Bà giáo Côi 1/4 thế kỷ mang chữ đến trẻ thiểu năng, tự kỷ
Suốt 1/4 thế kỷ, đều đặn mỗi ngày bà giáo Côi đứng lớp dạy chữ cho những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, lang thang cơ nhỡ.
Bà giáo Côi 1/4 thế kỷ mang chữ đến trẻ thiểu năng, tự kỷ
Suốt 1/4 thế kỷ, đều đặn mỗi ngày bà giáo Côi đứng lớp dạy chữ cho những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, lang thang cơ nhỡ.
Bà Nguyễn Thị Côi gắn bó với những đứa trẻ khuyết tật, trẻ lang thang cơ nhỡ suốt 25 năm qua – Ảnh: HÀ THANH
Được cầm phấn đứng trên bục giảng giúp bà quên đi tuổi tác, vui khi nhìn thấy sự tiến bộ của những đứa trẻ “tàn nhưng không phế”.
Bà Nguyễn Thị Côi (77 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) tâm niệm dù xã hội có nhìn những đứa trẻ như “bỏ đi”, có em học sinh mất cả năm trời mới nhớ được mặt chữ cái “a”, “o”, “ơ… nhưng chỉ cần kiên trì, mỗi ngày cố gắng từng chút một, kiểu gì các em cũng nhớ mặt chữ!
10 phần cũng được 4 phần!
8h30 sáng, bà Lê Thị Liên (73 tuổi) đứng ở cửa lớp, dõi theo đứa cháu gái đưa bàn tay nhỏ xíu nắn nót từng nét chữ. Khánh Linh – cháu gái của bà – năm nay bước sang tuổi 13 nhưng trí tuệ chỉ bằng đứa trẻ lớp 1.
Không tìm thấy lớp học nào phù hợp cho cháu, bà gõ cửa lớp học của bà giáo Côi. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, bà Liên kiên trì dắt tay đứa cháu ngoại đến lớp bà giáo Côi với mong mỏi cháu tìm thấy niềm vui với sách vở, con chữ.
“Cháu học ở đây, cô Côi tích cực dạy dỗ các cháu, hằng tuần gọi cháu lên đọc chữ cái. Xin vào lớp của cô Côi cháu tiến bộ hơn, 10 phần cũng được 4 phần”, ánh mắt người bà như hân hoan khoe với chúng tôi, bà nói đi học ở đây được 3 – 4 phần còn hơn ở nhà cháu không phát triển được phần nào.
Đều đặn đưa cháu đến lớp nhiều năm qua, điều mà bà Liên thấy biết ơn bà giáo già là nhiệt tình dạy dỗ các cháu, dạy trẻ tập đọc, tập đánh vần, làm toán cộng trừ nhân chia đủ cả. Nhận thấy tấm lòng thiện nguyện của bà giáo Côi, ngày lễ tết nhiều phụ huynh có tấm lòng kéo đến tặng quà cho bà giáo, người dăm chục, người một trăm, bà giáo Côi nhận nhưng là để… mua sách vở cho các con.
Cậu học trò Nguyễn Đinh Tuấn Anh (14 tuổi) gắn bó với lớp học của bà giáo Côi hơn 5 năm trời được bà ví như cái cây mọc giữa sa mạc! Sinh ra không có cha, còn mẹ đi nay đây mai đó, Tuấn Anh ở với bà ngoại, sớm sớm đi quét rác ở phố Mai Động mưu sinh.
“Khổ nhưng con có tính tăng động, từng vào học ở trường phổ thông nhưng không học nổi, chữ viết không được. Trước con có ngỗ nghịch, ra đây cô vừa dạy vừa dỗ giờ hiền lành, viết chữ đẹp rồi”, bà giáo Côi bộc bạch.
Thương cho gia cảnh của cậu học trò nhỏ, mỗi tháng bà Côi xin cho con được 10kg gạo, có quần áo mới bà cũng cho, mới đây còn xin cho con được một chiếc xe đạp mới để con đi học.
“Cô Côi hiền lành tốt bụng, giúp con học tiếng Việt, học toán”, gương mặt cậu học trò mới lớn vẻ ngượng ngùng khi nhắc đến chặng đường học trước đây, do ngỗ nghịch mà cậu bị đúp mấy năm liền, cũng nhờ bà giáo Côi dạy dỗ mà cậu trở nên chăm chỉ, ngoan ngoãn hơn.
Dạy vì tình thương
Suốt 25 năm qua, bà giáo Côi nặng lòng với những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, trẻ lang thang cơ nhỡ. Bà nhớ lại chặng đường từ năm 1994 tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ của TP Hà Nội, gắn bó với những đứa trẻ đến tận bây giờ.
Thời gian trước là hiệu trưởng của một trường tiểu học, mỗi tối bà cũng tham gia dạy học cho các trẻ em lang thang đường phố. Bà tâm sự: những đứa trẻ này bỏ quê hương lên thành phố bán hàng, tối đến về nhà trọ nghỉ ngơi, ở trên có chủ trương giúp đỡ các em có quyền học tập, không để các em lang thang đi vào tệ nạn xã hội, bà giáo xung phong tham gia ngay. Về hưu không chịu nghỉ ngơi, bà tiếp tục gắn bó với những đứa trẻ khuyết tật, 1/4 thế kỷ trôi qua bà nói dạy học vì một chữ: “Thương!”.
Mượn tạm phòng học của Nhà văn hóa phường Tân Mai (Hoàng Mai), bà Côi trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho 25 đứa trẻ bị khuyết tật, đứa bé nhất mới lên 8 nhưng lớn nhất cũng ngoài 30 tuổi. Phương pháp của bà Côi là kiên trì dạy từng em một theo trình độ tiếp thu của các em.
Chặng đường dài hơn 1/4 thế kỷ gặp nhiều khó khăn, vất vả như vậy nhưng bà Côi nói cả cô và trò đều vui: “Vui chứ, cô dạy các em đọc được viết được, nghe lời cô thì cô vui lắm”.
Còn cô học trò Khánh Linh nhanh nhảu khoe: “Viết chữ không khó đâu vì được chiến thắng, được thưởng quà. Con được phần thưởng đồ chơi, kẹo. Cô dạy con “o”, “ô”, “ơ”, giúp con học bài chăm chỉ. Con rất ngoan, nghe lời cô, rất yêu cô. Con là Khánh Linh sẽ ngoan ngoãn, học hành hơn nữa”.
Không chỉ dạy con chữ, bà giáo Nguyễn Thị Côi còn dạy các em về kỹ năng sống, cách sống, cách giao tiếp với mọi người. Thấy người lớn đến hỏi thăm, em lớp trưởng hô vang: “Cả lớp”, những đứa trẻ đang đùa nghịch, la hét đột nhiên dừng lại đứng phắt dậy, nghiêm trang chào: “Chúng con chào các cô ạ”.
Với phương pháp dạy bằng sự kiên trì từng bước nhỏ, yêu thương, 25 năm đứng lớp bà giáo Côi đã rèn giũa nên nhiều thế hệ học trò. Tiến bộ nhất phải kể đến cô học trò Nguyễn Thị Hương được bà giáo Côi dạy dỗ, động viên thi đỗ vào Học viện Tài chính và nay đã ra trường, kiếm được việc làm.
Nhờ biết mặt chữ, có em biết đọc biết viết tiếp tục đi học nghề sửa chữa xe máy, học đứng bếp nấu ăn, học cắt tóc, hay đơn giản nhờ học cô Côi mà các em biết đếm tiền, trả lại tiền cho người ta.
Đôi tay cô học trò nhỏ nắn nót từng nét chữ, với em việc cầm được bút đã rất khó khăn – Ảnh: HÀ THANH
Quên đi tuổi tác
“Đi đi đi lại dạy học thế này tôi cảm thấy mình quên đi tuổi tác, khỏe mạnh, cái đầu của tôi không bị lão hóa. Đến với các em cũng vui, tuy rằng cũng có cái bực mình nhưng khi giúp các em đọc được viết được, trở thành người có ích cho gia đình là tôi cảm thấy vui.
Nhiều người cho các em là bỏ đi nhưng với tôi, các em “tàn nhưng không phế”, tôi cứ dạy như chương trình phổ thông, không tiếp thu được thì dạy đi dạy lại, dạy nhiều các em sẽ nhớ”, bà giáo Nguyễn Thị Côi chia sẻ.
Cô bị trò cắn
Trong giờ dạy học, khi các em lên cơn cầm tay cô giáo Côi mà cắn, vồ lấy mà đánh. Bà giáo Côi bộc bạch không chấp nhặt những đứa trẻ, trái lại bà kiên trì tìm mọi cách để giúp đỡ các con, tìm bánh kẹo dỗ dành cho các con “hạ nhiệt”.
Mỗi em là một “giáo án riêng”, có cậu học trò học hết 5 năm cấp I nhưng không biết đọc biết viết, bà giáo Côi phải dạy lại từ đầu. Chỉ một chữ cái nhưng có em học đến hàng tháng trời cũng chưa thuộc, thậm chí cả năm trời.
“Mình phải có tình thương người, thương thực sự như trong gia đình, như ông bà, cha mẹ của các em, có thế mới chịu đựng được các em”, bà giáo Nguyễn Thị Côi tâm niệm.