Đức Thánh Cha kêu gọi các nước bảo vệ và thăng tiến giáo dục
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến 6 tân Đại sứ cạnh Toà Thánh, sáng ngày 13-12-2012, ĐTC Bênêđictô XVI đề cao vai trò của giáo dục và kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh việc giáo dục cho người trẻ, trong sự tôn trọng sự thật về con người. 6 vị đại sứ đến trình thư uỷ nhiệm là Cộng hoà Guinée, tiểu quốc Saint Vincent, Grenadines, Niger, Zambia, Thái Lan và Sri Lanka.
Đức Thánh Cha kêu gọi các nước bảo vệ và thăng tiến giáo dục
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến 6 tân Đại sứ cạnh Toà Thánh, sáng ngày 13-12-2012, ĐTC Bênêđictô XVI đề cao vai trò của giáo dục và kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh việc giáo dục cho người trẻ, trong sự tôn trọng sự thật về con người.
6 vị đại sứ đến trình thư uỷ nhiệm là Cộng hoà Guinée, tiểu quốc Saint Vincent, Grenadines, Niger, Zambia, Thái Lan và Sri Lanka.
Hiện nay có 178 quốc gia lớn nhỏ có quan hệ ngoại giao với Toà Thánh trên cấp bậc Sứ thần về phía Toà Thánh, và đại sứ về phía các nước liên hệ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 80 vị đại sứ thường trúc ở Roma, phần còn lại, gần 100 vị kiêm nhiệm chức vụ đại sứ ở một nước Âu châu và thường trú tại đó, ví dụ Đại sứ Ibrahima Sory Sow của Cộng hoà Guinée cũng là đại sứ tại Đức và thường trú tại Berlin.
Các vị đại sứ cạnh Toà Thánh, thường trú ở Roma, khi trình thư uỷ nhiệm, thì được ĐTC tiếp kiến riêng, còn các vị Đại sứ không thường trú, thì được ngài tiếp kiến chung như sáng 13-12-2012.
Trước đây, mỗi khi ĐTC tiếp kiến vị đại sứ mới, đều có sự trao đổi diễn văn giữa hai bên, và cả khi ngài tiếp kiến chung các vị tân đại sứ, ngoài diễn văn chào mừng chung, đều có diễn văn riêng được trao đổi giữa hai bên. Tuy nhiên, thói quen này đã được bãi bỏ từ khoảng 2 năm nay, và Toà Thánh cũng theo thông lệ như các nước khác nghĩa là không có trao đổi diễn văn riêng.
Diễn văn của ĐTC
Trong bài diễn văn bằng tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt đề cao tầm quan trọng của vấn đề giáo dục người trẻ, và khích lệ chính phủ các nước đặc biệt quan tâm đẩy mạnh một nền giáo dục quân bình và toàn diện.
Ngài nói: “Khi kiểm điểm nhiều thách đố thời nay, chúng ta có thể nhận thấy rằng giáo dục chiếm một cố đứng hàng đầu. Ngày nay, giáo dục diễn ra trong bối cảnh trong đó sự biến chuyển của lối sống và kiến thức tạo nên những rạn nứt về mặt con người, văn hoá, xã hội và tinh thần chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Những mạng xã hội, là một điều mới mẻ, chúng có xu hướng thay thế môi trường tự nhiên của xã hội và của việc đả thông, và thường trở thành điểm tham chiếu duy nhất về thông tin và kiến thức. Gia đình và học đường dường như không còn là thửa đất màu mỡ đầu tiên và tự nhiên trong đó người trẻ có thể kín múc nhựa sống cho cuộc đời. Đàng khác, trong lĩnh vực học đường và đại học, quyền bính của giáo viên và giáo sư bị đặt lại vấn đề, và đáng tiếc là khả năng của một số giáo chức ấy không tránh khỏi những thiên lệch về tri thức và thiếu sót về nhân sinh quan, loại bỏ hoặc hạ giá chân lý về con ngừơi. Con người là một hữu thể toàn diện và không phải là một mớ các yếu tố mà ngừơi ta có thể phân cách và lèo lái theo ý muốn. Trường học và đại học dường như không có khả năng đề ra những dự phóng sáng tạo mang trong mình một viễn tượng hướng đích siêu việt, có khả năng thu hút người trẻ trong bản chất sâu xa của họ, vì thế người trẻ, lo âu về tương lai, thường bị cám dỗ ít cố gắng càng ít càng tốt, hài lòng với cái tối thiểu và tìm sự thành công dễ dàng, đôi khi bằng những phương thế không thích hợp, và lợi dụng những khả thể do kỹ thuật ngày nay cống hiến. Nhiều người trẻ muốn thành công mau lẹ và sớm đạt được một vị thế xã hội và nghề nghiệp quan trọng, nhưng đồng thời lại ít quan tâm đến việc huấn luyện, thủ đắc khả năng chuyên môn và kinh nghiệm cần phải có. Phải chăng thế giới hiện nay và người lớn hữu trách không biết mang lại cho người trẻ những tham chiếu cần thiết. Hoạt động không đúng của một số tổ chức và dịch vụ công lập và tư nhân chẳng phải là do giáo dục thiếu sót sao?”
ĐTC nói thêm: “Lặp lại điều mà vị tiền nhiệm của tôi, ĐGH Lêô XIII đã nói, tôi xác tín “phẩm giá đích thực và sự trổi vượt của con người ở tại phong hoá của họ, nghĩa là trong nhân đức của họ; nhân đức là gia sản chung của con người, vừa tầm tay mọi người, nhỏ cũng như lớn, nghèo cũng như giàu” (Rerum Novarum, 20). Vì thế, tôi mời gọi chính phủ của quý vị can đảm góp phần vào sự tiến bộ của nhân loại bằng cách cổ vũ việc giáo dục các thế hệ trẻ, qua sự thăng tiến một nền nhân loại học lành mạnh, là điều căn bản không thể thiếu được đối với mọi nền giáo dục chân chính và phù hợp với gia sản tự nhiên của con người. Trách nhiệm này có thể tiến hành với sự suy tư nghiêm túc về những vấn đề khác nhau tại các quốc gia liên hệ của quý vị, trong đó một số chọn lựa chính trị hoặc kinh tế có thể âm thầm làm hao mòn gia sản nhân loại học và tinh thần của quý vị. Những gia sản này đã được gạn lọc qua bao thế kỷ và được kiên nhẫn hình thành trên những nền tảng là sự tôn trọng yếu tính của con người trong thực tại phức tạp nhưng đồng thời hoà hợp với toàn thể vũ trụ. Tôi cũng mời gọi chính quyền của quý vị can đảm làm việc để củng cố uy tín luân lý, được hiểu như một tiếng gọi sống hợp với nguyên tắc, là điều cần thiết để có một nền giáo dục đích thực và lành mạnh cho các thế hệ trẻ.”
ĐTC cũng nói: “Quyền có một nền giáo dục với những giá trị đúng đắn không bao giờ được phủ nhẫn hoặc quên lãng. Nghĩa vụ giáo dục về các giá trị ấy không bao giờ được bãi bỏ hoặc làm suy yếu vì bất kỳ lợi lộc chính trị quốc gia hay siêu quốc gia. Vì thế, cần giáo dục trong sự thật và về sự thật. Nhưng “sự thật là gì?” (Ga 18,38), Philatô vốn là một nhà cai trị đã từng hỏi như thế. Ngày nay, nói điều thật thì bị nghi ngờ, muốn sống trong sự thật, dường như bị coi là người lỗi thời, và thăng tiến sự thật dường như là nỗ lực vô ích. Thế nhưng tương lai nhân loại ở trong tương quan của các trẻ em và người trẻ với sự thật: sự thật về con người, sự thật về thiên nhiên, về các tổ chức, cơ chế,… Với việc giáo dục về tâm hồn và tư tưởng ngay chính, ngày nay hơn bao giờ hết, người trẻ cũng cần được giáo dục về ý nghĩa cố gắng và kiên trì trong những khó khăn. Cần phải dạy cho người trẻ biết rằng mọi hành động của con người phải có trách nhiệm và phù hợp với ước muốn vô biên, và hành vi đó tháp tùng sự tăng trưởng của người để để huấn luyện về một tình nhân đạo ngày càng huynh đệ hơn và được giải thoát khỏi mọi cám dỗ cá nhân chủ nghĩa và duy vật.”
Và ĐTC kết luận: “Qua trung gian của quý vị, tôi xin gửi lời chào thăm các giám mục và các tín hữu thuộc các cộng đoàn Công giáo tại đất nước của quý vị. Giáo Hội chu toàn sứ mạng của mình trong niềm trung thành với Chúa và với ước muốn nồng nhiệt đóng góp đặc thù cho sự thăng tiến toàn diện đồng bào của quý vị, nhất là qua việc giáo dục các trẻ em và người trẻ. Hằng ngày, Giáo Hội tham gia vào những cố gắng chung để làm cho mọi người được triển nở về tinh thần và nhân bản, qua những cơ cấu giáo dục, từ thiện và y tế của Giáo Hội, luôn quan tâm tới thức tỉnh lương tâm con người tôn trọng lẫn nhau và có tinh thần trách nhiệm. Theo nghĩa đó, tôi khuyến khích chính quyền của quý vị tiếp tục để cho Giáo Hội tự do hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống, như quý vị đã biết, những hoạt động ngày góp phần vào sự phát triển đất nước và công ích của quý vị.
Quý vị đại sứ thân mến, trong lúc quý vị chính thức bắt đầu sứ vụ cạnh Toà Thánh, tôi cầu chúc quý vị những điều tốt đẹp nhất, bảo đảm với quý vị về sự nâng đỡ của các cơ quan Toà Thánh dành cho quý vị để thi hành phận sự. Với mục đích ấy, tôi cũng cầu xin Chúa ban dồi dào phúc lành cho quý vị, và gia đình, cũng như các cộng sự viên của quý vị.
Các vị đại sứ
Ngoài diễn văn trên đây, Phòng Báo chí Toà Thánh cũng công bố lý lịch của 6 vị đại sứ mới, trong đó có một phụ nữ là bà Aminatou Batouré Gaoh, 51 tuổi, Đại sứ của nước Niger ở Berlin, thủ đô Cộng hoà Liên bang Đức.
Tân Đại sứ Thái Lan là Ông Chalermpol Thanchitt, năm nay 57 tuổi, tốt nghiệp tiếng Nga và chuyên về Xô Viết tại Đại học Surrey, Anh quốc. Ông đã từng làm Tổng Lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2000 đến 2002, rồi lần lượt làm Đại sứ tại Singapore, Bangladesh, Liên bang Nga, trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Thuỵ Sĩ, nơi ông thường trú hiện nay.
Tân Đại sứ của Sri Lanka cạnh Toà Thánh là Ông Ravinatha Pandukabhaya Ary Asinha, năm nay 52 tuổi, tốt nghiệp ngành Chính trị học, Triết học và Kinh tế ở Sri Lanka và hoạt động trong ngành Ngoại giao từ 32 năm nay. Ông từng làm Tổng Giám đốc và Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Sri Lanka, trước khi làm Đại sứ tại Bỉ và tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thuỵ Sĩ, nơi ông đang cư ngụ.