24/11/2024

Bài phát biểu của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến Hàn lâm viện Khoa học Toà Thánh

Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 8-11-2012, dành cho Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, ĐTC Bênêđictô XVI cổ vũ sự đối thoại và cộng tác giữa khoa học và đức tin. Sau đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha.

Bài phát biểu của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến Hàn lâm viện Khoa học Toà Thánh

 

Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 8-11-2012, dành cho Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, ĐTC Bênêđictô XVI cổ vũ sự đối thoại và cộng tác giữa khoa học và đức tin. Sau đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha.

Phiên họp khoáng đại này bàn về chủ đề “Tính Đa nguyên và Đồng nhất trong Khoa học: Các chiều kích về lý thuyết phương pháp luận và tri thức luận” đụng chạm đến một chủ đề quan trọng vốn mở ra nhiều quan điểm để hướng đến một viễn tượng mới về sự thống nhất trong các ngành khoa học. Thực vậy, những khám phá và tiến bộ quan trọng trong những năm qua mời gọi chúng ta tìm hiểu về sự đồng nhất nền tảng trong ngành vật lý và sinh học, sự đồng nhất này được biểu lộ một cách rõ ràng hơn mỗi khi chúng ta đạt được một sự hiểu biết sâu xa hơn về trật tự tự nhiên. Nếu như một vài ý niệm mới có được trong cách thức này cho phép chúng ta rút ra những kết luận trong những tiến trình trước đây, thì sự ngoại suy này chỉ ra một sự hội nhất lớn hơn trong tự nhiên và trong cấu trúc phức tạp của vũ trụ và nó giúp ta tìm thấy vị trí nhiệm mầu của con người trong vũ trụ này. Tính đa nguyên và sự vĩ đại của khoa học đương thời cho phép con người hiểu biết nhiều hơn về tự nhiên, điều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Chỉ có con người mới có khả năng mở rộng tri thức của mình và sắp đặt nó một cách khôn ngoan để mưu ích cho mình và cho môi trường xung quanh.

Trong những cuộc thảo luận của mình, các bạn đã nỗ lực để xem xét, một mặt, về một sự biện chứng trong việc mở rộng không ngừng của các nghiên cứu khoa học, các phương pháp và các ngành chuyên môn, và mặt khác, là vấn nạn về một cái nhìn toàn diện về vũ trụ này, một vũ trụ mà trong đó con người, với khả năng lý trí và tự do, được mời gọi để hiểu biết, yêu mến, sống và lao tác. Trong thời đại chúng ta, việc sẵn có các công cụ nghiên cứu hùng hậu và khả năng để thực hiện những thí nghiệm phức tạp và có tính chính xác cao cho phép các ngành khoa học tự nhiên tiếp cận với những nền tảng của những thực tại hữu hình cho dù họ không nỗ lực để hiểu một cạch trọn vẹn cấu trúc hội nhất và sự thống nhất tối hậu đi chăng nữa. Một sự nối tiếp vô tận và một sự thống nhất nơi các lý thuyết, kết quả của một nghiên cứu này đến lượt nó trở thành định đề cho những nghiên cứu mới, sẽ minh chứng cho sự hội nhất trong tiến trình khoa học cũng như tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ hướng các khoa học gia tiến đến một sự hiểu biết rõ ràng hơn về chân lý của tự nhiên và một cái nhìn bao quát hơn về thế giới này.

Một sự tiếp cận liên ngành như thế tới sự đa nguyên cũng chỉ ra rằng các ngành khoa học không phải là những thế giới hữu lý không nối kết với nhau và không nối kết với thực tại, nhưng đúng hơn chúng liên kết và hướng đến việc nghiên cứu tự nhiên như là một thực tại duy nhất, hữu lý và hòa hợp trong một sự đa nguyên đích thực.

Một cái nhìn như thế có những điểm tương đồng với quan điểm của triết học và thần học Kitô giáo về vũ trụ, với khái niệm về hữu thể dự phần, mà trong đó mỗi tạo vật đơn lẻ, sở hữu một mức độ hoàn thiện nơi mình, chia sẻ trong một bản chất cụ thể và trong một vũ trụ bắt nguồn từ Lời sáng tạo của Thiên Chúa. Chính vì tổ chức của tự nhiên mang nơi mình tính logic và đồng nhất đã khích lệ các nghiên cứu khoa học và lôi kéo tâm trí con người hướng đến một sự khám phá về sự đồng tham dự theo chiều ngang giữa các hữu thể và sự dự phần siêu việt với hữu thể Đệ nhất. Vũ trụ không phải là một mớ hỗn độn hay nảy sinh từ hỗn độn, đúng hơn vũ trụ là một đa nguyên được sắp đặt cho phép chúng ta, bằng phân tích so sánh hay loại suy, khởi đi từ một trường hợp cụ thể để đi đến một cái nhìn phổ quát hay ngược lại.

Trong khi vẫn còn đó những khoảnh khắc trong vũ trụ và trong đời sống vượt quá khả năng của việc quan sát mang tính khoa học, thì khoa học vẫn tìm thấy một lãnh địa rộng lớn để không ngừng tự vấn chính mình và từ đó khám phá ra một trật tự rõ ràng bất biến và tương hợp, đóng vai trò như là những thành phần thiết yếu của sự sáng tạo vĩnh cửu.

Chính trong bối cảnh rộng lớn này mà tôi lưu ý về những hoa trái lớn lao nảy sinh từ việc sử dụng phương pháp loại suy trong triết học và thần học, không chỉ đơn giản là những công cụ để phân tích các thực tại trong tự nhiên theo chiều ngang mà còn được xem như là một kích tố cho những suy tư đầy sáng tạo về một bình diện siêu vượt hơn. Rõ ràng nhờ vào khái niệm sáng tạo, tư tưởng Kitô giáo không chỉ sử dụng phương loại suy để thẩm tra về những thực tại trần thế mà còn trở thành những phương thế khởi đi từ việc hiểu biết về một trật tự được sáng tạo đến việc chiêm ngắm Đấng Tạo Hoá. Liên hệ đến nguyên lý cho rằng siêu việt tính của Thiên Chúa ngụ ý về một sự đồng nhất nơi các tạo vật của Ngài một cách thiết yếu hàm chứa một sự khác biệt lớn hơn. Trong khi cấu trúc của thụ tạo là cấu trúc của hữu thể, một hữu thể được hiện hữu nhờ dự phần thì cấu trúc của Thiên Chúa là cấu trúc của hữu thể hiện hữu tự chính nó.

Trong khi con người đã có những nỗ lực lớn lao trong việc tìm chìa khoá mở cửa mầu nhiệm của con người và vũ trụ, tôi tin chắc rằng còn có đó một nhu cầu cấp thiết cho một sự đối thoại và hợp tác liên lỉ giữa thế giới khoa học và đức tin trong việc xây dựng một nền văn hóa tôn trọng con người, bênh vực phẩm giá và tự do của con người, bênh vực tương lai của gia đình nhân loại và sự phát triển bền vững và lâu dài nơi hành tinh của chúng ta. Không có sự liên kết thiết yếu này, vấn nạn lớn về con người sẽ rời bỏ địa hạt của lý trí và chân lý và đắm mình trong sự phi lý, mầu nhiệm hay thái độ dửng dưng; điều này sẽ gây thiệt hại cho chính con người, cho sự hoà bình thế giới và cho vận mệnh tối hậu của chúng ta.