Bậc thầy về châm cứu
Ngoài 80 tuổi, giao tiếp bằng ngoại ngữ tốt, GS-BS Nguyễn Tài Thu vẫn tiếp tục xin được tiền dự án để chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân. “Không thể để châm cứu lụi đi”, ông tâm sự cho dù vẫn vướng vất đôi ba nỗi buồn về những học trò cũ giờ không còn gần gũi với mình. Bù lại, những lớp học trò ngày một trẻ hơn vẫn lui tới học đạo châm cứu nơi ông và lấy ông làm gương để rèn giũa.
“Tôi đang trên đường công tác thì có tin báo mình được nhận danh hiệu Công dân ưu tú của thủ đô. Tôi mừng. Nhận danh hiệu này tôi không phải làm hồ sơ xét duyệt gì”, GS Nguyễn Tài Thu – vị thần kim của châm cứu nói.
Những bó lys vàng vẫn thơm ngọt trong căn phòng nhỏ của GS Nguyễn Tài Thu tại Khoa Quốc tế, Viện Châm cứu T.Ư. Giờ đây, đã ngoài tám mươi, ông vẫn tuần ba ngày tới Viện để khám và châm cứu. Thời gian còn lại ông dồn sức cho việc mở mang ngành. Một lớp học châm cứu do ông dạy vừa khai giảng trên phố Hòa Mã. “Tôi vẫn chữa bệnh cho mọi người như bấy lâu thôi”, vị giáo sư nói.
|
Như bấy lâu nghĩa là ông cứ chữa bệnh và không hề nhận phong bì. Ấy là nhờ ông xin được rất nhiều hỗ trợ cho bệnh nhân nhờ uy tín lâu năm. Ngay cả khoa quốc tế bây giờ cũng được thơm lây. Khoa có hẳn một phần việc được tài trợ, bệnh nhân được chữa miễn phí từ dự án giúp trẻ tăng động. “Qua các mẹ chia sẻ, tôi đưa con tới đây chữa miễn phí. Cháu được châm cứu, tiêm thuốc không mất tiền. Quan trọng, tôi thấy mình không đơn độc”, một phụ huynh có con trai 3 tuổi bị tăng động nói rưng rưng. Mới hai tư tuổi, chính chị cũng không thể ngờ, nguồn tiền hôm nay con chị thụ hưởng có cội rễ rất lâu, rất xa qua những chuyến xuất ngoại châm cứu từ sau chiến tranh của vị bác sĩ già.
|
Ngoại giao… châm cứu
“Tôi đi nước ngoài liên miên để chữa bệnh. Tháng nữa tôi lại sang Pháp”, GS Nguyễn Tài Thu nói. Từ những năm tuổi trẻ, bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã đi nước ngoài liên tục để rồi về lại húc đầu vào thiếu đơn thiếu kép khi xây dựng ngành châm cứu trong nước. Sau chiến tranh, những năm cuối thập niên 1970, việc đi lại chữa bệnh của ông được mời qua con đường nhà nước. Được trọng vọng ở nước ngoài, ông mau chóng tính kiểu “con nhà nghèo nhưng năng động” - xin tài trợ để “tha về” dựng cơ sở Viện đông y. “Chính phủ cũng đặc cách cấp cho tôi hộ chiếu ngoại giao để ra nước ngoài giảng dạy. Tạo được uy tín, tôi cũng kêu gọi quyên góp xây dựng bệnh viện”, ông cho biết.
Ủng hộ của các nước khi ấy cũng rất linh hoạt kiểu ai có tiền cho tiền, ai có vải cho vải, ai có giường cho giường. Có những nước gửi tặng bác sĩ Thu vài container gồm 100 giường bệnh có màn đi kèm. Có tổ chức cho ô tô tải, cho hóa chất làm giấy khiến bác sĩ phải kiêm thêm việc đi bán để chuyển đổi tiền, hiện vật. Cần mẫn như con kiến, cánh đồng Si hoang vu ngày nào dần được đổ thêm đất, dầm thêm đường, dựng thêm nhà gỗ để làm phòng khám. Hàng chục năm để có cơ ngơi ngày hôm nay.
Danh sách yếu nhân cũng như người nhà yếu nhân được ông chữa bệnh cứ dài thêm mãi sau mấy chục năm như vậy. Trong số này có cháu ruột ông Anaya Alberto, Tổng bí thư đảng Lao động Mexico. Khi đó, mới 8 tháng tuổi, đã trải qua 2 lần đại phẫu để tạo hậu môn giả mà chưa thành công, thể trạng không cho phép bé chịu thêm một lần gây mê nữa. Kỹ thuật gây mê về lý thuyết không quá khó, nhưng phải có đôi bàn tay vàng mới thực hiện được. Sau 20 phút, bé đã không có phản ứng gì khi bị cái panh có mấu cặp vào bụng. “Ca mổ kéo dài khoảng một giờ, đủ thời gian để tạo ra một hậu môn mới, đúng vị trí. Không dùng thuốc mê, cơ thể bé mềm dễ mổ hơn. Một ngày rưỡi sau, bé đánh được trung tiện rồi đi được đại tiện”, nhà báo Hàm Châu sau này kể lại.
Cũng nhờ những cuộc chữa bệnh như thế mà cùng với Pháp, Ý, Mexico trở thành những điểm đến thân quen của vị bác sĩ thần kim. Thậm chí, ông đã mở lớp dạy châm cứu, trung tâm chữa bệnh tại đó. Cũng nhờ uy tín của ông, quan hệ giữa “trường con” tại Mexico và “viện mẹ” tại Việt Nam vô cùng khăng khít. Từ năm 2000 đến 2010, Viện Châm cứu T.Ư đã cử hơn 100 lượt giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ sang Mexico giảng dạy, chữa trị cho hơn 150.000 lượt người bệnh. Ba trung tâm châm cứu tại ba bang của Mexico đều lấy tên Hồ Chí Minh.
Thành tích ngoại giao là vậy, nhưng cũng chính những chuyến “ngoại giao châm cứu” liên miên khiến ông từng trượt danh hiệu anh hùng. “Khi gặp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo tôi: cậu bị mất anh hùng rồi đấy! Lý do là tôi bị kiện vì trong lúc đất nước nghèo khổ thì hay ra nước ngoài, không đồng cam cộng khổ”, ông nhớ lại.
Giờ đây, không ai trách ông về chuyện đi nước ngoài ấy nữa, bởi thấy rõ sau những chuyến đi như con thoi ông là yếu nhân của châm cứu nước nhà. Ngoài 80 tuổi, giao tiếp bằng ngoại ngữ tốt, ông vẫn tiếp tục xin được tiền dự án để chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân. “Không thể để châm cứu lụi đi”, ông tâm sự cho dù vẫn vướng vất đôi ba nỗi buồn về những học trò cũ giờ không còn gần gũi với mình. Bù lại, những lớp học trò ngày một trẻ hơn vẫn lui tới học đạo châm cứu nơi ông và lấy ông làm gương để rèn giũa.
GS-BS Nguyễn Tài Thu sinh năm 1931 tại Hà Nội. Năm 16 tuổi, ông trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Sau đó, được cử đi học một năm tại Trường đại học Y khoa, rồi sang học Đông y tại Trung Quốc. Ông là người sáng lập ra Viện Châm cứu Việt Nam (tiền thân của Viện Châm cứu T.Ư ngày nay); Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam. Năm 1995 ông nhận danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, năm 1999 được tặng Huân chương Lao động hạng nhất, năm 2000 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, năm 2005 được nhận Huân chương Độc lập hạng nhì; là giáo sư, tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài. Năm 2012, ông được vinh danh là Công dân ưu tú của thủ đô. GS Nguyễn Tài Thu khởi xướng trường phái tân châm, sử học điện châm và thủy châm thay vì chỉ dùng kim. Ông cũng là bậc thầy số một về “Mãng châm” với những cây kim châm có độ dài tới 80 cm.
|