21/12/2024

Chúa Nhật XXXIII TN – B: Làm chứng cho sự thật và tình yêu trong hoàn cảnh mới

Đức Giêsu đã dạy cho tất cả các môn đệ biết sự thật: đó là Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu các bậc anh hùng tiền bối đã cố gắng sống theo sự thật và tình yêu như thế nào để chúng ta cũng bắt chước các ngài sống trong hoàn cảnh xã hội hôm nay.

 

Làm chứng cho sự thật và tình yêu trong hoàn cảnh mới
Hành Khất Kitô
Lời mở
Chúng ta vừa nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ còn ở thế gian (x. Ga 17, 11-19) “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”. Đức Giêsu đã dạy cho tất cả các môn đệ biết sự thật: đó là Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để tất cả những ai tin vào Con của Ngài thì được sống đời đời. Trong ít phút này chúng ta cùng nhau tìm hiểu các bậc anh hùng tiền bối đã cố gắng sống theo sự thật và tình yêu mà Chúa Giêsu đã trao gửi cho các môn đệ như thế nào để chúng ta cũng cố gắng bắt chước các ngài sống trong hoàn cảnh xã hội hôm nay.
1. Chứng nhân của sự thật
Có thể nói, đạo Công giáo được chính thức khai mở ở Việt Nam vào những năm 1615-1665, khi các thừa sai dòng Tên người Bồ Đào Nha và Nhật Bản đến Cửa Hàn, Đà Nẵng, năm 1615, để loan báo Tin Mừng, trong đó có cha F. Buzomi và Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) rồi sau đó cha P. Marques và Đắc Lộ đến Cửa Bạng, Thanh Hoá, ngày 19-3-1627. Trong vòng 50 năm đó, những tín hữu ở miền Nam và miền Bắc đã tin vào lời các ngài rao giảng và trở thành môn đệ của Đức Kitô. Từ 100.000 tín hữu Công giáo vào thời điểm 1665, các bậc anh hùng tiền bối đã xây dựng được một cộng đồng mới cho dân tộc Việt Nam (x. Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, tr. 187-189).
Thời đó dân tộc chúng ta sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế, vua là thiên tử có toàn quyền sinh sát trong tay, xã hội theo chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, lệ thuộc vào nền văn hoá Trung Hoa, lấy chữ Hán làm chữ chính thức của dân tộc, không biết gì về khoa học kỹ thuật. Các vị tử đạo tiền bối đã giới thiệu nhiều sự thật mới mẻ làm căn bản cho xã hội Việt Nam: ý thức dân chủ, nam nữ bình đẳng, gia đình một vợ một chồng vì Thiên Chúa là Cha chung của mọi người nên tất cả đều bình đẳng, là anh em của nhau và có cùng giá trị như nhau.
Nhờ các vị thừa sai Tây Phương dạy dỗ, các bậc tiền bối anh hùng truyền cho nhau kiến thức vệ sinh thông thường: biết lọc nước ao tù bằng than cát sỏi, uống nước nấu chín, các nữ tu học cách giúp sản phụ sinh nở an toàn nên được gọi là “bà mụ”, giới thiệu một nền văn hoá mới, khởi đầu là chữ Hán, chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ với hàng ngàn cuốn sách Công giáo, với thánh ca và thoại kịch đầu tiên ở Việt Nam. Đến năm 1865, tờ Gia Định Báo bằng chữ Việt xuất hiện ở Sài Gòn này đánh dấu cho việc xã hội Việt Nam đón nhận những sự thật và giá trị của nền văn hoá mới.
2. Chứng nhân của tình yêu
Để loan báo và chứng minh cho những sự thật đó, các ngài phải trả giá rất đắt: chính quyền thời đó cấm người Công giáo không được học hành, thi cử, buôn bán, khoảng 130.000 người đã bị chém đầu, bị thiêu sống, bị đày ải làm nô lệ cho lương dân (x. Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, tr. 184-203). Tuy nhiên các ngài vẫn chấp nhận cái giá mắc mỏ này vì noi gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự nguyện chết nhục nhã trên thập giá để minh chứng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, mọi vật.
Trong đời sống thường ngày, các ngài diễn tả tình yêu đối với Chúa bằng thánh lễ, lời kinh, tiếng hát hết sức sốt sắng dù chẳng có nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý và các phương tiện như hiện nay vì sống trong tình trạng cấm đạo nghiêm ngặt của chính quyền. Trong gia đình, các ngài diễn tả tình yêu bằng lòng chung thuỷ, giáo dục con cái kỹ lưỡng và sẵn sàng chết thay cho nhau khi bị bắt bớ vì đạo nghĩa. Ngoài xã hội, các ngài chứng tỏ tình yêu bằng việc chia sẻ cho nhau mọi điều hiểu biết khiến những người tín hữu đều đẹp đẽ, khoẻ mạnh, có học thức, chia sẻ nghề nghiệp để làm hàng nào cũng tốt, bán hàng nào cũng thật, cũng rẻ nên ai cũng muốn mua hàng của người Công giáo. Do đó, dù bị bách hại nặng nề, nhiều người vẫn tin theo Chúa và gọi đạo Công giáo là đạo của tình yêu.
3. Làm chứng cho sự thật và tình yêu trong hoàn cảnh mới
Hôm nay, nhân dịp mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta tự hỏi lòng xem mình cần phải hành động như thế nào để làm chứng cho sự thật và tình yêu của Chúa trong hoàn cảnh mới của xã hội? Hình như người Công giáo Việt Nam chúng ta đang ngủ quên trong chiến thắng sau khi cộng đồng dân tộc đã đón nhận những sự thật về dân chủ, về gia đình 1 vợ 1 chồng, về nam nữ bình đẳng, về chữ quốc ngữ, về khoa học kỹ thuật. Chúng ta có vẻ như không còn thấy những sự thật mới mẻ nào cần loan báo, tình yêu nào cần làm chứng nữa. Do đó mà từ năm 1885 đến nay, tỷ lệ người Công giáo trong cả nước vẫn giữ nguyên khoảng 7% dân số.
Chúng ta có may mắn hơn cha ông thời trước vì được Công đồng Vaticanô II, Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo và Giáo huấn Xã hội Công giáo hướng dẫn nên biết rất rõ về những sự thật mới mẻ cần giới thiệu cho đồng bào trong công cuộc đưa Tin Mừng Chúa Kitô hội nhập vào văn hoá Việt Nam. Đó là những sự thật về giá trị cao quý của con người, của vạn vật, của xã hội và của chính Thiên Chúa trong nền nhân bản toàn diện và liên đới để xây dựng nền văn minh tình yêu như đích điểm của mọi hoạt động xã hội trên trần thế.
Đó là sự thật về con người mang hình ảnh của Thiên Chúa nên cần phải tôn trọng, yêu thương. Sự thật về một Thiên Chúa luôn gần gũi, cảm thông với con người, lúc nào cũng nhìn thấu lương tâm con người để thôi thúc họ hành động tốt đẹp. Sự thật về vạn vật để tích cực học hỏi những khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn để có thể quản lý vạn vật như những đứa em nhỏ trong đại gia đình Thiên Chúa. Sự thật về con người mình với biết bao tài năng, ân phúc, thời giờ, phương tiện Chúa trao để phát huy toàn diện con người cũng như để luôn luôn nghĩ thật, nói thật, làm thật trong một xã hội đầy những cái giả dối như hiện nay. Chúng ta mơ ước rằng, có một ngày, người Công giáo Việt Nam chỉ bán hàng thật, hàng rẻ, hàng tốt như các bậc tiền bối anh hùng thời xưa và như rất nhiều tín hữu Công giáo Hàn quốc thời nay. Dấu thánh giá trên bảng hiệu muốn ám chỉ điều đó.
Kế đến, chúng ta giới thiệu nền văn minh tình yêu vì đạo Công giáo là đạo tình yêu, Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là tình yêu nên chúng ta cần thể hiện tình yêu ấy trong từng ý nghĩ, lời nói, hành động, trong đời sống mỗi người cũng như trong gia đình và cộng đồng, để làm sao cho khắp nơi tràn đầy niềm vui, bình an, hạnh phúc, không còn những vụ ly thân, ly dị, cãi vã, chém giết, lừa bịp, gây thiệt hại cho nhau, như các thánh tử đạo đã thể hiện trước đây. Hồi xưa, trong xứ đạo, mọi người coi nhau như anh em một nhà, có họ hàng thiêng liêng với nhau – nên gọi là họ đạo. Trên đường quê vào buổi sáng, vang tiếng cười và chào hỏi của mọi người vì tất cả đều là anh chị em, con cùng một Cha Trên Trời. Ước mơ này sẽ trở thành hiện thực nếu chính mỗi người chúng ta bắt đầu thể hiện hôm nay.
Lời kết
Nếu chúng ta thể hiện tình yêu và những sự thật mới mẻ ấy để giúp mọi người cảm nghiệm được đạo bác ái, đạo yêu thương trong cách đối xử hằng ngày, chắc chắn chúng ta sẽ vực dậy và cứu được dân tộc đang suy thoái, suy đồi. Có như thế người Công giáo chúng ta mới thật sự noi gương các thánh tử đạo tiền bối làm cho đất nước phát triển, mỗi ngày một tốt đẹp hơn, yêu thương hơn, hạnh phúc hơn.
Xin các thánh tử đạo luôn luôn chuyển cầu cho mỗi người chúng con trở thành những chứng nhân của sự thật và tình yêu như các ngài trong hoàn cảnh mới mẻ của xã hội hôm nay.