Các thảm hoạ thuỷ ngân trên thế giới: bài học từ quá khứ
Thế giới từng chứng kiến nhiều thảm hoạ nhiễm độc thuỷ ngân để lại nỗi ám ảnh đến tận ngày nay mà không khoản tiền bồi thường nào có thể làm nguôi ngoai.
Các thảm hoạ thuỷ ngân trên thế giới: bài học từ quá khứ
Thế giới từng chứng kiến nhiều thảm hoạ nhiễm độc thuỷ ngân để lại nỗi ám ảnh đến tận ngày nay mà không khoản tiền bồi thường nào có thể làm nguôi ngoai.
Tháng 8-2017, Công ước đầu tiên về thuỷ ngân của Liên Hiệp Quốc – Công ước Minamata bắt đầu có hiệu lực sau khi được 76 bên phê chuẩn trên 128 bên ký kết, nhằm kiểm soát việc thải thủy ngân trong công nghiệp, cấm mở các mỏ khai thác thủy ngân và hạn chế sử dụng kim loại độc hại này trong các mỏ vàng nhỏ và thủ công.
Công ước được đặt theo tên thảm họa nhiễm độc thuỷ ngân gây chấn động thế giới tại vịnh Minamata của Nhật Bản với hơn 600 tấn thủy ngân bị thải ra biển từ 1932 đến 1968. Hậu quả của nó vẫn còn kéo dài đến ngày nay.
Ác mộng Minamata
Vào một ngày của tháng 5-1956, bốn bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tại thành phố Minamata ở bờ tây của đảo Kyushu, Nhật Bản, với các triệu chứng giống nhau: sốt cao, co giật, loạn tinh thần, mất nhận thức, hôn mê và sau đó tử vong. Sau đó, hàng loạt trường hợp tử vong tương tự khiến các bác sĩ lập tức bật báo động. Không chỉ con người, các loài động vật, chim địa phương cũng chết vô số.
Nguyên nhân được xác định là nhiễm độc thuỷ ngân. Kết quả xét nghiệm hàm lượng thủy ngân trong tóc các bệnh nhân tại Minamata lên đến 705 ppm, trong khi ở những người không có biểu hiện mắc bệnh, hàm lượng này cũng lên đến 191 ppm. Ngày nay, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ giới hạn ngưỡng an toàn đối với thủy ngân chỉ là 1 ppm.
Rimiko Yoshinaga, một nhân chứng của thảm họa, nhớ lại khoảng thời gian mà cả gia đình bà cùng đổ bệnh, họ đã chứng kiến nhiều điều bất thường: cá nổi lềnh bềnh khắp mặt biển và thịt khi ăn vẫn rất ngon, chuột sinh sôi do mèo chết hàng loạt và quạ rớt từ trên trời xuống. Rimiko còn quá nhỏ để nhớ về triệu chứng của người thân trong gia đình, nhưng mẹ bà, bà Mitsuko Oya – 92 tuổi, còn thì nhớ rõ. “Chồng tôi hay than phiền rằng ông ấy không thể nói chuyện bình thường được. Ông ấy muốn nói nhưng không thể thành lời”.
Thủ phạm được nghi là nhà máy hóa chất của tập đoàn sản xuất phân bón Chisso đã xả thủy ngân hữu cơ dạng methyl (methylmercury) ra vịnh Minamata nhưng tập đoàn này chối bỏ trách nhiệm, cho rằng mình đã hoạt động từ 1907 và không có vấn đề gì xảy ra.
Đến năm 1959, chính phủ Nhật Bản mới tiến hành điều tra và mất 12 năm kể từ khi trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận, người ta mới kết luận hung thủ chính là Chisso. Thật ra, nhà máy của Chisso đã điều chỉnh hoạt động từ 1951 và bắt đầu thải một lượng lớn thủy ngân ra môi trường. Chất hóa học kịch độc này tích tụ trong cá và các loài hải sản ở vịnh Minamata. Và người dân địa phương bị nhiễm độc thuỷ ngân vì ăn cá.
Shinobu Sakamoto (phải), 61 tuổi và là một nạn nhân nhiễm độc thuỷ ngân, cùng mẹ đến khám tại bệnh viện Minamata – Ảnh: REUTERS
Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 900 người thiệt mạ
ng và 2.256 người được xác nhận nhận nhiễm độc thủy ngân trong thảm họa Minamata. Tuy nhiên, hậu quả vẫn tiếp tục kéo dài khi nhiều trẻ em tại Minamata sau đó với những triệu chứng thần kinh nghiêm trọng mà các nghiên cứu sau này cho thấy là do thủy ngân truyền từ người mẹ sang thai nhi.
Tính đến 2004, Chisso đã phải bồi thường hơn 86 triệu USD cho các nạn nhân và phải dọn sạch thủy ngân trong khu vực theo yêu của chính phủ. Đến 2017, vẫn còn hàng ngàn người đòi bồi thường từ tập đoàn này.
Ám ảnh hiện tại
Nhiều năm sau thảm họa Minamata, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều vụ nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng như nhiễm thuỷ ngân ở công ty Kodaikanal của tập đoàn Hindustan Unilever ở Ấn Độ. Từ 2001, hàng loạt công nhân của cho thấy các dấu hiệu nhiễm độc mà nguyên nhân được cho là do công ty Kodaikanal xử lý thủy ngân không đúng quy định.
Hơn 1.000 cựu công nhân Kodaikanal được xác nhận bị nhiễm độc thủy ngân nặng. Theo điều tra của chính phủ Ấn Độ, mức thủy ngân trong không khí, nước, đất ở xung quanh Kodaikanal nhiều hơn 1.000 lần so với tiêu chuẩn bình thường.
Hay năm 2017, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã khởi kiện ba công ty ở các bang Mississippi, Illinois và Texas làm rò rỉ thủy ngân ra môi trường, đòi bồi thường hàng triệu USD. Các công ty này được cho là đã làm rò rỉ thủy ngân trong hàng chục năm trước khi bị phát hiện.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, nhiễm độc thuỷ ngân đang có xu hướng trở thành một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Trong một trăm năm qua, các hoạt động của con người đã làm tăng gấp đôi lượng thủy ngân trong 100 m nước trên bề mặt các đại dương. Ngày nay, con người tiếp tục thải ra trung bình 2.960 tấn thủy ngân ra biển mỗi năm, theo LHQ.
Lượng thuỷ ngân ngày càng cao ở đại dương không chỉ đầu độc các sinh vật mà còn đe doạ con người – Ảnh: SEAS
Không chỉ đầu độc hành tinh, hành động này còn gây hại đến sức khoẻ chính con người, nhất là tại các đảo quốc và lãnh thổ nằm trên biển.
Theo một nghiên cứu mới đây của tổ chức y tế môi trường IPEN, khi phân tích mẫu tóc của 757 phụ nữ tại 21 đảo quốc trên toàn cầu, đại diện cho 66 triệu dân, hầu hết các mẫu đều vượt ngưỡng an toàn 1 ppm.
Cuộc khủng hoảng thuỷ ngân ngày nay được cho là xuất phát từ các nhà máy năng lượng than cùng với việc khai thác vàng quy mô nhỏ và sản xuất metal, vinyl, vốn tập trung tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhưng việc thực thi Công ước Minamata được hy vọng sẽ là bước đầu kiểm soát cuộc khủng hoảng. “Công ước Minamata cho thấy nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ hành tinh và mọi người có thể tiếp tục đưa các quốc gia lại gần nhau. Cùng nhau, chúng ta có thể dọn dẹp những hành động của mình” – giám đốc môi trường LHQ Erik Solheim nói. “Đây không phải là biến đổi khí hậu. Đây là một vấn đề mà hầu hết thế giới đều đồng ý rằng chúng ta có thể làm gì đó” – Susan Keane của tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhận định.
Dù vậy, một số ý kiến dù đánh giá cao việc Công ước Minamata nâng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng cho rằng cách trực tiếp và đơn giản nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng thuỷ ngân là cắt giảm khí thải, ngưng việc sử dụng than và chuyển sang các loại năng lượng mới.