28/11/2024

Việt Nam đạt mốc 96,2 triệu người, tốc độ già hoá nhanh chưa từng có

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.

Việt Nam đạt mốc 96,2 triệu người, tốc độ già hoá nhanh chưa từng có 

 

 

Ngày 19/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019 và Triển lãm ảnh “Những câu chuyện cuộc đời”. Phó Thủ tướng Chỉnh Phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thông tin thu thập được từ Tổng điều tra dân số và nhà ở là bằng chứng tin cậy, căn cứ quan trọng và hữu ích phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Kết quả số liệu chính thức công bố ngày hôm nay sẽ tiếp tục cung cấp bổ sung các thông tin về tình hình dân số, nhân khẩu học, chất lượng dân số và các điều kiện ở của nhân dân một cách đầy đủ và chi tiết hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra giúp nâng cao chất lượng thông tin, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian xử lý để công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm kinh phí so với các cuộc điều tra và Tổng điều tra theo phương pháp điều tra truyền thống.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.

Dân số Việt Nam đạt mốc 96,2 triệu người, là nước đông dân thứ 15 trên thế giới. Ảnh minh hoạ.

 

Tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người/hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009.

Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines (363 người/km2) và Singapore (8.292 người/km2).

Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 132 người/km2 và 107 người/km2.

Nhiều tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em

Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ.

Đông Nam Bộ có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất cả nước (62,8%), Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất (18,2%).

Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm 23,4% tổng dân số cả nước. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng hai thập kỷ qua. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) là 14 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm.

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (56,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn: U5MR của khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần ở khu vực thành thị (tương ứng là 25,1 và 12,3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống).

Tỷ số tử vong mẹ (MMR) là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Kết quả này cho thấy Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 (45 ca/100.000 trẻ sinh sống đến năm 2030).

Thách thức già hoá dân số

Theo kết quả Tổng điều tra, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi.

Bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam nhận định: Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi dân số trong dân số trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các chính sách cho thanh niên, tạo việc làm thỏa đáng, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền và bình đẳng giới.

Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh rằng chuyển đổi nhân khẩu học, đặc biệt mức sinh giảm, chỉ ra rằng dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có, với chỉ số già hóa tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019. Do đó, trong khi tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng, Việt Nam cũng nên sẵn sàng giải quyết các thách thức của già hóa dân số.

4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc

Tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, đa số các hộ dân cư đều có nhà ở và đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Chỉ còn 1.244 hộ không có nhà để ở (chiếm 0,47 phần mười nghìn tổng số hộ), tương đương với 4.108 người. Đa số hộ không có nhà ở là những hộ sống ở ghe, thuyền,… không đủ điều kiện về cấu tạo của ngôi nhà/căn hộ để ở (ba bộ phận: tường, mái, sàn).

Ngoài ra, có 310 người lang thang cơ nhỡ tại 10 tỉnh, thành phố đã được thu thập thông tin trong cuộc Tổng điều tra này, đây là những người không có nhà ở. Như vậy, có tổng số 4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009…

Theo nhận định, trong 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, việc làm và điều kiện sống của người dân. Quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh…
Sức khỏe của người dân đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em được tăng cường. Tỷ lệ người khuyết tật giảm; tuổi thọ của người dân tăng cao; tỷ suất chết của trẻ em và tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh.
Vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động được chú trọng. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong khu vực Công nghiệp, xây dựng và Dịch vụ và giảm tỷ trọng lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Nhà ở và điều kiện sống của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ hộ không có nhà ở giảm mạnh; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới và nguồn nước hợp vệ sinh tăng mạnh; tỷ lệ hộ có các thiết bị sinh hoạt hiện đại phục vụ cuộc sống cũng tăng cao.
Thành quả trên sẽ tạo thêm động lực để chúng ta hiện thực hóa khát vọng về một đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc.