‘Sát thủ’ ô nhiễm không khí
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kêu gọi tăng tốc hành động, thực thi sáng kiến đối phó với ô nhiễm không khí đang cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm.
‘Sát thủ’ ô nhiễm không khí
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kêu gọi tăng tốc hành động, thực thi sáng kiến đối phó với ô nhiễm không khí đang cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm.Người dân tháo chạy tránh cháy rừng tại tỉnh Riau, Indonesia AFP
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua thành lập Liên minh Không khí sạch do chính phủ các nước Tây Ban Nha và Peru dẫn đầu. Trang Healthpolicywatch dẫn lời Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Maria Luisa Carcedo cho biết khoảng 29 quốc gia và hơn 50 tổ chức trên thế giới sẽ cùng gia nhập liên minh với cam kết đảm bảo chất lượng không khí sạch vào năm 2030. Cùng ngày, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra tại New York (Mỹ) theo sáng kiến của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Song song đó, nhiều tổ chức từ thiện và phi chính phủ cũng công bố Quỹ không khí sạch nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực giảm các nguồn gây ô nhiễm không khí làm biến đổi khí hậu.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan ngại ngày càng gia tăng đối với tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là từ những vụ cháy rừng tại “lá phổi xanh” Amazon hay ở Indonesia vốn đang gây trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm ở Đông Nam Á.
7 triệu người thiệt mạng mỗi năm
Theo WHO, ô nhiễm không khí khiến khoảng 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm, trong đó đáng chú ý nhất là tại Đông Nam Á, nơi 99% các thành phố có mức ô nhiễm vượt ngưỡng an toàn. Tại vùng đô thị Manila (Philippines), mức độ ô nhiễm các chất dạng hạt PM2.5 vượt ngưỡng khuyến cáo của nước này lẫn WHO. Cũng tại châu Á, Ấn Độ có đến 14 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới và khoảng 900.000 người thiệt mạng hằng năm vì ô nhiễm không khí. Theo ông Bjarne Pedersen, Giám đốc Tổ chức Không khí sạch châu Á, giải pháp đang có sẵn nhằm đối phó với mối đe dọa nghiêm trọng về sức khoẻ tại châu lục nhưng khó khăn lớn là thiếu nguồn lực tài chính.
Theo Liên minh Khí hậu và sức khỏe toàn cầu (GCHA), ô nhiễm không khí dẫn đến tử vong, thương tích, suy dinh dưỡng và lây lan các bệnh truyền nhiễm. “Thực ra, chỉ cần một biến động cực đoan của thời tiết hoặc thay đổi của cơ thể dưới tác động của khí hậu cũng để lại hậu quả kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm đối với sức khỏe”, tổ chức này cảnh báo trong thông cáo gửi đến Thanh Niên. Theo GCHA, ô nhiễm không khí có nguyên nhân từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch, hệ thống thực phẩm công nghiệp, sử dụng đất quá mức không để hệ sinh thái kịp phục hồi… gây ảnh hưởng nặng nề đối với hệ hô hấp, tim mạch cũng như sự phát triển của trẻ em và trẻ sơ sinh. “Việc giảm thiểu biến đổi khí hậu đem lại cơ hội lớn trong việc cải thiện sức khỏe, thông qua giảm ô nhiễm không khí, cải thiện chế độ ăn và các cộng đồng khuyến khích lối sống lành mạnh và tích cực”, theo GCHA.
Hành động khẩn cấp
Theo bà Jane Burston, Giám đốc Quỹ không khí sạch, việc thiếu đầu tư vào lĩnh vực cải thiện chất lượng không khí có thể khiến số người tử vong do ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính tăng lên gấp đôi vào năm 2050. Bước đầu, quỹ sẽ tập trung vào các dự án nhằm phổ biến dữ liệu về chất lượng không khí, thông qua các dự án như Breath London ở Anh. Dự án này tạo mạng lưới cảm biến di động để trẻ em, cha mẹ biết và tránh những tuyến đường ô nhiễm không khí ở mức cao khi đi bộ đến trường. Bên cạnh đó, quỹ cũng hỗ trợ hành động của chính quyền địa phương, thông qua việc phối hợp với các tổ chức như C-40 kết nối các thành phố trên thế giới nhằm mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, giúp các địa phương nỗ lực giảm ô nhiễm, tiến tới đảm bảo chất lượng không khí.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh tại New York, Liên minh Khí hậu và không khí sạch (CCAC) thống nhất sẽ tăng tốc các nỗ lực nhằm giảm thiểu những chất gây ô nhiễm trong thập niên tới, tiến tới nền kinh tế không carbon vào năm 2050. Tại hội nghị, gần 30 sáng kiến được đưa ra nhằm thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu, đáng chú ý là các sáng kiến làm sạch không khí và cơ chế cho các nước phát triển tiếp cận nguồn tài chính quốc tế trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Nguy cơ cho 10 triệu trẻ em Đông Nam Á
AFP ngày 24.9 dẫn thông tin từ Tổ chức UNICEF cảnh báo các vụ cháy rừng ở Indonesia đang phát thải một lượng lớn khí ô nhiễm gây nguy cơ cho gần 10 triệu trẻ em ở Đông Nam Á. Các vụ hỏa hoạn kèm khói bụi phát tán suốt nhiều tuần qua khiến hàng loạt trường học phải đóng cửa, trong khi nhiều người đổ xô mua khẩu trang và chữa bệnh đường hô hấp. Theo UNICEF, gần 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang sống tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề từ các vụ cháy rừng trên đảo Sumatra và Borneo. Trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, trong khi đó những phụ nữ mang thai sống trong môi trường ô nhiễm dễ sinh non và trẻ bị thiếu cân.
KHÁNH AN