Bài giảng Lễ Khai mạc Năm Thánh mừng 30 năm tuyên phong Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam
Cách đây đúng 30 năm, ngày 19-6-1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong 117 vị tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh. Trong chương trình quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, một sự kiện đã làm cho mọi người biết đến các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Cách đây đúng 30 năm, ngày 19-6-1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong 117 vị tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh. Trong chương trình quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, một sự kiện đã làm cho mọi người biết đến các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Lúc bấy giờ, các phương tiện truyền thông của Việt Nam, từ báo chí đến truyền hình và truyền thanh, tất cả đều phản đối việc phong thánh tử đạo. Cho nên không những các Kitô hữu trong Hội Thánh Công giáo, mà cả các tín đồ của các tôn giáo khác, cả anh chị em lương dân, kể cả người không tin Chúa, ở đâu người ta cũng bàn tán về việc phong thánh. Họ hỏi nhau : các thánh tử đạo Việt Nam là ai vậy, họ đã làm gì, phong thánh là gì. Thật là nhiệm mầu: những người đã chết lặng lẽ trong khổ đau, nay lại được khải hoàn trên thiên quốc, được tôn vinh trong Giáo hội hoàn vũ, được biết đến ngay tại quê hương Việt Nam.
Tin Mừng đã đến Việt Nam từ năm 1516, khi ông Andrade người Bồ bị bão đánh trôi dạt vào Cù lao Chăm. Năm 1523, ông trở lại xin buôn bán nhưng việc không thành nên đã dựng Thánh giá ở đây. Từ năm 1533, các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chỉ trong thời gian ngắn, ngay cả trước khi chính quyền Pháp đến Việt Nam, số tín hữu gia tăng rất nhiều. Năm 1855, Hội Thánh Việt Nam đã có 426.000 tín hữu.
Suốt ba thế kỷ, đã xảy ra nhiều cuộc bách hại đẫm máu, ước tính khoảng 300.000 người đã chịu chết vì Danh Chúa Giêsu. Vị tử đạo đầu tiên là thầy giảng Anrê Phú Yên đã bị chém đầu vào năm 1644 và được phong chân phước năm 2000.
Riêng trong giai đoạn từ 1857 đến 1862, có khoảng 5.000 tín hữu bị giết, 40.000 tín hữu cùng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo. Trong số này, 117 vị đã được tuyên phong là Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam : có 8 giám mục và 13 linh mục là người nước ngoài, 96 vị là người Việt Nam trong đó có 37 linh mục và 59 vị khác gồm 14 thầy giảng, 1 chủng sinh, số còn lại là giáo dân, đặc biệt có một phụ nữ duy nhất là bà Anê Lê Thị Thành.
Giáo phận Phát Diệm cũng được vinh dự góp phần bốn vị tử đạo đã sinh trưởng tại đây :
Cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, sinh năm 1771 tại Trại Bò, nay thuộc xứ Hiếu Thuận, tử đạo năm 1840 ; thầy giảng Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, sinh năm 1796 tại làng Nộn Khê, nay thuộc xứ Quảng Phúc, tử đạo năm 1840 ; thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự, sinh năm 1811 tại Bình Hòa, tử đạo năm 1840 ; và bà Anê Lê Thị Thành, sinh khoảng năm 1781 tại Bái Đền, thuộc Thanh Hóa, sau về sống tại thôn Đồng, thuộc xứ Phúc Nhạc, tử đạo năm 1841.
Các vị tử đạo là ai ? Các ngài đã làm gì ?
Các thánh tử đạo là chứng nhân, người làm chứng cho Chúa Giêsu, đã sống Tin Mừng của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Với đức tin trung kiên và đức bác ái nồng nàn, các ngài đã tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương, sống thân ái với mọi người, quảng đại giúp đỡ người nghèo khổ, tôn kính tổ tiên, chăm lo cho hạnh phúc gia đình.
Đời sống các ngài thật tốt và không có điều gì phạm pháp ; các ngài chịu chết chỉ vì tin vào Chúa Giêsu. “Mặt đất đầy máu các vị tử đạo tựa như hạt giống, và từ hạt giống ấy nảy ra mùa gặt của Hội Thánh. Những người chết khẳng định Đức Kitô còn mạnh mẽ hơn những người sống. Ngày hôm nay các ngài đang khẳng định, ngày hôm nay các ngài đang rao giảng : tuy lưỡi đã im bặt, nhưng việc làm vẫn còn reo vang” (thánh Augustinô) … Thập giá Đức Kitô, mà họ đã thờ lạy chứ không chà đạp, đã trở thành sự sống và ơn cứu độ cho hết mọi người (Sắc chỉ phong Thánh Tử đạo Việt Nam).
Hôm nay, thật là thích hợp để chúng ta nghe lại lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong lễ phong thánh ngày 19-6-1988 :
“Chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 1, 23).
Mượn lời trên đây của thánh Phaolô, Giáo hội Rôma hôm nay gởi lời chào Giáo hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi. Đồng thời tôi xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng: cả Giáo hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc Việt Nam được muôn phần khang an…
Tôi cất tiếng với anh chị em để hô vang Chúa Kitô tử nạn thập giá. Tất cả chúng tôi hôm nay gởi lời cám ơn anh chị em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các Thánh Tử Đạo của Giáo hội Việt Nam…
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc lại những gì Chúa Kitô tiên đoán về sự kiện các Tông đồ và những ai theo chân Ngài sẽ bị bách hại : “Họ sẽ lôi các con ra toà công nghị, sẽ đánh đập các con giữa hội đường, sẽ điệu các con ra trước vua chúa quan quyền vì danh Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại … Khi bị nộp vào tay họ, các con đừng lo phải nói thế nào và nói gì, lúc đó sẽ dạy cho các con những điều phải nói. Vì thực ra không phải các con nói, nhưng Chúa Thánh Thần của Chúa Cha nói trong các con”…
Thật vậy, cần phải có sức mạnh và khôn ngoan từ Thiên Chúa mới có thể tuyên xưng mầu nhiệm Tình Yêu của Ngài, chính là tình yêu được diễn tả trong cuộc tử nạn trên thập giá để cứu chuộc trần gian: quả là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận của loài người. “Vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan của người đời, và cái yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn cả sức mạnh của phàm nhân” (1 Cr 1, 25)…
Đoàn thể đông đảo các vị Tử đạo, những gian lao đau khổ, những giọt nước mắt …, tất cả đã tạo nên “mùa lúa vàng” của Thiên Chúa. Các ngài là những bậc Thầy. Tôi xin mượn dịp này để nêu lên trước toàn thể Giáo hội sức sinh động và tầm vóc hùng tráng của Giáo hội Việt Nam: ý chí kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng vượt mọi khó khăn để tuyên xưng danh Chúa Kitô. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành mà Thánh Linh của Ngài hiện đang thực hiện một cách dồi dào giữa chúng ta.
Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: Máu các Thánh Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những ai là người Việt Nam vừa trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô.
“Máu các vị Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”.
“Hạt giống sinh ra các tín hữu”: ngoài con số từng ngàn từng vạn giáo dân trong các thế kỷ trước đây đã đi theo con đường tử nạn của Chúa, ngày nay đó là tất cả những ai đang lao động trong khắc khoải, trong khó nghèo cực độ về thể chất, kinh tế, trong hy sinh liên tục, nhưng chỉ mang một hoài bão là có thể trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa, xứng đáng danh hiệu những người quản lý trung thành trong Nước Trời.
“Hạt giống sinh ra các tín hữu”: đó là tất cả những ai ngày nay vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập giá của Chúa Kitô. Thánh giá bài trừ gian dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con người biết thinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho Nước Chúa trị đến trong tâm hồn nhân loại, và đặc biệt tại quê hương là môi trường sống của mình …”
Chúng ta sẽ làm gì trong Năm Thánh để mừng 30 năm ngày hồng phúc của Hội Thánh Việt Nam? Ngoài việc cử hành lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay, các giáo xứ sẽ luân phiên đến hành hương tại Đền Thánh Tử Đạo Phúc Nhạc để tạ ơn về hồng ân tử đạo, suy gẫm cầu nguyện, lãnh ơn toàn xá.
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã hướng dẫn cộng đoàn Dân Chúa như sau :
“Cùng với cuộc hành hương và làm việc đạo đức, các Kitô hữu cần làm các việc bác ái tông đồ : thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật …, đó là hành hương về với Đức Kitô (x. Mt 25, 34-36) ; đồng thời biết sám hối hi sinh : hạn chế sử dụng và giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết, để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng.
Năm Thánh mời gọi các tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để bắt chước các ngài sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay bằng cách chọn Chúa trên hết mọi sự, sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả mạng sống, để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời.
Các gia đình Công giáo hãy từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, để làm chứng rằng Tin Mừng về hôn nhân Công giáo là nẻo đường hạnh phúc. Đức Piô XII đã dạy: “Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là Thiên đàng”, vì gia đình đó là phản ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Các anh chị em sống đời thánh hiến hãy từ bỏ những ham muốn tự nhiên để sống trọn vẹn theo các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng Nước Trời là giá trị tuyệt đối và kho tàng vô giá ; qua đó, chúng ta có thể góp phần “thức tỉnh thế giới” như Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi.
Các linh mục hãy trung thành với lời thề hứa khi chịu chức, tận tụy thi hành bổn phận đã được trao phó trong khiêm tốn và cậy trông, làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử nhân lành, “hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10, 15), và hăng say rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dâng lời cầu nguyện và mọi việc lành của chúng ta lên Thiên Chúa, giúp chúng ta sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất. Ước mong anh chị em được hưởng trọn vẹn những ơn ích thiêng liêng mà Năm Thánh đem lại, biết dùng ơn Chúa ban để hăng hái phụng sự Chúa, phục vụ đồng loại, và tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.”
+ Gm Giuse Nguyễn Năng