chân trời truyền giáo chung để tinh thần hiệp thông truyền giáo được phát triển.” Theo cái nhìn này, Chương trình Truyền giáo “là một hạt giống nhỏ hướng đến sự hiệp thông lớn hơn”, bởi vì “sứ vụ không thể được hình thành như một điều gì đó bị thu hẹp chỉ với một vài người hoặc nhóm nhỏ”.

Vào tháng 9 năm 2017, tại Đại hội Truyền giáo Toàn quốc lần thứ 4, các điều phối viên của các hội đồng truyền giáo ở các miền đã được tư vấn cho việc soạn thảo chương trình truyền giáo. Năm 2018, các hội nghị của hội đồng truyền giáo ở các miền đã được tổ chức 18 lần, và được một trong những thành viên của Uỷ ban Điều hành Đại hội Truyền giáo Toàn quốc đồng hành và hướng dẫn. Các cuộc họp bắt đầu với việc nghiên cứu và suy tư về những thách đố truyền giáo, xác định các đề xuất cho các ưu tiên, ở tầm mức quốc gia và khu vực, nhằm tăng cường tính năng động truyền giáo.

Đức cha Magri nói: “Giai đoạn này nêu bật một số quan điểm về sứ vụ; bao gồm các chặng đường, khả năng và bối cảnh thách đố chúng tôi trong cách tiếp cận. Cuối cùng, một đóng góp quan trọng khác đã được thực hiện cho các nền tảng nhân chủng học, Kinh Thánh, Giáo hội và thần học, nuôi dưỡng, thúc đẩy và hỗ trợ sự hiện hữu sống động của các nhà truyền giáo.” (CSR_7792_2019)
 
 

Ngọc Yến