26/01/2025

‘Doanh nghiệp’ nghĩa tình của cô bệnh nhân tan máu bẩm sinh

Ở tuổi 33, không chỉ nuôi mình, Thoan đang hỗ trợ 4 người cùng cảnh ngộ tại một “doanh nghiệp” mà lương chủ bằng lương nhân viên và những người thuê trọ không phải trả tiền nhà.

 

‘Doanh nghiệp’ nghĩa tình của cô bệnh nhân tan máu bẩm sinh

Ở tuổi 33, không chỉ nuôi mình, Thoan đang hỗ trợ 4 người cùng cảnh ngộ tại một “doanh nghiệp” mà lương chủ bằng lương nhân viên và những người thuê trọ không phải trả tiền nhà.



Doanh nghiệp nghĩa tình của cô bệnh nhân tan máu bẩm sinh - Ảnh 1.

Thoan thu gom quần áo từ bệnh viện về để giặt là – Ảnh: CÔNG THẮNG

Đó là Phạm Thị Thoan (Hải Hậu, Nam Định) đã có 22 năm ròng rã là bệnh nhân. Thoan mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh, căn bệnh khiến da chị lúc nào cũng xanh tái, mắt vàng, da vàng, bụng trướng to, người còi cọc và lùn hơn nhiều so với bạn bè cùng lứa. 

Nhưng bệnh tật, những ngày ròng rã ra vào bệnh viện, những ống thuốc và kim tiêm đã không đánh gục được cô gái này.

Đến năm 2010 tôi ốm đi rất nhiều, phải cắt lách, nửa tháng phải đi bệnh viện một lần, chi phí điều trị lại tốn kém nên tôi chỉ mong có việc gì đó đỡ đần cho cha mẹ, nhưng không có ai thuê người làm việc mà mấy hôm lại nghỉ để đi bệnh viện

Phạm Thị Thoan

Lương chủ bằng lương người làm công

Mỗi ngày Viện Huyết học và truyền máu T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận điều trị cho 150-170 bệnh nhân Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh). Thông thường người bệnh tan máu bẩm sinh phải đến viện điều trị 2 lần mỗi tháng và trong số người phải đến ấy có Phạm Thị Thoan.

 

Thoan được phát hiện bệnh từ năm 11 tuổi, khi đang học lớp 5. Hồi đó, gia đình Thoan nghèo đến nỗi bác sĩ chỉ định 3 tháng đến viện điều trị một lần, nhưng cha mẹ cô chỉ cho con đi bệnh viện được mỗi năm một lần. 

Một năm mua thuốc được một lần, uống hết đơn thì thôi nên đến lúc rúm hết cả người, gần như không đi được nữa thì Thoan mới lại được đi bệnh viện. Được 3 năm như vậy, đến năm 14 tuổi Thoan bắt đầu hành trình tự đi Hà Nội: cha mẹ nhờ người lái xe khách đi qua nhà đón, rồi chú lái xe giúp đưa đứa con gái ốm yếu vào bệnh viện làm thủ tục nhập viện. 

Ở đó, Thoan tự lo cho mình, rồi khi xuất viện lại ra bến xe Giáp Bát quay về Nam Định.

“Đến năm 2010 tôi ốm đi rất nhiều, phải cắt lách, nửa tháng phải đi bệnh viện một lần, chi phí điều trị lại tốn kém nên tôi chỉ mong có việc gì đó đỡ đần cho cha mẹ, nhưng không có ai thuê người làm việc mà mấy hôm lại nghỉ để đi bệnh viện. 

Tôi giấu cha mẹ lên Hà Nội tìm việc, nói là lên thăm bạn nhưng thực ra là lên đi may thuê cho một cơ sở ở Cổ Nhuế. Nhưng rồi người chủ cũng không đồng ý thuê một người cứ nghỉ việc suốt. Tôi đã bế tắc” – Thoan kể với Tuổi Trẻ.

Một cô gái ốm yếu, chỉ nặng 38kg (có lúc xuống còn 34kg), tự ti vì bệnh tật, không tiền, không nhà, ở giữa một thành phố xa lạ và đông đúc sẽ làm gì để kiếm sống và chữa bệnh? Thoan kể có lúc cô đi rửa bát thuê, đi chăm bệnh nhân thuê, đi dọn vệ sinh theo giờ, bán bảo hiểm nhân thọ…

Rồi một trận ốm làm Thoan ngã quỵ, cô phải vào viện một tháng. Ở đó, Thoan đã có một quyết định.

“Những ngày nằm viện, tôi thấy người bệnh không có người nhà trông nom như tôi rất khó khăn khi cần giặt quần áo. Ra viện, tôi quay về Nam Định, nói với cha mẹ mong muốn của mình là cần số vốn 30 triệu đồng mở cửa hàng giặt là (ủi). Những năm ở Hà Nội, ngoài nuôi thân và chi phí chữa bệnh, tôi đã tiết kiệm tiền mua được một chiếc xe máy và để dành được hơn 10 triệu đồng. 

Nhưng muốn mở cửa hàng giặt là cần thêm ít nhất 30 triệu. Tôi nói với cha mẹ nếu không thành công, coi như đây là học phí. Và tôi đã mang hộ khẩu hộ nghèo đi vay 30 triệu đồng, quyết định khởi nghiệp” – Thoan nói.

Ngày ấy đã cách đây đúng 2 năm, những ngày đầu tiên mở cửa hàng, công việc ít ỏi, lo lắng vì món tiền đi vay, Thoan sút 4kg và không dám về nhà vì sợ cha mẹ thêm lo lắng. 

Ở Hà Nội, cô thuê một ngôi nhà nhỏ tại làng bún Phú Đô. Mỗi ngày cô vào bệnh viện hai lần: lấy quần áo lúc sáng và mang trả đồ tận phòng buổi chiều, nhưng không phải chủ cửa hàng Phạm Thị Thoan được tin tưởng ngay. Phải dần dà hàng giặt sạch, trả tận tay khách với chi phí phải chăng, mọi người mới tin tưởng.

Hai năm sau ngày khởi nghiệp, Thoan nhận được mỗi ngày khoảng 40kg quần áo. Phí giặt là đủ trả lương cho “chủ” – chính là Thoan – mức 3 triệu đồng/tháng và người làm công là một nam thanh niên có vợ đang điều trị ung thư máu ở Viện Huyết học và truyền máu T.Ư cũng với mức đó. 

Hiệu giặt là còn trả tiền ăn cho 5 người: Thoan, người làm công và 3 người đều là bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Doanh nghiệp nghĩa tình của cô bệnh nhân tan máu bẩm sinh - Ảnh 3.

Thoan đến từng phòng bệnh nhân và trả quần áo cho khách sau khi giặt là – Ảnh: CÔNG THẮNG

Quần quật từ 5h

Cách đây ít ngày, phòng công tác xã hội Viện Huyết học và truyền máu T.Ư đã tài trợ một “cần câu cơm” cho chị em Thoan, đó là một chiếc máy ép nước mía. Có máy ép mía, Thoan và một người khác, cũng là bệnh nhân tan máu bẩm sinh, cứ giữa trưa nắng nhất ở Hà Nội là mang nước mía ra đường, đến Viện Huyết học và truyền máu T.Ư. 

Ở đó, Thoan và người đồng cảnh ngộ bán nước mía, còn mùa cam Thoan bán cả cam để có thêm chi phí chi tiêu cho ngôi nhà giờ đã có 5 nhân khẩu.

“Buổi sáng mỗi ngày, tôi và một em sẽ đi ship hàng, trưa chúng tôi bán nước mía, chiều lấy đồ giặt. Vì số máy giặt còn ít nên phải đặt đồng hồ báo thức cách một giờ dậy một lần để canh mới giặt hết đồ. Ngoài chị em tôi đi ship, nhà tôi còn có 3 em cũng là bệnh nhân và mới có việc làm. 

Trước đây, khi các em chưa có việc làm, tôi đã hỗ trợ các em ăn ở miễn phí, mỗi tháng chỉ phải góp 200.000 đồng/người tiền điện. Giờ khi có việc làm, các em góp thêm 500.000 đồng/tháng” – Thoan chia sẻ.

Chị Lý Thị Hảo, phòng công tác xã hội Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, cứ tấm tắc về nỗ lực vươn lên của Thoan. Mỗi ngày, để làm xong ngần ấy công việc, Thoan thường dậy từ lúc 5h sáng và làm việc đến 12h đêm. Nhưng niềm tự hào nuôi sống được bản thân và hỗ trợ những người khác khiến Thoan thấy khoẻ ra, giờ Thoan thấy cô đủ sức làm các công việc mình muốn.

Những ngày day dứt…

thoan 3

 

Thoan, bệnh nhân tan máu  bẩm sinh – Ảnh: NVCC

 

Trần Thái Dương là người “làm công” ở cửa hàng giặt là của Thoan từ ba tháng nay. Dương sinh năm 1990 và có vợ bị ung thư, đang trong đợt điều trị hoá chất thứ 4 tại Viện Huyết học và truyền máu T.Ư.

Dương kể: “Ở quê (Hà Tĩnh) gia đình tôi chỉ làm nông nghiệp. Khi vợ ra viện, ngoài chi phí bảo hiểm chi trả, mỗi đợt điều trị vợ tôi phải mua thêm 5 triệu đồng tiền thuốc, lúc nào tôi cũng lo lắng vì không có tiền, ở nhà còn có con nhỏ.

Nhờ một bệnh nhân trong phòng giới thiệu, chị Thoan đã nhận tôi vào làm việc ba tháng nay với mức lương 3 triệu đồng/tháng, ăn ở chị chi trả hoàn toàn.

Sau mỗi đợt điều trị, vợ tôi cũng về nhà chị Thoan thuê để ở vài ngày cho ổn định, rồi mới về quê với con. Mấy tháng nay, nhờ có lương ở cửa hàng giặt là, tiền thuốc của vợ lại giảm hơn nên chúng tôi mua được đầy đủ đơn thuốc do bác sĩ đã kê”.

Nhưng 5 chị em ổn định, Thoan vẫn đang lo lắng vì nhiều bệnh nhân tan máu bẩm sinh còn rất khó khăn. Đặc biệt, trong số này có một bệnh nhân mới 14 tuổi quê ở Yên Bái, cha mẹ em ấy ly hôn và sau đợt điều trị cách đây hơn một tháng em đã bỏ nhà, bỏ bệnh viện đi lang thang…

“Điều tôi lo lắng nhất là em đang nghiện game, suốt ngày ngồi ngoài quán net, đói thì đi xin ăn, tôi đã thuyết phục em về nhà mình nhưng em không về, mấy tối nay chúng tôi đã đi tìm và từ tối 5-7 thì mất dấu của em. Đây là điều day dứt của tôi trong những ngày này” – Thoan buồn bã chia sẻ.

 

LAN ANH