25/11/2024

Báo động ô nhiễm không khí

Cháy rừng tại Indonesia chưa dừng lại, cùng với lượng phát thải ngày càng lớn, không khí ô nhiễm được dự báo sẽ còn tiếp tục ‘bủa vây’ TP.HCM trong những ngày tới.

 

Báo động ô nhiễm không khí

Cháy rừng tại Indonesia chưa dừng lại, cùng với lượng phát thải ngày càng lớn, không khí ô nhiễm được dự báo sẽ còn tiếp tục ‘bủa vây’ TP.HCM trong những ngày tới.

 
 
 

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội – Ảnh: Trần Hữu

 

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, những ngày qua TP.HCM chìm trong một lớp mù là do Nam bộ đang chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nằm trên khu vực nam Trung bộ. Dải hội tụ này gây mưa diện rộng, mưa bất kể thời điểm nào trong ngày. Mưa rải rác khiến trong không khí luôn có nhiều hơi nước tạo thành lớp mù giảm tầm nhìn, giống như mây ở tầng thấp. Đài dự báo bắt đầu từ ngày 23.9, sương mù sẽ giảm. Tuy nhiên thực tế, dù nắng nhẹ vào buổi sớm nhưng từ trưa đến tối, TP.HCM lại liên tục xuất hiện những cơn mưa rải rác, tình trạng sương mờ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chất lượng không khí “đỏ quạch”

Đến năm 2035 con số tử vong vì ô nhiễm môi trường ở VN có thể lên đến 100.000 người một năm và thiệt hại về người dẫn đến thiệt hại kinh tế tương đương 5 – 7% GDP vào năm 2013

TS Lê Việt Phú (ĐH Fulbright)

Theo các chuyên gia môi trường, lớp mù sương này không đơn thuần là sương mù bức xạ mà là sự hội tụ từ khói, cát, bụi từ cháy rừng bên Indonesia ngưng kết vào lớp độ ẩm trong không khí cao, hòa cùng khí phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nói cách khác, đây chính là lớp không khí ô nhiễm nghiêm trọng với lượng bụi mịn đo được đã đạt mức 2.5 – mức nguy hại đối với sức khỏe con người.

 

 
 

 

Hiện tượng sương mù ở TP.HCM có thể gây bệnh đường hô hấp – Thực hiện: Truyền hình Báo Thanh Niên – Ảnh:

Đáng chú ý, chưa kịp hết hoang mang về thông tin sương mù bao phủ những ngày qua là do ô nhiễm, người dân TP lại tiếp tục đón thêm tin buồn khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức xấu – thuộc nhóm có hại cho sức khỏe con người (mức màu đỏ).

Bảng điện tử trên đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thể hiện thông số ô nhiễm từ tháng 3.2018 – Ảnh chụp chiều tối 23.9.2019 – Ảnh: Khả Hoà

 

Cụ thể, theo bản đồ trực quan chỉ số chất lượng không khí, sau khi đạt “đỉnh” 175 vào ngày 20.9, chỉ số AQI trong 6 ngày tới tại TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao với mức cao nhất là 162 ngày hôm qua (23.9), ngày 24.9 là 140; ngày 25, 26.9 dao động trong khoảng 154 – 158. Chỉ giảm xuống 1 ngày vào thứ sáu 27.9 (89), không khí tiếp tục quay trở lại ô nhiễm nghiêm trọng vào thứ bảy 28.9 với AQI đo được là 149.

Nhìn vào bảng đo không khí hằng ngày, anh Đoàn Chí, người đang tham gia nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường tại TP.HCM, không khỏi giật mình: “Có lẽ chưa bao giờ chất lượng không khí tại TP.HCM tệ như thời điểm này. Bản đồ trực quan báo một màu đỏ quạch. Tại Hà Nội còn kinh khủng hơn, có những ngày lên tới mức cực kỳ nguy hiểm – màu tím. Kéo dài thêm ngày nào, ô nhiễm không khí càng đe dọa lớn đến đời sống của người dân thêm ngày ấy”.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dự báo trong tuần tại một số thành phố

Nguồn: Bản đồ trực quan chỉ số chất lượng không khí – Ảnh: Trần Hữu – Đồ hoạ: hồng sơn

 

Kẻ giết người thầm lặng

Cùng với sự đổ bộ của “không khí bẩn”, hàng loạt căn bệnh về hô hấp đang đe dọa đời sống của người dân TP.HCM. TS Trần Ngọc Đăng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, phân tích bụi mịn là loại bụi có kích thước siêu nhỏ, có thể đi sâu vào đường hô hấp gây khó thở, tức ngực, giảm chức năng phổi, gây ra các đợt kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dẫn đến các bệnh liên quan đến hô hấp như ho, hen suyễn… Đáng lo ngại là tác hại về lâu dài của loại bụi này cực kỳ nguy hiểm. Những hạt bụi mịn có thể xâm nhập vào máu gây ra một số bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bụi mịn còn có thể xâm nhập qua nhau thai, gây ảnh hưởng đến thai nhi. Đặc biệt, một vài nhà nghiên cứu trên thế giới còn tìm ra mối liên hệ giữa bụi mịn và bệnh ung thư.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định bụi mịn chính là “kẻ giết người thầm lặng” và khẳng định ô nhiễm không khí đang là “mối đe dọa khẩn cấp cho sức khỏe cộng đồng”. Theo thống kê của WHO ở VN, năm 2016 hơn 60.000 người chết do bệnh tim, phổi và các chứng bệnh khác liên quan tới ô nhiễm không khí. Như vậy trung bình mỗi ngày có 164 người tử vong chỉ vì… hít thở.

Thực tế, từ năm 2013, trong nghiên cứu “Ước lượng thiệt hại sức khỏe và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại TP.HCM, giai đoạn 1990 – 2013”, TS Lê Việt Phú (ĐH Fulbright) đã chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở VN đã tăng trong 20 năm nay và sẽ tồi tệ hơn trong tương lai nếu không có biện pháp khắc phục. Đến năm 2035 con số tử vong vì ô nhiễm môi trường ở VN có thể lên đến 100.000 người một năm và thiệt hại về người dẫn đến thiệt hại kinh tế tương đương 5 – 7% GDP vào năm 2013. TS Phú cho biết tính toán mới đây cho thấy con số tử vong đã tăng lên rất nhiều, khoảng 60.000 ca tử vong năm 2015 (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

Cơ quan chuyên môn hoàn toàn bị động

TS Lê Anh Tuấn bức xúc: “Rất phí phạm khi sử dụng ngân sách để đầu tư và vận hành hệ thống trạm quan trắc, đo đạc nhưng lại không mang lại tác dụng hữu hiệu cho người dân. Có trạm quan trắc, có số liệu nhưng không công khai thường xuyên hoặc không lý giải cho người dân hiểu thì có ý nghĩa gì? Đáng ra ngay từ khi xảy ra cháy rừng ở Indonesia, cơ quan chuyên môn phải đưa ra được những dự báo và đề ra phương án phòng tránh sớm cho người dân. Sự tắc trách này nếu không kịp thời xử lý và chấm dứt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng bởi thực tế, không ít người dân đã tưởng những lớp mù bẩn kia là sương mùa thu và đua nhau “tận hưởng”. Hậu quả ai chịu?”.

Ô nhiễm không khí báo động, tình trạng sức khoẻ của người dân bị đe dọa nghiêm trọng nhưng các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), Sở Y tế TP.HCM gần như hoàn toàn bị động. Hiện tượng sương mù bắt đầu diễn ra từ ngày 18.9 nhưng đến ngày 20.9, khi rất nhiều người dân lên tiếng thắc mắc, cơ quan nhà nước vẫn hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Cho đến hôm qua (23.9), trên trang web của Sở TN-MT, Sở Y tế vẫn chưa có bất cứ bản tin thông báo nêu rõ nguyên nhân hay đưa ra những khuyến cáo về tình trạng “sương mù bẩn” này.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Sở TN-MT TP hiện quản lý 20 trạm quan trắc, đo đạc các thông số về chất lượng không khí, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường… Từ năm 2007, Sở đã đặt 6 trạm quan trắc để đo bụi tại những vị trí ảnh hưởng do hoạt động của giao thông, gồm: Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ, Phú Lâm, An Sương, Gò Vấp, Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh. Chỉ số quan trắc trong 10 năm qua cho thấy các chỉ số luôn vượt mức quy chuẩn. Trước tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi ngày càng tăng, đơn vị này cho biết đã đưa thông tin quan trắc môi trường ở TP lên 48 bảng điện tử đặt trên nhiều tuyến đường, giúp người dân dễ dàng theo dõi chất lượng môi trường sống. Đồng thời, đăng tải lên website của ngành, qua điện thoại thông minh và thông qua nhiều kênh để người dân có thể theo dõi đa chiều, cùng giám sát môi trường với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên chiều qua (23.9), bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TP, chỉ trả lời ngắn gọn: “Hiện Sở đang tổng hợp thông tin, chưa đủ cơ sở để trả lời”.

Trước câu trả lời từ phía cơ quan nhà nước, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, tỏ ra rất bức xúc. Theo ông, hiện trên thị trường đã có rất nhiều công cụ đo đạc hàm lượng ô nhiễm trong không khí. Người dân cũng có thể tự tải ứng dụng trên điện thoại để theo dõi tình trạng ô nhiễm. Thế nhưng không phải ai cũng có đủ hiểu biết, trình độ để quan tâm đến vấn đề này. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải lập tức thông báo, cảnh báo cho người dân khi xuất hiện những biến động bất thường về thời tiết, môi trường và khuyến cáo những phương án đối phó phù hợp.

 

Hà Mai – Đình Sơn