Khan hiếm thuốc tamiflu
Thuốc tamiflu tại BV Nhi T.Ư (Hà Nội) hiện còn với số lượng ít, trong khi nhu cầu sử dụng đang tăng cao, BV đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược đề nghị có giải pháp kịp thời, không để hết thuốc điều trị.
Khan hiếm thuốc tamiflu
Thuốc tamiflu tại BV Nhi T.Ư (Hà Nội) hiện còn với số lượng ít, trong khi nhu cầu sử dụng đang tăng cao, BV đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược đề nghị có giải pháp kịp thời, không để hết thuốc điều trị.
Một ca mắc bệnh cúm ẢNH: KHÁNH CHI
Chiều 15.12, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết cơ quan này đã liên lạc với đại diện Hãng Roche (Thụy Sĩ) tại Việt Nam trao đổi thông tin về khả năng cung ứng thuốc tamiflu, sau khi nhận được phản ánh nguy cơ khan hiếm thuốc này tạm thời.
Theo báo cáo ban đầu, đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện (BV). Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung tamiflu đã đặt từ 2 tuần trước cũng sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị. Tamiflu (oseltamivir) thuộc nhóm thuốc kháng vi rút, được chỉ định sử dụng trong điều trị bệnh nhân nhiễm cúm ở người lớn và trẻ nhỏ.
Thông tin từ BV Nhi T.Ư (Hà Nội) cho biết, số bệnh nhi nhiễm cúm nhập viện có xu hướng tăng trong 2 – 3 tuần qua. Mỗi tuần, BV này tiếp nhận từ 100 – 130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau. Tuy nhiên, thuốc tamiflu tại BV hiện còn với số lượng ít, trong khi nhu cầu sử dụng đang tăng cao. BV Nhi T.Ư đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược đề nghị có giải pháp kịp thời, không để hết thuốc điều trị.
Trước xu hướng tăng các trường hợp nhiễm cúm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã khuyến cáo về tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2, H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho.
Để phòng bệnh, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
LIÊN CHÂU – THUÝ AN