24/11/2024

“Hãy về nhà”: Lời tâm huyết ĐGH Phanxicô dành cho người trẻ Công giáo Việt Nam

Trong lời chào cuối cùng, Đức Giáo hoàng đã cố gắng nói bằng Tiếng Việt, dù Ngài bị hụt hơi vào phút cuối. Dẫu vậy, việc được nghe một câu chào bằng tiếng mẹ đẻ của mình từ miệng Đức Giáo hoàng hẳn đã làm ấm lòng rất người Việt Nam.

 “Hãy về nhà”: Lời tâm huyết ĐGH Phanxicô dành cho người trẻ Công giáo Việt Nam

 

Trong lời chào cuối cùng, Đức Giáo hoàng đã cố gắng nói bằng Tiếng Việt, dù Ngài bị hụt hơi vào phút cuối. Dẫu vậy, việc được nghe một câu chào bằng tiếng mẹ đẻ của mình từ miệng Đức Giáo hoàng hẳn đã làm ấm lòng rất người Việt Nam.

Chưa có một Đức Giáo hoàng nào viếng thăm Việt Nam, nhưng tấm lòng của các Đức Giáo hoàng dành cho Giáo Hội với nhiều thăng trầm bách hại này là điều không thể nghi ngờ. Năm 1984, trong chuyến tông du Thái Lan, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã gửi một thông điệp qua Radio cho Giáo hội Việt Nam. Ba mươi lăm năm sau, trên đường đến Thái Lan, Đức Giáo hoàng Phanxicô lại ưu ái gởi cho giới trẻ Việt Nam một thông điệp bằng Video. Lần này, thông điệp gửi đi không chỉ được nghe qua âm thanh, mà còn được thấy qua hình ảnh và cung cách nói chuyện sống động của Đức Giáo hoàng.

Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi đi lần này nhân dịp Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc được tổ chức tại Giáo Phận Bùi Chu với chủ đề “Hãy về với thân nhân”, một câu trong Tin Mừng Máccô (5,19). Đức Giáo hoàng có lẽ đã dựa vào nguyên bản Hylạp của câu Kinh Thánh, và dịch lại câu chủ đề “Hãy về nhà, với thân nhân”. Toàn văn thông điệp của Đức Giáo hoàng được quảng diễn xoay quanh một chữ “nhà”.

 

Có thể kể ra 5 điểm chính trong nội dung và hai chi tiết quan trọng được gói ghém trong thông điệp.

1. Đào sâu di sản truyền thống và văn hoá

Trong phần khởi đầu của thông điệp, chữ “nhà” được phân tích cách độc đáo dựa trên tâm thức và văn hoá của người Việt. Đức Giáo hoàng nhận ra rằng “nhà” là từ đẹp nhất trong kho tàng văn hoá Việt Nam, vì “gói ghém” trọn vẹn những gì là thân thương nhất trong trái tim của một con người, bao hàm cả gia đình, họ hàng và quê hương xứ sở. Ngài chỉ ra rằng những nét đẹp đặc trưng trong văn hoá của Người Việt như truyền thống gia đình, việc thảo kính cha mẹ, tôn trọng người già… đều được sinh ra từ chữ “nhà”. Từ đó, Ngài đọc câu chủ đề của ngày Đại hội Giới trẻ như một câu châm ngôn thôi thúc các bạn trẻ trở về đào sâu và khám phá di sản văn hoá quý giá của truyền thống và văn hoá dân tộc mình. Ngài nhấn giọng: “Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy.”

2. Đào sâu di sản đức tin

Trong phần thứ hai, nghĩa của chữ “nhà” được Đức Giáo hoàng nhân rộng lên. Ngài khẳng định với các bạn trẻ: “Giáo Hội là một ngôi nhà. Là ngôi nhà của các con.” Nhìn lại dòng lịch sử, Đức Giáo hoàng đã đánh giá rất cao đặc tính anh hùng và giàu gương sống đạo của Giáo hội Việt Nam. Ngoài việc nhắc đến gương các Thánh Tử đạo Việt Nam, Đức Giáo hoàng đặc biệt mời gọi các bạn trẻ nhìn lại chính cuộc đời của ông bà và cha mẹ mình, những người đã phải sống qua đau khổ của chiến tranh loạn lạc, nhưng kiên quyết giữ vững đức tin như giữ một kho tàng quý giá nhất và truyền lại cho con cháu.

Trong phần này, thông điệp của Đức Giáo hoàng cũng nhắn nhủ các bạn trẻ về lòng biết ơn. Ngài nhắc đến công khó của những nhà truyền giáo đầu tiên mang Tin Mừng đến Đất Việt. Đồng thời, Ngài nhắc lại sự đón nhận đầy nhiệt tâm và cách sống đạo đầy chứng tá của những Kitô hữu Việt Nam đầu tiên, như được diễn tả qua tường thuật của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes [Đắc Lộ], “Đạo Công giáo là Đạo của Tình Yêu”. Ngài mời gọi các bạn trẻ tựa vào di sản đức tin phong phú ấy để làm động lực thôi thúc mình đi về phía trước trong hành trình truyền giáo.

3. Chứng tá Tin Mừng

Trong phần thứ ba, Đức Giáo Hoàng mời người trẻ Việt Nam gỡ mình khỏi văn hoá khép kín và cục bộ, để mở ra và hướng đến người khác. Ngài nhắc nhở các bạn trẻ Công giáo hướng mắt nhìn ra để thấy rằng người Công giáo vẫn còn là một thiểu số giữa lòng dân tộc mình. Ngài mời gọi các bạn trẻ Công giáo đảm nhận vai trò truyền giáo, bằng chính đời sống chứng tá của mình, chứ không phải bằng sự khuyến dụ hay lôi kéo.

Trong lời kêu gọi này, có thể đọc ra sự tin tưởng và kỳ vọng mà Đức Giáo hoàng dành cho các bạn trẻ. Giống như vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô nhìn nhận rằng giới trẻ không phải chỉ là tương lai, nhưng như là hiện tại của Giáo Hội. Chính sự nhập cuộc đầy sáng tạo và vui tươi của người trẻ làm nên sức sống và bộ mặt của Giáo Hội. Ngài mời gọi các bạn trẻ đảm nhận trách nhiệm của mình trong ngôi nhà Giáo Hội. Ấy là nơi nhân cách và phẩm giá của họ được đào luyện và lớn lên.

4. Nhân cách của một người trẻ Công giáo

Trong phần cuối của thông điệp, Đức Giáo hoàng đưa ra một lời khuyên dạy cụ thể, như cách của một người Cha dành cho con cái của mình. Trước thực tế xã hội Việt Nam, Đức Giáo hoàng khuyên các bạn trẻ đừng sợ sống đẹp và đừng ngại để cho cái đẹp trong nhân cách của một người Công giáo được tỏ bày trước mặt mọi người. Ba đức tính quan trọng được Đức Giáo hoàng kể ra, là sự trung thực, tinh thần trách nhiệm và tính lạc quan, cũng như sự cần kíp của việc biết phân định. Ngài khẳng định đó không chỉ là những giá trị làm nên xã hội mà còn là những giá trị mà cả Giáo hội Việt Nam đang cần.
Quan trọng hơn nữa, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng chính việc làm một người Công giáo tốt sẽ giúp cho các bạn trẻ trở nên những người yêu nước nhiều hơn, và trở thành người Việt Nam thật hơn. Một người Công giáo tốt là một người có trái tim gắn liền với quê hương đất nước và dân tộc mình. Theo lối nhìn này, có thể thấy đức tin Công giáo đóng một vai trò then chốt trong việc hình thành nhân cách và phẩm giá của một con người. Một người trẻ lớn lên trong lòng Giáo hội Công giáo là một người xứng đáng được mang nơi mình những nét đẹp cả từ di sản truyền thống văn hoá lẫn di sản đức tin.

5. Con có một Tổ quốc


Thông điệp của Đức Giáo Hoàng có nhắc đến mẫu gương của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận như một chứng nhân của hy vọng. Có một sự đồng điệu rõ nét giữa những lời nhắn nhủ của Đức Giáo hoàng và những tâm tình của Đức cố Hồng y. Trong bài thơ “Con có một Tổ quốc”, Đức cố Hồng y đã viết:

“Con có một Tổ quốc Việt Nam
Quê hương yêu quý ngàn đời […]
Là người Công Giáo Việt Nam
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.

Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc
Sôi trào trong huyết quản con.”


Cũng vậy, quê hương và tổ quốc được nhấn mạnh rất nhiều lần trong thông điệp ngắn ngủi này. Trong thông điệp video, hầu hết những lần Đức Giáo hoàng dừng lại, điểm nhấn mạnh đều tập trung vào việc hướng các bạn trẻ nhìn về căn tính dân tộc của mình. Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy dành một tình yêu thật lớn, một sự trung thành thật lớn cho quê hương đất nước của mình. Ngài nhắn nhủ: “Các con hãy yêu nhà của các con: Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà tổ quốc. Các con hãy yêu dân tộc Việt Nam, yêu đất nước của các con! Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ quốc.”

Có thể nói rằng để có được những lời nhắn nhủ như thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô hẳn đã mang nhiều ưu ái và thao thức dành cho Giáo hội Việt Nam. Trong cách thức mà thông điệp video được gởi đi, có hai điểm rất đáng lưu ý, thể hiện tấm lòng mục tử và sự quan tâm thân thuộc dành cho Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam.

Tấm lòng mục tử

Quả đúng như lời Đức Giáo hoàng khẳng định ngay từ đầu thông điệp: “Cha hiện diện với các con bằng tất cả trái tim.”

Theo nguồn thông tin từ Vatican News, cơ quan truyền thông chính thức của Toà Thánh và cũng là cộng tác viên của Đức Thánh Cha để thực hiện thông điệp này, tuần vừa qua là một khoảng thời gian vô cùng bận rộn của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đấy là khoảng thời gian cuối để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản. Ngoài ra, mỗi ngày Đức Giáo hoàng phải tiếp 4-6 phái đoàn khác nhau. Ngài ăn trưa với người nghèo. Hầu như mỗi ngày ngài chuẩn bị cho một thông điệp video quan trọng đã được lên kế hoạch từ lâu. Video dành cho giới trẻ Việt Nam, dù được xin rất gấp, ngài vẫn làm trong những phút cuối trước khi ngài đặt chân lên máy bay. Có thể nhìn thấy sự mệt mỏi trên khuôn mặt và trong từng nhịp thở của ngài. Tuy nhiên, rất khác với các thông điệp video trong tuần, thông điệp gởi cho giới trẻ Việt Nam được Đức Giáo hoàng đọc với một cung giọng hứng khởi. Có những khoảnh khắc Ngài buông giấy để quảng diễn và lặp lại nhằm nhấn mạnh những chi tiết quan trọng.

Trong lời chào cuối cùng, Đức Giáo hoàng đã cố gắng nói bằng Tiếng Việt, dù ngài bị hụt hơi vào phút cuối. Dẫu vậy, việc được nghe một câu chào bằng tiếng mẹ đẻ của mình từ miệng Đức Giáo hoàng hẳn đã làm ấm lòng rất người Việt Nam.

Sự quan tâm thân thuộc


Ngoài sự gần gũi, Đức Giáo hoàng còn thể hiện một sự quan tâm và thân thuộc đặc biệt với văn hoá và con người Việt Nam. Qua những lời nhắn gởi trong thông điệp của mình, Đức Giáo hoàng cho thấy một sự am hiểu sâu xa về hoàn cảnh sống thực tế của người trẻ trong xã hội Việt Nam. Ngài nhắc đến những thiệt thòi, sự phiền phức và cả những hy sinh mà một người muốn sống trung thành với niềm tin tôn giáo phải đối mặt. Đặc biệt ở cuối thông điệp Đức Giáo hoàng còn nhắc đến biến cố tử nạn của 39 nạn nhân trên đường đi Anh quốc trong tháng 10 vừa qua. Ngài gọi đó là biến cố vô cùng đau lòng.

Có thể nói, chính những cập nhật kịp thời và những phân tích xác thực của Đức Giáo hoàng là yếu tố quan trọng làm cho nội dung của thông điệp trở nên gần gũi và có tính thiết thực.

Trong số nhiều người lắng nghe thông điệp lần này, có thể vẫn còn có người chưa thấy thực sự thoả lòng. Hình như vẫn còn thiếu một lời hứa, để những người con Việt Nam có được cơ hội chào đón một Đức Giáo hoàng bằng xương bằng thịt. Dù sao đi nữa, chúng ta tin rằng Đức Giáo hoàng có lý do để cân nhắc khi đưa ra một lời hứa. Chính việc trực tiếp gởi thông điệp qua video đã là một ưu ái lớn, nói lên tấm lòng của một vị mục tử dành cho Giáo hội Việt Nam, nhất là dành cho những bạn trẻ Công giáo Việt Nam.

Chúng ta vẫn hy vọng và cầu nguyện.

Biết đâu một ngày không xa…
Gia An, SJ