Chúa nhật XXII TN C 2019: Khiêm nhường như Chúa Giêsu
Xin Chúa giúp ta nhận biết giá trị cao quý của mình cũng như của anh chị em để luôn giữ lòng tự trọng và khiêm nhường, dám chia sẻ một cách quảng đại. Chúng ta càng hạ mình xuống thì Thiên Chúa càng nâng chúng ta lên.
Chúa nhật XXII TN C 2019
Khiêm nhường như Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở:
Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta học bài học khiêm nhường để có thể diễn tả trong đời sống như Chúa Giêsu.
1. Bài học ít được đón nhận
1.1. Tình trạng xã hội
Trong xã hội hiện nay, nếu sống khiêm tốn thì nhiều khi ta rất thiệt thòi. Thí dụ: trong một buổi họp mặt, nếu ta khiêm tốn im lặng, không cho ai biết mình là một tiến sĩ hiểu biết vấn đề, làm giám đốc một công ty, đang mang trách nhiệm lớn với cộng đồng thì chẳng ai chú ý đến ta. Nếu ta phát biểu thì chẳng ai thèm nghe, và thậm chí có khi ban tổ chức cũng không cho ta nói.
Hơn nữa, dường như không ai nhường ai trong bữa tiệc cuộc đời, ai cũng muốn chọn cỗ nhất như Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng (x. Lc 14,7-14). Cỗ nhất là chỗ có giá trị vì được ngồi chung với những người có địa vị cao, được trọng vọng, dễ giao thiệp, dễ làm ăn, có nhiều đồ ăn thức uống cao cấp hơn cỗ dưới nên trong xã hội người ta cố tìm cho mình qua những thẻ VIP, những tấm bằng, học vị, chức danh…Nhiều người Việt Nam tự phong cho mình chức giám đốc khi mở những nhà hàng nhỏ như cái mắt muỗi hay những trung tâm dạy nghề vớ vẩn với chục học trò!
1.2. Lời mời gọi của Đức Giêsu
Tuy nhiên, Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta vượt lên trên những tham vọng tự tôn và chiếm hữu để sống khiêm tốn. Người đề nghị khi vào dự bữa tiệc cuộc đời, ta hãy ngồi vào chỗ cuối, để ông chủ tiệc đến nói với chúng ta rằng: “Xin mời bạn lên trên cho”. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ hãnh diện với những người khách đồng bàn. Nhưng ông chủ bữa tiệc cuộc đời ở đây là ai? Tại sao Chúa Giêsu lại yêu cầu chúng ta sống khiêm nhường để tìm chỗ cuối như Người đã nói: “Anh em hãy học cùng tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
2. Ý nghĩa của bài học khiêm nhường
2.1. Khiêm tốn là gì?
Trong câu nói của Chúa Giêsu, ngài chỉ dùng 1 từ, nhưng bản văn tiếng Việt lúc thì dịch “khiêm tốn”, lúc thì dịch “khiêm nhường”. Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt (x. Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ, NXB Đà Nẵng, 2013), khiêm tốn là “có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ”. Theo nghĩa chữ Hán, “khiêm” là hạ mình xuống, “tốn” là lùi lại đàng sau.
Để có thể đánh giá đúng mức bản thân, chúng ta cần phải nhận ra được vị trí của mình trong các mối tương quan với Thiên Chúa, với người khác, với vạn vật và nhất là với chính mình. Chúng ta cần nhận biết mình là ai và mình đang có gì, nghĩa là phân biệt được giá trị của hiện hữu và sở hữu. Trong đời sống ở trần thế, chúng ta thường coi trọng những gì mình có, đánh giá nhau theo những cái mình có, mà quên đi giá trị mình đang “là” con người và là con Thiên Chúa. Trong mối tương quan nền tảng với Thiên Chúa, ta mới thấy mình cần khiêm tốn để được Chúa nâng lên: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).
Chúa yêu thương ta nên đã tạo thành ta từ hư không. Vậy trước mặt Thiên Chúa, tất cả mọi cái ta có đều bởi Ngài, được Ngài cho không. Trước một Thiên Chúa vô cùng cao quý, tốt lành, đẹp đẽ, khôn ngoan, thánh thiện, con người chỉ là thụ tạo thấp hèn, tội lỗi, nên không thể tự mãn về những gì mình đang có, coi những thứ đó là do chính công sức, tài năng mình làm nên.
Hơn nữa, trong tương quan với con người, ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng: những thứ mà ta đang hãnh diện về mình như kiến thức, tài năng, bằng cấp, tài sản, sắc đẹp… đều không phải tự ta làm nên, mà là do sự đóng góp của rất nhiều người trong suốt dòng lịch sử văn minh của nhân loại. Vì thế, ta đừng quá tự mãn về chúng và đòi quyền sở hữu khắt khe như rất nhiều người hiện nay. Thí dụ ta hãnh diện mình là tiến sĩ khoa học, nhưng có phải mọi thứ đều do ta phát minh đâu. Ta phải nhờ biết bao con người tìm tòi trước ta, từ những phép toán đơn giản “hai cộng hai là bốn” cho đến những bài toán phức tạp hơn.
Hiện nay nhiều người đòi quyền sở hữu trí tuệ một cách quá đáng, bất công. Ông Bill Gates, chủ tịch tập đoàn Microsoft là người giàu nhất thế giới trong nhiều năm liền. Tính đến ngày 16/7/2019, ông đang xếp hạng 3 sau khi góp 35 tỷ đô là cho quỹ Bill & Melinda-Gates với số tài sản là 104 tỷ đôla Mỹ. Người ta đã phải trả cho ông vài chục đô la cho mỗi máy vi tính để được cài đặt các phần mềm của công ty này. Nếu tự ý cài đặt, hệ thống bảo vệ sẽ làm cho máy tính bị phá huỷ bằng các virus như ta thấy xảy ra ở nhiều nước nghèo như Việt Nam. Các chuyên gia máy tính Ấn Độ tạo ra một phần mềm khác nhờ đó các học sinh cấp Hai có được máy tính với giá chỉ khoảng 20 đô la Mỹ, vì thế ngành tin học của Ấn Độ hiện nay đang dẫn đầu thế giới.
2.2. Khiêm nhường là gì?
Khiêm nhường là “khiêm tốn và nhường nhịn trong quan hệ đối xử, không giành cái hay, cái tốt cho mình mà sẵn sàng nhường cho người khác”. Khiêm nhường cao hơn khiêm tốn một bậc và nói lên quan hệ đối xử trong xã hội.
Nhưng tại sao ta phải nhường cái hay cái tốt cho người khác mà không giữ lại cho mình? Hành động này bắt nguồn từ nhận thức về tình yêu của Thiên Chúa: Ngài đã yêu thương ta đến nỗi ban Con Một Ngài cho ta (x. Ga 4,16). Người con đó là tất cả những gì cao cả, đẹp đẽ, tốt lành của Thiên Chúa đã được ban cho ta là những tội nhân. Thiên Chúa nhường điều tốt cho ta để cho ta được tốt như Ngài. Thiên Chúa nâng ta lên bằng với Ngài. Vì thế, khi biết nhường cái hay, cái tốt cho người khác là ta đang hành động giống như Thiên Chúa. Hành động này rất đẹp lòng Chúa và đáng Ngài ban thưởng. Đó là ý nghĩa lời khuyên của Đức Giêsu nói với người đã mời Người dự tiệc: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù… Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,13-14).
3. Khiêm nhường như Chúa Giêsu
Chúa Giêsu mời gọi ta sống khiêm nhường thật lòng như Người để khám phá ra sự thật về con người của mình, từ đó chúng ta mới có quan hệ đúng mức trong việc đối xử với người khác.
Đức Giêsu là Thiên Chúa vô cùng cao sang với quyền năng và kiến thức vô tận, nhưng Người đã tự nguyện trở thành một con người bị giới hạn trong không gian và thời gian như ta. Người lại còn hạ mình sâu hơn là trở thành một người bị loại bỏ, bị đóng đinh và chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ loài người và hoà giải muôn loài với Chúa Cha. Chính nhờ thái độ khiêm tốn, khiêm nhường của Người mà chúng ta được nâng lên để trở thành con Thiên Chúa như Người. Nếu chúng ta hạ mình xuống như Đức Giêsu thì ông chủ bữa tiệc cuộc đời là Chúa Cha chắc chắn sẽ nhìn thấu và ban tặng cho chúng ta tất cả những vinh quang, danh dự mà Ngài đã dành cho Con của Ngài như bài đọc I nhắc nhở: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3,17-18).
Khi chúng ta hiểu mình và hiểu được anh em như thế thì trong bữa tiệc cuộc đời, ta mới sẵn lòng chia sẻ cho người khác những tài năng, phương tiện, kiến thức Chúa ban, giống như ông chủ bữa tiệc mời những người nghèo khó, tàn tật vào dự tiệc. Chúng ta bước vào đời với đôi bàn tay trắng thì ra khỏi đời cũng vẫn trắng đôi tay! Cái chúng ta giữ lại được chính là tình yêu và phần thưởng của Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh hằng, khi đến “dự hội vui với muôn vàn thiên sứ, giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, với linh hồn những người công chính” như bài đọc II diễn tả (x. Do Thái, 12,18-24).
Kết luận
Nhân dịp học lại bài học khiêm nhường của Đức Giêsu, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp ta nhận biết giá trị cao quý của mình cũng như của anh chị em để luôn giữ lòng tự trọng và khiêm nhường, dám chia sẻ một cách quảng đại. Chúng ta càng hạ mình xuống thì người chủ của chúng ta là Thiên Chúa càng nâng chúng ta lên. Xin Mẹ Maria, người Nữ Tỳ của Thiên Chúa, dạy chúng con sống khiêm nhường như Chúa Giêsu, Con Mẹ.